| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý trồng rừng thay thế: Có tiền nhưng không tiêu được!

Thứ Tư 08/05/2024 , 11:15 (GMT+7)

Bắc Kạn Số tiền trồng rừng thay thế các chủ đầu tư đã nộp lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng việc giải ngân để trồng rừng trên thực địa gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Nhiều chủ đầu tư chây ỳ

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 154 công trình, dự án chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác. Theo quy định, các chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế, tổng diện tích hơn 742ha. Tuy nhiên, không có chủ đầu tư nào trồng rừng mà thực hiện nộp tiền để trồng rừng thay thế, tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 5/2024, các chủ đầu tư đã nộp được hơn 32,6 tỷ đồng, số chưa nộp chủ yếu là những dự án thực hiện trong năm 2024, chưa đến hạn nộp. Tuy nhiên, từ năm 2023 trở về trước còn 4 dự án các chủ đầu tư chưa nộp, hoặc nộp chưa đầy đủ, số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Thuỷ điện Thác Giềng 1 đã vận hành nhiều năm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa nộp tiền trồng rừng thay thế. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thuỷ điện Thác Giềng 1 đã vận hành nhiều năm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa nộp tiền trồng rừng thay thế. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dự án Nhà máy thuỷ điện Thác Giềng 1 (thành phố Bắc Kạn) do Công ty cổ phần Sông Ðà Bắc Kạn đầu tư từ năm 2018. Hiện nay, nhà máy này đã hoàn thành, vận hành phát điện được vài năm nhưng công ty vẫn chưa thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế.

Ông Mông Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ Phát triển đất, rừng và bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết, Công ty cổ phần Sông Ðà Bắc Kạn có nghĩa vụ phải nộp tiền trồng rừng thay thế hơn 470 triệu đồng, nhưng đã gần 6 năm công ty này vẫn chưa nộp dù đã nhiều lần đôn đốc.

Dự án xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp mở rộng QL3 đoạn Km75-Km100 theo hình thức hợp đồng BOT (đoạn qua tỉnh Bắc Kạn) thực hiện từ năm 2018, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nộp tiền trồng rừng thay thế hơn 1 tỷ đồng.

Đáng chú ý việc chây ỳ nộp tiền trồng rừng thay thế còn diễn ra ở cả dự án sử dụng ngân sách nhà nước. UBND huyện Ba Bể thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật trung tâm thị trấn Chợ Rã từ năm 2020, số tiền trồng rừng thay thế phải nộp hơn 144 triệu đồng, nhưng đến nay cũng chưa nộp.

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 và mới nhất là Thông tư số 25/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ NN-PTNT quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, chủ dự án phải nộp đủ số tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế.

Trước thực trạng này, ngày 16/1/2024, Sở NN-PTNT Bắc Kạn đã ban hành công văn đôn đốc nộp tiền trồng rừng thay thế gửi các chủ đầu tư đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế các công trình, dự án đã thực hiện với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Thời hạn đề nghị nộp xong là trước ngày 20/1/2024. Tuy nhiên, sau 20/1/2024 vẫn chưa có chủ đầu tư nào nộp.

Đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thực hiện từ năm 2018 đến nay chủ đầu tư cũng chưa nộp tiền trồng rừng thay thế. Ảnh: Ngọc Tú.  

Đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thực hiện từ năm 2018 đến nay chủ đầu tư cũng chưa nộp tiền trồng rừng thay thế. Ảnh: Ngọc Tú.  

Khó khăn khi trồng rừng thay thế

Từ năm 2018 đến năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao cho các chủ đầu tư, đồng thời giao kinh phí trồng rừng thay thế, diện tích hơn 412ha. Trong đó năm 2018, giao Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn làm chủ đầu tư trồng rừng thay thế với diện tích hơn 38 ha rừng phòng hộ; Năm 2020 giao Ban quản lý Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (nay là Hạt Kiểm lâm) huyện Ngân Sơn và thành phố Bắc Kạn trồng rừng phòng hộ với diện tích là 35ha.

Năm 2021, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục giao Hạt Kiểm lâm các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì và thành phố Bắc Kạn làm chủ đầu tư với diện tích 72 ha rừng phòng hộ; Năm 2022 giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, diện tích 72 ha rừng phòng hộ; Năm 2023 giao UBND huyện Pác Nặm, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc, với tổng diện tích gần 196ha.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn còn 234 dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế nhưng chưa thực hiện giải ngân số tiền này để trồng rừng thay thế trên thực địa với diện tích hơn 245 ha. Thống kê cho thấy, đến hết năm 2023, số kinh phí trồng rừng thay thế chưa được phân bổ của tỉnh Bắc Kạn lên tới hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ đất trống thuộc quy hoạch lâm nghiệp đủ điều kiện và có khả năng thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 775 ha.

Diện tích đất trống để trồng rừng thay thế ở Bắc Kạn còn nhiều nhưng ở những nơi xa xôi, đi lại khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Diện tích đất trống để trồng rừng thay thế ở Bắc Kạn còn nhiều nhưng ở những nơi xa xôi, đi lại khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đánh giá của ngành chuyên môn cho thấy, nguyên nhân là do một phần diện tích đất trống manh mún, nhỏ lẻ, xa khu dân cư, địa hình hiểm trở, phần lớn là các bãi chăn thả gia súc của người dân nên rất khó thực hiện.

Từ năm 2022 đến cuối năm 2023, Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT quy định giao “Chi cục Kiểm lâm hoặc Ban quản lý dự án phát triển rừng cấp huyện là chủ đầu tư” rất khó thực hiện vì hiện nay cấp huyện chưa có ban quản lý dự án phát triển rừng, trong khi Chi cục Kiểm lâm chỉ là đơn vị quản lý.

Ngoài khó khăn trong giải ngân, chất lượng rừng trồng thay thế cũng chưa cao,một số diện tích mật độ chưa bảo đảm, cây trồng sinh trưởng phát triển kém do đất đai cằn cỗi, thiếu sự chăm sóc. Đối với rừng trồng thay thế năm 2018 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn là chủ đầu tư, toàn bộ diện tích rừng trồng thay thế đến nay không thành rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.