| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân tự ý hợp đồng đánh bắt hải sản ở Malaysia: Bất hợp pháp!

Thứ Năm 28/01/2010 , 14:45 (GMT+7)

Thời gian qua, một số ngư dân ĐBSCL tự ý hợp đồng phía Malaysia để khai thác hải sản ở nước này. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản khẳng định, hành vi trên là bất hợp pháp và có độ rủi ro cao.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, một số ngư dân ĐBSCL tự ý hợp đồng phía Malaysia để khai thác hải sản ở nước này. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) khẳng định, hành vi trên là bất hợp pháp và có độ rủi ro cao.

Theo Cục này, hiện Cà Mau có trên 30 tàu cá tập trung chủ yếu tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tự ý hợp đồng với phía Malaysia theo nhiều hình thức. Một là chủ tàu làm đơn xin ngừng hoạt động khai thác thủy sản tại Việt Nam, đồng thời phôtô các giấy tờ liên quan đến tàu như giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác…và ký vào giấy bán tàu cho một môi giới là người Malaysia. Người môi giới sẽ làm mọi thủ tục cấp phép khai thác của chính quyền Malaysia, sau đó, tàu cá Việt Nam sẽ sang nước này đánh bắt hải sản.

Theo tìm hiểu của Cục KTBVNLTS, thực chất đây không phải là việc bán tàu, mà là “lách luật”, tức là chuyển đổi sở hữu tàu cho ngư dân Malaysia về hình thức, vì chính quyền nước này chỉ cấp phép khai thác cho ngư dân nước họ. Cách thứ hai “cao tay” hơn là chủ tàu vẫn làm đơn xin ngừng hoạt động khai thác có thời hạn tại Việt Nam, làm thủ tục bán tàu về hình thức cho phía Malaysia và có sự chứng thực của Tổng lãnh sự quán nước này tại TPHCM, sau đó mang tàu sang Malaysia đánh bắt cá.

Theo nhiều ngư dân tại Cà Mau, điều kiện để sang Malaysia khai thác là tàu cá phải có trọng tải từ 40- 50 tấn hoạt động tất cả các nghề, trừ nghề câu mực. Phí phải nộp cho người môi giới khi được cấp phép khai thác là 15 nghìn USD, tương đương gần 300 triệu đồng. Ngoài ra hằng tháng, tàu cá còn phải nộp phí cho phía Malaysia khoản tiền tương đương 25 triệu đồng, sản phẩm khai thác được phải bán cho nước này từ 1 – 2 tấn cá/chuyến. Hơn nữa, mỗi chuyến đi biển, mỗi tàu cá được mua của Malaysia từ 20 nghìn đến 28 nghìn lít dầu với giá khoảng 8 nghìn đồng/lít. Như vậy, giá dầu này chỉ bằng 50% so với giá của Việt Nam (Malaysia có chính sách trợ giá dầu cho tàu khai thác hải sản).

Nguồn lợi lớn như vậy nên nhiều ngư dân Việt Nam đâm ham. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã phải chịu hậu quả, đó là 2 trường hợp ngư dân bán tàu cá cho ngư dân Malaysia lập tức bị nước này tịch thu luôn, đồng nghĩa với việc ngư dân Việt Nam mất tàu. Ngoài ra, khi tàu đã có chủ sở hữu là người mang quốc tịch Malaysia thì không thể trở lại Việt Nam. Cũng theo Cục KTBVNLTS, khi đã bán hải sản chất lượng cao cho phía Malaysia, số sản phẩm còn lại mang về nước có chất lượng kém. Việc chuyên chở về nước còn làm mất an ninh trật tự trên biển. Mặt khác, việc tự ý hợp đồng đánh bắt hải sản với phía Malaysia sẽ gây khó khăn cho việc quản lý và giải quyết thủ tục NK tàu cá.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Cà Mau): “Nếu nhà chức trách Malaysia ngăn chặn không cho tàu mang quốc tịch Malaysia được rời khỏi lãnh hải nước mình thì liệu những tàu của ngư dân Việt Nam “trong vai” tàu nước bạn có về nước được không?”.

Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục KTBVNLTS, việc ngư dân Việt Nam tự ý hợp đồng với tổ chức, cá nhân của Malaysia để đưa tàu sang đánh bắt hải sản là bất hợp pháp và không được sự cho phép của cơ quan chức năng Việt Nam. Đây là hình thức “hợp đồng chui” giữa các bên. Ông Vĩnh khuyến cáo: “Trong trường hợp Nhà nước Malaysia phát hiện, tàu cá trên sẽ bị xử phạt, tịch thu hoặc sẽ mất tàu nếu bị đối tác phía Malaysia lừa đảo. Do vậy, các hình thức hợp tác trên có độ rủi ro cao, có thể gây tổn thất về tài sản cho ngư dân Việt Nam nếu xảy ra tranh chấp”.

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cục KTBVNLTS kiến nghị, Bộ cần có văn bản đề nghị các tỉnh ĐBSCL cấm ngư dân không được tự ý đưa tàu đi khai thác thuỷ sản ở nước ngoài. Đây cũng là biện pháp ngăn chặn tình trạng đưa tàu cá hoạt động trái phép ở vùng biển các nước.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm