| Hotline: 0983.970.780

Nghệ nhân chè búp tím

Thứ Hai 19/02/2018 , 08:01 (GMT+7)

Gần cả đời gắn bó với cây chè ở vùng chè nổi tiếng thuộc xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), kỹ năng làm chè của ông Phạm Văn Dung đã được người dân phong vào hàng nghệ nhân.

Gần đây, việc nhân giống và phát triển thành công cây chè tím của ông Dung lại được người dân gán cho ông tên gọi “Tể tướng chè tím”.

11-49-32_1
Ông Phạm Văn Dung giới thiệu về quy trình chăm sóc, chế biến đặc biệt đối với chè búp tím

Dù đã ngoại thất thập nhưng ngày ngày, ông vẫn lặn lội trên đồi, dưới bãi chăm lo cho từng cây, từng luống chè. Chè Tức Tranh vốn đã nổi tiếng nay lại càng nức hương bởi loại chè được coi là biệt dược này.
 

Say nghề

Gia đình ông Dung có gần 10.000m2 đất chè thuộc làng nghề chè truyền thống xóm Minh Hợp. Trong đó, ông có 4.000m2 chè Tri 777, 3.000m2 chè Trung du. Diện tích còn lại, ông làm vườn ươm các loại chè giống bán cho người dân.

Ông kể, khi chăm sóc cho hàng nghìn mét vuông chè trung du, nhận thấy có cây chè khác lạ, ngọn non và lá có màu tím, phát triển mạnh hơn với những cây chè khác. Qua tìm hiểu trên sách báo, tivi rồi mạng xã hội, cùng với sự giúp đỡ của giảng viên, sinh viên ĐH Nông lâm Thái Nguyên, biết được cây chè tím có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau, ông đã quyết định nhân giống để trồng.

Đưa chúng tôi lên thăm vườn chè tím, cẩn thận nâng một cây giống còn trong bầu lên cao, ông Dung giới thiệu, ngọn chè tím có màu tím giống như màu mận chín, cuống lá non màu đỏ, có khi búp lá cũng đỏ hoặc tím.

Ban đầu, chỉ từ một vài cây mọc xen kẽ với những cây chè trung du trong vườn chè giống, ông bắt đầu tìm hiểu và nhân cành ra để trồng. Sau hơn 5 năm kiên trì nhân giống trồng và chăm sóc, đến nay diện tích vườn chè tím của gia đình ông Dung đã lên đến gần 2.000m2. Chè tím được bán với giá gấp 2, gấp 3 lần so với chè thông thường được làm tại đây. Ông Dung không giấu diếm bí quyết, trái lại, ông đã tiếp tục nhân ra hàng vạn hom giống để cung cấp cho người làm chè cùng trồng.

Thành quả từ nỗ lực phục tráng và phát triển giống chè tím được ông Dung khoe không phải là giá trị từ nương chè mà chính là việc sản phẩm chè tím đã góp phần chữa được căn bệnh hiểm nghèo cho chính người anh ruột của mình.

11-49-32_2
 

Năm 2013, ông Phạm Văn Đúp (xóm Bái Xuyên, Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội - anh trai của ông Dung) được Bệnh viện U Bướu chuẩn đoán bị bệnh ung thư xương. Sau xạ trị và truyền hóa chất xong về nhà, ông  Đúp được ông Dung gửi chè tím xuống.

Uống thuốc của bệnh viện kết hợp với uống chè tím được một thời gian, ông Đúp đi xét nghiệm lại, thì tình trạng bệnh tình của ông đã dần ổn định, các chỉ số máu đã trở lại bình thường, tế bào ung thư không còn phát triển. Từ đó, ông duy trì uống chè hàng ngày và kết hợp theo chỉ dẫn của các bác sỹ trong bệnh viện. Cứ 3 tháng đi tái khám một lần, các chỉ số đều đảm bảo.
 

Phát triển vườn chè thuốc

Rót chén chè tím mời khách, ông Dung giải thích, chè búp tím nước vàng sóng sánh, vị đượm, được nước. Ngon nhất là nước thứ hai, sau 5 - 7 lần châm nước, chè vẫn giữ được vị. Chè búp tím mới uống có vị chát, sau thì ngọt và lưu lại vị ngọt đặc trưng sau khi uống từ 20 - 30 phút. Chỉ cần pha một ấm thì có thể nhâm nhi cả ngày.

Coi chè tím như một vườn thuốc biệt dược, ông Dung đã thay đổi phương thức sản xuất, chế biến chè. Năm 2014, ông đề nghị hình thành nhóm hộ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông được bầu làm tổ trưởng tổ sản xuất chè VietGAP. Hơn 5.000m2 chè kinh doanh của gia đình ông được đưa vào thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

11-49-32_3
 

Bên căn nhà cấp 4 đã được xây dựng từ lâu của gia đình ông là khu vực chế biến với các máy móc, thiết bị vào loại hiện đại bậc nhất của xã Tức Tranh cũng như của huyện Phú Lương hiện nay. Trang thiết bị để sản xuất chè an toàn bằng inox gồm 3 tôn quay và 2 máy vò chè; hệ thống quạt hút khói bụi tại khu chế biến rộng cả trăm mét vuông; hệ thống máy sấy, tủ sấy hương, máy hút chân không, máy gắn mép, máy dập chữ số và hạn sử dụng.

Ông Dung cho đào và xây một ao trữ nước với diện tích khoảng hơn 300m2, tạo nguồn nước mạch sạch liên tục và hệ thống máy bơm nước tự động để tưới cho chè. Sản phẩm chè của gia đình ông Dung đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá bán được nâng cao, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Riêng vườn chè tím, ngoài đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Dung còn đảm bảo theo quy trình sản xuất hữu cơ. Ông cho hay, sản xuất chè tại Tức Tranh chính là cái nôi đầu tiên cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, việc thực hiện là không khó, cái khó là người làm chè có nhận thức được sự cần thiết, tất yếu phải làm hay không.

Nghĩ thế, ông cho mua một máy nghiền đỗ tương. Hạt đỗ tương mua về được xay thành bột để bón cho những gốc chè búp tím. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thuộc ĐH Nông lâm Thái Nguyên, bột đỗ tương có chứa rất nhiều đạm, có thể sử dụng làm phân hữu cơ bón cho cây ăn quả, rau màu các loại, đặc biệt nguồn dinh dưỡng có trong bột đỗ tương không bị bay hơi, khi gặp mưa sẽ ngấm dần xuống đất làm cho đất tơi xốp, cây trồng tốt hơn.

Trong khi đó, giá thành để làm phân hữu cơ từ bột đỗ tương còn thấp hơn so với phân vô cơ. Cái chính là tạo ra được sản phẩm an toàn. Ông Dung triết lý, chè có thể chưa sạch nhưng chè thuốc thì phải an toàn tuyệt đối!

11-49-32_4
 

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, trong lễ hội chè huyện Phú Lương lần thứ Nhất năm 2017 vừa được tổ chức, cá nhân ông Phạm Văn Dung cũng như sản phẩm chè tím của ông đã được BTC lễ hội vinh danh.

Hiện tại, sản phẩm chè búp tím của gia đình ông đã được nhiều khách hàng trong cả nước đặt mua. Mô hình phát triển chè búp tím của ông Dung không chỉ khẳng định vị thế mũi nhọn của cây chè nói chung trên địa bàn huyện mà góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm từ chè.

Mô hình cũng có sức lan tỏa và ông Dung cũng sẵn sàng là người hướng dẫn, cung ứng giống để nhân rộng, phát triển cây chè búp tím.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.