| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân khỏe re nhờ công nghệ 'tàu cá không người lái'

Thứ Hai 13/11/2023 , 18:14 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Bộ thiết bị lái tự động sẽ giúp tàu cá có thể sử dụng được 4 chế độ lái: Lái bằng vô lăng; lái bằng remote; lái theo hướng; lái theo điểm.

Được sự hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Ngọc (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh), chủ tàu cá QT- 29756- TS đã mạnh dạn ứng dụng thiết bị lái tự động trên tàu cá. Đây là mô hình đầu tiên tại Quảng Trị được ngư dân áp dụng và đã phát huy hiệu quả cao.

Hệ thống thiết bị lái tự động giúp tàu cá có thể tự di chuyển tới điểm đánh bắt mà không cần người lái. Ảnh: Việt Toàn.

Hệ thống thiết bị lái tự động giúp tàu cá có thể tự di chuyển tới điểm đánh bắt mà không cần người lái. Ảnh: Việt Toàn.

Biết được những lợi ích của thiết bị lái tự động trên tàu cá, ông Ngọc đã mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng lắp đặt thiết bị này cho tàu có công suất 730CV (chiều dài 20,7m) của mình. Tàu cá của ông Ngọc thường khai thác ở vùng biển khơi nên việc ứng dụng thiết bị này cho thấy rất tiện ích và hiệu quả.

Thiết bị lái tự động gồm 4 phần chính: Màn hình Led 7inch dễ thao tác, chỉ cần chọn hướng đi hoặc tọa độ điểm đến; la bàn điện tử tích hợp GPS, cảm ứng định vị giúp xác định vị trí và ổn định hướng; màn hình kết hợp hệ thống xử lý dữ liệu; bộ phản hồi góc bánh lái được thiết kế để phù hợp với các hệ thống lái. Máy lái tự động trên tàu cá sử dụng vô lăng điện thông minh, chỉ tác động xoay cốt lái thủy lực giúp hệ thống lái an toàn và đơn giản nhất hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết: “Trước đây chúng tôi chạy hệ thống lái bằng tay, thuyền trưởng phải trực lái 24/24h. Nay nhờ có hệ thống lái tự động nên chúng tôi chỉ cần cài màn hình định vị, bộ thiết bị tự lái sẽ giúp tự động điều khiển tàu đến vị trí đánh bắt đã được cài đặt sẵn. Không chỉ lái tàu nhàn tênh do không phải lái, tàu còn chạy theo con đường ngắn nhất nên tốn rất ít nhiên liệu. Trước đây mỗi chuyến đi biển 15 ngày tàu tôi tiêu hao hết 1000 lít dầu, nay chỉ còn 900 lít".

Màn hình điều khiển hệ thống lái của bộ thiết bị lái tự động. Ảnh: Việt Toàn.

Màn hình điều khiển hệ thống lái của bộ thiết bị lái tự động. Ảnh: Việt Toàn.

Hệ thống thiết bị lái tự động cũng có các chức năng báo động về lệch hướng, quá tải bánh lái, tốc độ và báo động đến, cảm biến chuyển động (nâng cao an toàn khi lái tự động)... Đặc biệt, thiết bị còn có chức năng báo động chống ngủ quên, chức năng này giúp cho người lái tàu không bị ngủ quên khi lái, khi buồn ngủ có thể bật chức năng này. Thiết bị cũng có chức năng báo động khi phát hiện không có người cảnh giới. Theo quy định, trong quá trình hành trình của tàu phải có người cảnh giới nên chức năng này giúp cảnh giới có hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Qua quá trình đi biển cho thấy, khi lắp đặt thiết bị lái tự động, đã giảm được 10% chi phí nhiên liệu; giảm sức người trong điều khiển lái tàu, đảm bảo sức khỏe cho người lái tàu đường dài, nhất là khi tham gia khai thác trên các vùng biển xa với khoảng cách trên 200 hải lý. Đồng thời giảm được thời gian di chuyển đến ngư trường, rút ngắn thời gian cho mỗi chuyển biển, tối đa hóa lợi nhuận mỗi chuyển biển.

Ông Lê Đức Thắng – Phó phòng Thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị) cho biết thêm, ưu điểm của thiết bị lái tự động là có thể sử dụng được 4 chế độ lái: Lái bằng vô lăng; lái bằng remote; lái theo hướng; lái theo điểm. Việc chuyển chức năng lái tự động sang lái tay chỉ với một nút ấn chốt trên vô lăng. Với chức năng lái tàu cá bằng remote, người lái có thể di chuyển ra khỏi buồng lái mà vẫn có thể điều kiển được tàu cá như khi lái bằng vô lăng...

Hệ thống lái tự động có còi báo động để cảnh báo khi tàu đi lệch hướng, quá tải bánh lái, cảnh báo tốc độ, chống ngủ quên... Ảnh: Việt Toàn.

Hệ thống lái tự động có còi báo động để cảnh báo khi tàu đi lệch hướng, quá tải bánh lái, cảnh báo tốc độ, chống ngủ quên... Ảnh: Việt Toàn.

Ông Lê Đức Thắng cho biết thời gian tới, Chi cục Thủy sản Quảng Trị sẽ tiếp tục hướng dẫn để ngư dân áp dụng rộng rãi công nghệ lái tự động cho tàu cá, đặc biệt là đối với các tàu cá tàu cá có công suất trên 400CV, chiều dài từ 15m trở lên, với các nghề khai thác như lưới rê, lưới vây, lưới chụp… hoạt động ở vùng biển xa bờ, đặc biệt là khối tàu cá thường xuyên tham gia khai thác ở vùng biển xa. 

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.