| Hotline: 0983.970.780

'Nghị định gạo thơm': Số lượng nhỏ, ý nghĩa lớn!

Thứ Hai 11/01/2021 , 15:47 (GMT+7)

Năm 2020, Nghị định Chứng nhận chủng loại gạo thơm được miễn thuế xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA mang ý nghĩa vô cùng lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam.

"Nghị định gạo thơm” mở ra bước ngoặt

Từ 1/9/2020, ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ triển khai cấp chứng nhận tính đúng giống cho gạo thơm xuất khẩu sang EU theo diện được miễn thuế quan (0%), với tổng lượng gạo thơm được miễn thuế là 30 nghìn tấn/năm.

Theo tổng hợp của Cục Trồng trọt đến tháng 12/2020, đã có 102 giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm được Cục Trồng trọt cấp cho 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU, với tổng lượng gạo thơm xuất khẩu được miễn thuế (0%) là khoảng 10 nghìn tấn.

Có 9 loại gạo thơm trong danh mục được phép xuất khẩu sang EU thuộc diện được miễn thuế, bao gồm: Jasmine 85; ST5; ST20; Nàng Hoa 9; VĐ 20; RVT; OM4900; OM5451 và Tài nguyên Chợ Đào.

Đây là những loại gạo thơm mà phía Việt Nam đã đề xuất và đã được EU chấp thuận đưa vào danh mục trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA. Lượng gạo thơm và số lượng các loại gạo thơm của Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu sang EU sẽ được phía Việt Nam và Ủy ban Thương mại của EU rà soát, điều chỉnh bổ sung tăng lên hàng năm cho phù hợp, trên cơ sở thống nhất của hai phía…

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Việt Nam về triển khai Hiệp định EVFTA phải đảm bảo có hiệu lực đồng thời khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ 1/9/2020).

Nghị định 103/2020/NĐ-CP về Chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đã kịp thời tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm miễn thuế sang EU ngay các tháng cuối năm 2020. Ảnh: LHV.

Nghị định 103/2020/NĐ-CP về Chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đã kịp thời tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm miễn thuế sang EU ngay các tháng cuối năm 2020. Ảnh: LHV.

Vì vậy, Nghị định về Chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu đã được Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Trồng trọt chủ trì triển khai xây dựng trong một thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng 3 tháng trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo đó, Cục Trồng trọt đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tham khảo các tài liệu của Hiệp định EVFTA về vấn đề xuất khẩu gạo thơm và triển khai xây dựng dự thảo Nghị định giúp Bộ NN-PTNT xem xét trình Chính phủ theo đúng trình tự thủ tục.

Cục Trồng trọt cũng đã lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo thơm sang EU… với 3 cuộc họp. Sau 3 tháng khẩn trương triển khai xây dựng, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 103, ngày 4/9/2020) về Chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu theo hình thức rút gọn, có hiệu lực ngay kể từ ngày ký 4/9/2020 (tức chỉ chậm hơn 3 ngày sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực).

Đến thời điểm này, sau gần 4 tháng thực hiện, Nghị định 103 đã triển khai rất thuận lợi, được các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo thơm sang EU đánh giá cao. Đồng thời, thể hiện được sự chặt chẽ trong công tác quản lí nhà nước cũng như đáp ứng được các yêu cầu của phía EU.

Các lô gạo thơm xuất khẩu theo diện ưu đãi thuế quan đều đã được Cục Trồng trọt triển khai cấp chứng nhận với thủ tục một cách nhanh gọn, đơn giản, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sau khi nộp hồ sơ hợp lệ, sẽ được Cục Trồng trọt cấp giấy chứng nhận để xuất khẩu theo đúng quy định.

Sẵn sàng thủ tục cho gạo thơm đi EU năm 2021

Nghị định 103 cũng có các điều khoản chuyển tiếp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhất là tranh thủ được tối đa việc xuất khẩu gạo thơm theo diện miễn thuế quan sang EU trong các tháng cuối năm 2020 kể từ sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi.

Cụ thể trong giai đoạn chuyển tiếp của Nghị định 103 (từ ngày ký 4/9/2020 đến hết năm 2020), các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo thơm sang EU thuộc diện được miễn thuế chỉ cần có tờ khai (theo mẫu) gửi đến Cục Trồng trọt và tự chịu trách nhiệm về tính đúng giống của các lô gạo xuất khẩu thì sẽ được Cục Trồng trọt kiểm tra và cấp xác nhận ngay.

