Cứ sau Tết Nguyên đán hàng năm, người dân ở nhiều vùng biển ở Quảng Ngãi lại rộn ràng với một mùa biển mới với nhiều nghề đánh bắt khác nhau. Trong đó có 1 nghề khai thác hải sản vô cùng độc đáo với truyền thống lâu đời tồn tại đến ngày nay. Đó là nghề kéo lưới rùng.
Không xác định cụ thể thời gian, cứ vào những ngày biển êm, lặng sóng là từng tốp ngư dân lại rủ nhau ra bờ biển để kéo lưới rùng. Ngư cụ phục vụ cho nghề này chỉ đơn giản là 1 tấm lưới dài vài ngàn mét, thuyền thúng và số lượng người tham gia khoảng từ 15 – 20 ngư dân.
Ban đầu, một vài người sẽ có nhiệm vụ chèo thuyền thúng ra khơi cách bờ từ 1 đến 1,5 km để thả lưới. Một đầu lưới được giữ lại trên bờ, đầu còn lại chở lên thuyền thúng ra biển thả theo hình vòng cung cho đến khi hết chiều dài của lưới. Tùy theo từng địa phương, chiều dài của tấm lưới có thể khác nhau nhưng dao động từ 1.000 đến 3.000m.
Tiếp đó, những ngư dân trên bờ sẽ chia làm 2 tốp để kéo 2 đầu lưới cho đến lúc toàn bộ tấm lưới được đưa vào bờ. Lúc này, các loại hải sản như cá, tôm, cua, mực… sẽ mắc và dồn lại ở cuối tấm lưới. Trung bình, mỗi lần kéo như vậy sẽ mất tầm 2 giờ đồng hồ. Lần nào được nhiều thì có thể thu được vài tạ hải sản các loại, ít hơn thì được vài chục kg.
Bà Lê Thị Vương (50 tuổi, trú thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) cho biết, tại địa phương, những người trẻ, có sức khỏe thì theo thuyền ra khơi đánh bắt vài ngày đến vài chục ngày còn nghề kéo lưới rùng đỡ nặng nhọc hơn nên đa số những người tham gia đều là phụ nữ hoặc người đã lớn tuổi. “Nếu thời tiết tốt thì công việc làm được thường xuyên, mỗi ngày 1 người cũng kiếm được từ 300.000 đến 500.000 đồng, xem như cũng có đồng ra đồng vào".
Gia đình ông Phạm Có (65 tuổi, trú thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ) đã 3 đời làm nghề kéo lưới rùng ở vùng biển này. Theo ông có, nhiều năm trước, các phương tiện tàu thuyền đánh bắt chưa nhiều nên đa số ngư dân sống bằng nghề kéo lưới rùng này. Cùng với đó, nguồn lợi hải sản lúc trước còn dồi dào nên mỗi lần kéo lưới có thể thu được từ 5 đến 7 tạ hải sản, mang lại thu nhập cao cho ngư dân.
Tuy nhiên, hiện nay càng có nhiều phương tiện đánh bắt với đủ loại ngành nghề khác nhau nên lượng hải sản trong bờ cũng cạn kiệt dần. “Giờ mỗi ngày chịu khó cũng kiếm được vài trăm ngàn. Hôm nào thuận lợi, tôm cá nhiều thì mỗi người cũng được 1 triệu tiền công.
Mặc dù thu nhập không cao bằng đi biển đánh bắt nhưng đây là nghề truyền thống lâu đời nên tôi rất muốn con cháu sau này tiếp tục lưu giữ. Mỗi lần kéo lưới lên, thấy tôm cá đủ các loại nhảy tanh tách ở cuối lưới ai nhìn thấy cũng thích. Nhiều người nhìn thấy cá tươi ngon mua ngay tại đó với giá cao nữa”, ông Có chia sẻ.
Được biết, tại tỉnh Quảng Ngãi, nghề kéo lưới rùng vẫn còn được ngư dân ở các xã như Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), xã Đức Minh, (huyện Mộ Đức) và xã Bình Châu, Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) duy trì đánh bắt. Nghề này thường bắt đầu từ giữa tháng giêng cho đến hết tháng 9 âm lịch (khi vào mùa biển động).
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: “Nghề kéo lưới rùng là nghề truyền thống lâu đời ở vùng biển này. Tuy nhiên, vì là nghề cần nhiều lao động, thu nhập bấp bênh, đánh cá phải theo con nước, theo mùa nên đa số ngư dân đã chuyển qua nghề biển khác. Trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 3 gia đình còn theo nghề”.