| Hotline: 0983.970.780

Người Ca Dong tiếp cận trồng cây ăn quả theo VietGAP

Thứ Ba 05/10/2021 , 12:00 (GMT+7)

QUÃNG NGÃI Sơn Tây là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, 94% dân số là người đồng bào dân tộc Ca Dong, việc canh tác quảng canh trên đất dốc khiến đất suy thoái, bạc màu...

Cây bưởi da xanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đang sinh trưởng, phát triển tốt, triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh: N.Đ.

Cây bưởi da xanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đang sinh trưởng, phát triển tốt, triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh: N.Đ.

Nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Ca Dong, Phòng NN-PTNT huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã triển khai Dự án Ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất bưởi da xanh và chuối mốc theo hướng hàng hóa tại địa bàn huyện.

Dự án thuộc Chương trình nông thôn, miền núi do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ là đơn vị hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ. Mặc dù đang trong giai đoạn thực hiện, song những kết quả ban đầu của dự án rất khả quan.

Sơn Tây là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, 94% dân số là người đồng bào dân tộc Ca Dong, việc canh tác trên đất dốc theo hình thức quảng canh còn khá phổ biến. Điều này dẫn đến đất đai bị thoái hóa và ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái. Diện tích đất chưa sử dụng còn lớn, song lại tập trung chủ yếu ở các vùng có giao thông không thuận lợi, thiếu nguồn nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, huyện Sơn Tây cũng có những thuận lợi nhất định. Nơi đây có khí hậu khá mát mẻ, phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả. Tận dụng yếu tố này, năm 2019, địa phương đã triển khai dự án xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích gần 10ha tại xã Sơn Bua và Sơn Liên.

Người dân huyện Sơn Tây trồng xen cây ổi trong mô hình bưởi da xanh để lấy ngắn nuôi dài. Ảnh: N.Đ.

Người dân huyện Sơn Tây trồng xen cây ổi trong mô hình bưởi da xanh để lấy ngắn nuôi dài. Ảnh: N.Đ.

Ông Đinh Công Lập, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Tây cho biết, vùng đất ở đây lâu nay đồng bào trồng cây keo, cây mỳ (sắn), nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Để vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ tốn rất nhiều công, chi phí vận chuyển cao, đầu ra bấp bênh.

“Lúc đầu triển khai dự án, người dân rất lúng túng trong việc đưa cây trồng mới vào. Bởi, trước kia họ trồng theo truyền thống không chăm sóc, không theo quy trình kỹ thuật, chất lượng quả thấp, cây sâu bệnh nhiều. Từ lúc được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ kỹ thuật cầm tay chỉ việc nên cây bưởi có tốc độ sinh trưởng tốt, sâu bệnh hạn chế”, ông Lập nói.

Trong quá trình thực hiện Dự án, Phòng NN-PTNT huyện Sơn Tây đã linh hoạt trong việc trồng xen canh giống ổi nữ hoàng, ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP để lấy ngắn nuôi dài. Khi cây bưởi ra trái và khép tán thì tiến hành chặt bỏ cây ổi. Điều đặc biệt, trồng cây ổi xen canh bưởi sẽ dẫn dụ các côn trùng, sâu bệnh từ cây bưởi qua cây ổi nên hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV.

Anh Đinh Văn Vân (trú xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây) có 2ha trồng bưởi dự án được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt nên giảm được rất nhiều công chăm tưới. Bên cạnh đó, người trồng cũng chủ động được trong việc giữ độ ẩm, bón phân vô cơ cho vườn cây, đặc biệt tiết kiệm được 80% công lao động tưới nước, phân.

“Với mô hình xen canh cây ổi lấy ngắn nuôi dài, cứ 1ha trồng 350 cây bưởi sẽ trồng thêm 200 cây ổi. Bình quân mỗi lứa, 1 cây ổi thu hoạch 20kg quả. Toàn bộ sản phẩm được HTX Sơn Liên thu mua tại vườn với giá 16.000 đồng/kg. Tham gia dự án, chúng tôi được tiếp cận rất nhiều cái mới trong trồng cây ăn quả, lại có giá trị kinh tế. Do đó, đây là tiền đề để tôi chuyển đổi dần theo hướng canh tác hướng hữu cơ trong đất vườn nhà mình”, anh Vân chia sẻ.

Cây chuối mốc trồng theo mô hình VietGAP ở huyện Sơn Tây phát triển tốt, trỗ nải to hơn so với kiểu trồng truyền thống của bà con địa phương trước đây. Ảnh: N.Đ.

Cây chuối mốc trồng theo mô hình VietGAP ở huyện Sơn Tây phát triển tốt, trỗ nải to hơn so với kiểu trồng truyền thống của bà con địa phương trước đây. Ảnh: N.Đ.

Ngoài những cây trồng mới, dự án cũng hỗ trợ người dân địa phương nâng cao hiệu quả canh tác từ loại cây chuối mốc bản địa với 5ha mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Sơn Liên. Tại đây, Phòng NN-PTNT huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con trồng đạt hiệu quả nhất. Hiện các vườn chuối mốc của người dân sinh trưởng nhanh, ít xảy ra dịch bệnh.

Anh Đinh Văn Trị (trú thôn Nước Vương, xã Sơn Liên) cho biết, trước đây nhà anh cũng trồng giống chuối này nhưng ít chăm sóc, chuối ra ít nải, trái nhỏ nên bán rất rẻ. Sau khi được tập huấn kỹ thuật và cấp cây giống, anh đã mạnh dạn trồng chuối theo mô hình trên diện tích 1,5ha đất rẫy. Hiện, vườn chuối của gia đình đã trỗ nải to, triển vọng mang lại một nguồn thu nhập khá.

Ông Hồ Ngọc Thanh, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và cơ sở, Sở KH-CN Quảng Ngãi cho biết: Với những kết quả đã có, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu dự án sẽ giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Sơn Tây.

Bằng việc sử dụng giống đầu dòng có nguồn gốc rõ ràng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại đúng kỹ thuật, cây bưởi và chuối mốc đang sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện ở huyện miền núi Sơn Tây.

Dự kiến, năng suất bưởi đạt 2 - 3 tấn/ha/năm ở giai đoạn bắt đầu cho trái và 8 tấn/ha/năm ở giai đoạn kinh doanh. Chuối mốc đạt 35 tấn/ha/năm kết hợp với cơ sở chế biến chuối sấy dẻo công suất 200kg chuối nguyên liệu/ngày đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).