Tuy nhiên sau khi hết giai đoạn chuyển tiếp, kể từ ngày 1/1/2021, các doanh nghiệp sẽ buộc phải thực hiện đầy đủ các quy trình chứng nhận tính đúng giống của các lô gạo thơm xuất khẩu sang EU thuộc diện miễn thuế.

Cục Trồng trọt đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất các thủ tục về chứng nhận gạo thơm để tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu ngay các tháng đầu năm 2021. Ảnh: LHV.

Cục Trồng trọt đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất các thủ tục về chứng nhận gạo thơm để tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu ngay các tháng đầu năm 2021. Ảnh: LHV.

Cụ thể, các tổ chức khảo nghiệm được công nhận theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt sẽ tiến hành kiểm tra đồng ruộng (trước lúc thu hoạch 20 ngày) để đánh giá tính đúng giống của các lô lúa thơm phục vụ xuất khẩu theo diện miễn thuế sang EU.

Tại thời điểm cách thu hoạch 20 ngày, cây lúa đã thể hiện đầy đủ nhất về các đặc điểm, đặc tính điển hình của giống. Các tổ chức khảo nghiệm sẽ có đủ năng lực, đủ trình độ và phương tiện để kiểm tra, đánh giá một cách chính xác nhất về tính đúng giống và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận tính đúng giống.

Sau khi kiểm tra, tổ chức khảo nghiệm sẽ có biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm đúng giống trên đồng ruộng, kèm theo đơn đề nghị chứng nhận/chứng nhận lại chủng loại gạo thơm; mẫu giấy chứng nhận gửi về Cục Trồng trọt. Trong thời gian 5 ngày sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt sẽ tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp để xuất khẩu sang EU theo quy định.

Nghị định 103 cũng đã quy định rất chặt chẽ: Gạo thơm xuất khẩu theo diện miễn thuế sang EU phải được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố). Giống sử dụng phải đảm bảo có xuất xứ nguồn gốc, đúng giống theo quy định. Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.

Để triển khai việc cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm sang EU theo Nghị định 103, thời gian qua, Cục Trồng trọt cũng đã tổ chức các hội nghị nhằm phổ biến, hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhất tới các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các tổ chức khảo nghiệm cũng như các địa phương để kịp thời triển khai, áp dụng kể từ ngày 1/1/2021.

Theo Hiệp định EVFTA, mỗi năm Việt Nam được xuất khẩu 80 nghìn tấn gạo miễn thuế (%) sang EU, trong đó có 50 nghìn tấn gạo trắng, gạo lức và 30 nghìn tấn gạo thơm (phải có chứng nhận đúng giống).

Hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo/năm được miễn thuế khi xuất khẩu sang EU dù rất nhỏ so với quy mô trên 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta, song sẽ có ý nghĩa rất lớn giúp gạo Việt Nam (nhất là gạo thơm) tăng cường sức cạnh tranh về giá với các sản phẩm gạo cùng chủng loại của nhiều nước như Thái Lan, Myanmar… tại thị trường EU, nâng cao vị thế, thương hiệu gạo nước ta ở thị trường rất khó tính, giá trị cao.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Lê Bền.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Lê Bền.

Tuy nhiên để xuất khẩu ổn định sang thị trường này, sẽ cần thêm nhiều yếu tố như: Giá cả phải ổn định và cạnh tranh; chất lượng, nguồn cung và sản lượng ổn định… Các doanh nghiệp cần tăng cường mở rộng thị trường tại EU, đồng thời tiếp tục phát triển một số giống gạo thơm có chất lượng rất tốt của Việt Nam, điển hình như ST25, một số giống OM thế hệ mới… để thâm nhập sâu hơn nữa, tạo thói quen tiêu dùng tại thị trường EU.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng các cánh đồng lớn, tuân thủ nghiêm các quy định về việc sử dụng đúng giống, đảm bảo độ thuần, đảm bảo chất lượng gạo thơm xuất khẩu sang EU… Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá, cấp chứng nhận đúng giống cho gạo thơm xuất khẩu, mà còn đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong thương mại, xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam một cách bền vững và khẳng định thương hiệu quốc tế…

(Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt)

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng thêm 2.000ha chuối trong năm 2024

TP.HCM Bầu Đức cho biết, năm 2024 không thoái vốn, cố gắng xóa nợ và rất thận trọng trong đầu tư, tiếp tục kiên trì với 'hai cây, một con' gồm chuối, sầu riêng và heo.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm