Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: Slate)
“Tôi nghĩ rằng khi người ta xem xét kỹ TPP ngoài khuôn khổ của chiến dịch tranh cử, tôi hy vọng rằng nó có thể nhận được sự ủng hộ cần thiết”, AFP dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry phát biểu trước các phóng viên trong chuyến công du tới New Zealand hôm qua 13/11.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là chủ đề gây tranh cãi trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay khi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump bày tỏ sự phản đối của ông đối với hiệp định này. Lý do ông Trump đưa ra là vì TPP sẽ khiến người Mỹ bị mất nhiều việc làm. Trong khi đó, Ngoại trưởng Kerry cho rằng thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng trong lợi ích của Mỹ và TPP có thể góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông và Tổng thống Barack Obama vẫn duy trì “cam kết sâu sắc” đối với TPP nhưng sẽ không cố thúc đẩy thông qua hiệp định này tại Quốc hội Mỹ vào thời điểm chuyển giao quyền lực trước khi ông Trump chính thức nhận nhiệm sở.
Ngoài ra, ông Kerry cũng phủ nhận ý kiến cho rằng TPP ra đời với mục đích tạo ra một liên minh kinh tế để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. “Mục đích của TPP không phải vì Trung Quốc. Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của một nước lớn như Trung Quốc, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch (Trung Quốc) Tập Cận Bình. Chúng tôi không tìm kiếm sự cạnh tranh hay xung đột, chúng tôi đang tìm kiếm sự hợp tác”, Ngoại trưởng Kerry cho biết.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đã chính thức được bộ trưởng các nước ký kết từ hồi tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán. Sau khi Quốc hội các nước thành viên kết thúc việc phê chuẩn hiệp định, TPP sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa phê chuẩn hiệp định này.