Thông tin đáng chú ý được Bloomberg đăng tải hôm 15/12.
Theo đó, “các cuộc đàm phán giữa chính phủ Brazil và Trung Quốc đang trong giai đoạn hoàn thiện, với nhiều rào cản kỹ thuật và các vấn đề liên quan đến việc ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh hoặc dịch bệnh cây trồng đang trong quá trình giải quyết", Bloomberg dẫn lại nguồn tin giấu tên.
"Các thương nhân gần đây cũng đã gặp các thành viên của nhóm xuất khẩu ngũ cốc Brazil Anec để thảo luận về vấn đề này", bài báo cho biết.
“Động thái này diễn ra khi Trung Quốc, nước mua ngũ cốc hàng đầu thế giới, cần tăng cường mua ngũ cốc để nuôi đàn lợn đang phục hồi nhanh hơn dự kiến sau dịch bệnh. Nó cũng có thể gây ra mối đe dọa đối với Mỹ, nước đã bán nhiều ngô nhất kỷ lục cho quốc gia tỷ dân trong mùa hiện tại", bài báo viết.
Cùng đồng tình với quan điểm trên, Reuters dẫn nguồn từ Hiệp hội các nhà sản xuất ngô Abramilho hôm 16/12 cho biết, “Brazil và Trung Quốc đang đàm phán để thúc đẩy thương mại ngô giữa hai quốc gia, mặc dù việc tăng xuất khẩu sang quốc gia châu Á vào thời điểm này là không khả thi do thiếu hụt nguồn cung giữa các vụ thu hoạch".
“Chỉ một phần nhỏ doanh số bán ngô của Brazil đến Trung Quốc trong năm ngoái, tương đương 68.550 tấn, theo số liệu của chính phủ Brazil. Tổng lượng xuất khẩu trong kỳ là 42,7 triệu tấn. Để so sánh, Trung Quốc đã mua gần 80% lượng đậu nành của Brazil, tương đương 58 triệu tấn vào năm ngoái”, Reuters thống kê.
“Abramilho cho biết các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại ngô với Trung Quốc sẽ tương đối đơn giản. Lý do là người Trung Quốc lo ngại về một loại cỏ dại nhất định, có thể bị loại bỏ bằng cách sử dụng thuốc diệt cỏ", bài báo của Reuters giải thích. “Brazil trồng hai vụ ngô lớn mỗi năm và sẽ thu được tổng cộng hơn 102 triệu tấn trong mùa này, theo ước tính của chính phủ”.
Trong khi đó, hôm 14/12, Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chỉ ra trong báo cáo Triển vọng Thức ăn chăn nuôi (Feed Outlook) hàng tháng rằng, "Nhập khẩu ngô của Trung Quốc cho năm tài chính 2020/21 đã tăng thêm 3,0 triệu tấn lên 16,0 triệu tấn, và chiếm phần lớn lượng nhập khẩu ngũ cốc gia tăng.
Giá ngô nội địa cao ở Trung Quốc đã khiến các lô hàng và doanh thu từ một số thị trường xuất khẩu tăng - chủ yếu là Hoa Kỳ và Ukraine - và đã góp phần vào việc giá ngũ cốc toàn cầu tăng đều đặn kể từ mùa hè năm 2020.
Trung Quốc cũng đã có thêm các lô hàng đậu nành, được nghiền trong nước, và bột được sử dụng như một thành phần chính của thức ăn chăn nuôi. Nhu cầu về thức ăn gia tăng ít nhất một phần là do đàn lợn đang phục hồi của Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Dịch tả lợn Châu Phi trong những năm gần đây, dẫn đến lượng hàng tồn kho trong nước bị sụt giảm mạnh”.
Và Chad Hart, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Bang Iowa, đã chỉ ra trong AgDecisionMaker tháng này rằng, “Trong lịch sử, Trung Quốc là thị trường ngô nhỏ và không có ý nghĩa đối với Mỹ vì Trung Quốc là nhà sản xuất ngô lớn thứ 2 trên thế giới và nói chung là ngô đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại và tái thiết đàn lợn đã tạo ra cơ hội lập kỷ lục cho ngô Mỹ, khi doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng lên hơn 400 triệu giạ (1 giạ ngô tương đương 25,4 kg - PV), hiện Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu của ngô Mỹ.
“Nhưng các thỏa thuận thương mại khác cũng đang thúc đẩy ngô Mỹ trên thị trường quốc tế", Chad phân tích. “Các hiệp định thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã hỗ trợ đáng kể, với lượng mua của Nhật Bản tăng hơn gấp đôi và lượng mua của Hàn Quốc tăng hơn 3.000%.
Doanh số bán ngô sang Trung và Nam Mỹ đang gia tăng, với Mexico, Colombia và Guatemala mỗi nước mua nhiều hơn ít nhất 15% trong năm nay. Tăng trưởng doanh số xuất khẩu ngô bên ngoài các thị trường hàng đầu cũng tăng 50%. Chính doanh số bán ngô tăng đột biến trên diện rộng này đã thúc đẩy USDA dự kiến xuất khẩu ngô kỷ lục trong năm nay”.
Về dự đoán triển vọng xuất khẩu ngô, Reuters lưu ý: “Một số nhà phân tích cho rằng nhập khẩu ngô hằng năm trong vòng vài năm tới có thể tăng gấp đôi so với 16,5 triệu tấn mà USDA đã dự đoán cho năm nay, mặc dù những người khác tự hỏi liệu sự bùng nổ nhu cầu mang tính chất tạm thời hơn không.
Trung Quốc ngày càng hướng tới việc đa dạng hóa nhà cung cấp kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra với Hoa Kỳ vào năm 2018. Mặc dù ý tưởng này không ngụ ý trực tiếp rằng nhập khẩu thực tế sẽ tăng lên, nhưng nó chắc chắn có vẻ như một sự thừa nhận rằng nhập khẩu là cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực, ít nhất là bây giờ”.