| Hotline: 0983.970.780

Sớm hoàn thiện đề án Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản

Thứ Hai 20/09/2021 , 18:37 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản để trình Chính phủ trong tháng 9/2021 theo kế hoạch.

Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản trong tháng 9/2021. Ảnh minh họa.

Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản trong tháng 9/2021. Ảnh minh họa.

Trình Chính phủ trong tháng 9

Ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan nhằm sớm hoàn thiện đề án Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản. Theo dự kiến, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án trong tháng 9/2021.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản là đề án lớn và có nhiều yếu tố cấu thành. Do đó, đề án cần hướng đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Từ đó cũng gắn liền với việc tái cơ cấu 3 trục sản phẩm nông nghiệp: quốc gia, vùng và OCOP.

Cũng theo Thứ trưởng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, việc tổ chức sản xuất, nuôi trồng thủy sản cần được xây dựng theo chuỗi để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh của các thị trường.

“Từ bối cảnh hiện nay và tiềm năng lợi thế vốn có, Chương trình phải đưa ra những hệ thống giải pháp, các đề án thực hiện giải pháp đó đi cùng cơ chế tài chính. Đặc biệt phải có đề án riêng về thú y phòng bệnh thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề án về nuôi thủy sản trên biển và trong nội đồng cũng cần được quan tâm hơn”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý.

Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản được xây dựng trên quan điểm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nuôi trồng thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế.

Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới.

Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt.

Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ tại các vùng sản xuất tập trung theo phương châm chọn lọc theo thứ tự ưu tiên và đầu tư dứt điểm. Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực trọng yếu làm tiền đề để các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất.

Ngoài ra, tổ chức phát triển nuôi trồng thủy sản phải phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, khu vực, đối tượng và đảm bảo phối hợp hài hoà, không gây xung đột, mâu thuẫn với hoạt động các ngành kinh tế khác đặc biệt là khu vực ven biển.

Xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt trên 12 tỷ USD vào năm 2030

Theo Tổng cục Thủy sản, mục tiêu tổng quát của Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản là phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững dựa trên sự gia tăng về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Nuôi tôm trên vùng ven sông tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Trang.

Nuôi tôm trên vùng ven sông tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Trang.

Kiểm soát được các yếu tố đầu vào, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được môi trường, dịch bệnh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình thành được các vùng sản xuất tập trung để phục vụ xuất khẩu với hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ chế kiểm soát, giám sát đồng bộ.

Khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng hệ thống mặt nước sông suối, hồ chứa để phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Phát huy tiềm năng tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, giá trị cao, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và bền vững.

Theo đó, một số mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được đưa ra là nâng tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 5,6 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng trung bình 4,2%/năm.

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt trên 7,5 tỷ USD tăng 1,45 lần so với năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,6%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản trung bình 6-7%/năm.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 7 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng trung bình 4,6%/năm. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt trên 12 tỷ USD, tăng 2,3 lần so với năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,6 - 9,9%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản trung bình 8 - 9%/năm.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.