Tự nguyện đóng cửa cơ sở giết mổ
Ngày 6/12/2023, 20 con mèo sắp bị giết mổ tại thành phố Thái Nguyên đã được trao cơ hội sống thứ hai khi chủ lò mổ là ông Phạm Quốc Doanh, 37 tuổi, tự nguyên đóng cửa cơ sở kinh doanh của mình. Đây là kết quả sau quá trình vận động và hỗ trợ của Tổ chức Humane Society International (HSI) Việt Nam.
Bỏ nghề giết mổ chó, mèo sau 5 năm hoạt động, ông Phạm Quốc Doanh chia sẻ: “Thịt mèo tôi mua ở khắp nơi, cứ ai đem đến bán thì nhập thôi. Tuy nhiên, tôi tin rằng đa số mèo bị giết thịt đều chưa được tiêm phòng, bởi người ta nuôi hoang dã thả rông. Nhiều con được người bán đem tới rất nhiều ve, rận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Do đó, từ rất lâu, tôi thực sự mong muốn từ bỏ công việc này và chuyển nghề kinh doanh khác. Mỗi khi nghĩ đến hàng nghìn con mèo mà tôi đã giết thịt và phục vụ các món ăn từ chúng tại đây trong những năm qua, trong lòng tôi vô cùng buồn khổ.
Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc là giờ đây, nhờ có sự giúp đỡ của tổ chức HSI mà vợ chồng tôi có thể từ bỏ nghề này và khởi đầu một hành trình mới có ích cho cộng đồng địa phương. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ sớm có thể ban hành lệnh cấm buôn bán giết mổ thịt mèo và cả chó trong tương lai”.
Việc đóng cửa cơ sở kinh doanh của ông Doanh và giải cứu đàn mèo là một phần trong chương trình “Mô hình thay đổi - Models for change” của HSI tại Việt Nam, được triển khai lần đầu tiên tại Thái Nguyên, Việt Nam năm 2022 sau khi hoạt động thành công tại Hàn Quốc từ năm 2015. Đến nay, chương trình đã giúp đóng cửa 3 lò mổ, nhà hàng thịt chó và mèo tại Thái Nguyên.
Toàn bộ 20 con mèo được giải cứu khỏi lò mổ của ông Doanh đã được đưa đến trạm cứu hộ động vật tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tại đây chúng được tiêm phòng, chăm sóc y tế và phục hồi trước khi được nhân nuôi bởi các gia đình địa phương.
Rủi ro sức khỏe từ thịt chó, mèo
Bà Phạm Thị Trang, Giảng viên Khoa Chăn nuôi Thú y (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) nhận định, mèo có thể nhiễm rất nhiều bệnh, không chỉ bệnh dại mà còn các bệnh về ký sinh trùng. Đặc biệt, bệnh dại khá phổ biến do virus dại lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn hoặc trầy xước. Các lò mổ gần như không có các thiết bị bảo hộ, trong quá trình giết mổ rất dễ lây nhiễm bệnh dại thông qua các vết thương hở trên da người.
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Nielsen (tháng 9 năm 2023) do HSI thực hiện cho thấy khoảng 21% người dân tiêu thụ thịt mèo, còn lại đa số 71% người dân được hỏi ủng hộ lệnh cấm tiêu thụ và buôn bán thịt mèo. Cho đến nay, lý do hàng đầu khiến người dân ko lựa chọn ăn thịt chó, mèo là vì tình yêu thương đối với những loài động vật này và sự lo lắng tới sức khỏe của con người trước các bệnh truyền nhiễm.
“Bệnh dại là dịch bệnh phổ biến ở Việt Nam, buôn bán thịt chó, mèo là một nguyên nhân góp phần làm lây lan vi rút này sang người. Do đó, chúng tôi rất tự hào khi mang chương trình ‘Mô hình để thay đổi’ về Việt Nam, qua đó giúp người buôn bán thịt chó, mèo chuyển đổi sang sinh kế tốt hơn, an toàn hơn.
Việc buôn bán thịt mèo không chỉ tàn ác đến khó tin, mà còn tiềm ẩn nguy cơ vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người từ việc lây truyền các bệnh có khả năng gây chết người như bệnh dại”. Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia HSI Việt Nam chia sẻ.
Mối liên hệ giữa việc lây truyền bệnh dại và buôn bán thịt cho ở Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định rõ ràng, và việc loại bỏ bệnh dại đang bị cản trở bởi sự tiếp diễn của các hoạt động buôn bán thịt chó.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chứng minh rằng, một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân bị nhiễm virus sau khi tiếp xúc với chó không phải do bị cắn mà do giết, mổ, và ăn thịt. Mẫu não chó được thu thập từ các lò mổ tại các tỉnh miền Bắc và Nam cũng phát hiện có virus gây bệnh dại.