Tỷ lệ đăng ký rất thấp
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản số 4356/UBND-NL5 về việc sử dụng vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trong thời gian hơn một tháng qua, 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh này đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đăng ký tiêm phòng vacxin DTLCP. Tuy nhiên, đến nay, số hộ đăng ký tiêm vacxin phòng bệnh trên đàn lợn đang rất khiêm tốn.
“Có 4/13 địa phương đã đăng ký danh sách tiêm vacxin DTLCP. Tuy nhiên, để đảm bảo các điều kiện tổ chức tiêm phòng, Chi cục đang đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát lại để xem số lượng đăng ký đã đúng đối tượng, lứa tuổi và các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi hay chưa”, một cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh nói.
Theo cán bộ này, việc tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi tiêm phòng vacxin DTLCP ngành chuyên môn Hà Tĩnh đã triển khai rất bài bản, đồng thời ban hành hướng dẫn một số nội dung kỹ thuật trong tiêm phòng vacxin DTLCP. Nhưng đề phòng các rủi ro có thể xảy ra, Hà Tĩnh sẽ làm thận trọng các bước, trước tiên có thể triển khai diện hẹp sau đó mới tổ chức nhân rộng.
Huyện Đức Thọ có tổng đàn lợn hơn 28.000 con, trong đó, 11.000 con chăn nuôi tại 17 trang trại, quy mô từ 500 - 1.000 con/trại; số còn lại chăn nuôi nông hộ.
Sau khi UBND huyện thông báo chủ trương, Phòng NN-PTNT đã cử lực lượng đến tận xã tuyên truyền về kế hoạch vận động tiêm phòng vacxin DTLCP trên đàn lợn cho từng hộ chăn nuôi. Thế nhưng, hiện mới chỉ có 2 xã gồm: Tùng Ảnh đăng ký 10 liều và Lâm Trung Thủy đăng ký 50 liều.
Chung thực trạng, toàn huyện Nghi Xuân cũng mới có 2 xã Xuân Viên và Xuân Hải đăng ký tiêm, với tổng số liều 115. Trong khi đó, tổng đàn lợn của huyện này lên đến hơn 21.500 con, trong đó chăn nuôi trang trại hơn 12.600 con/10 cơ sở.
Theo tìm hiểu, không chỉ chăn nuôi nông hộ không mặn mà, hầu hết các trang trại quy mô lớn cũng chưa có nhu cầu đăng ký tiêm vacxin DTLCP.
Ông Nguyễn Thái Huy, chủ trang trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt ở huyện Đức Thọ cho rằng, giai đoạn này giá lợn hơi đang ở mức thấp, giá vacxin dự kiến tương đối cao, hơn nữa nhiều chủng nòi virus gây bệnh DTLCP lưu hành trong môi trường nên nếu tiêm vacxin đúng chủng có thể tăng đề kháng cho lợn, trường hợp không đúng chủng nòi có thể gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Băn khoăn chính sách và giá vacxin
Khi được hỏi lý do khiến tỷ lệ đăng ký tiêm vacxin DTLCP của người chăn nuôi đang khiêm tốn, ông Nguyễn Tiến Tuấn, Phó phòng nông nghiệp huyện Đức Thọ cho hay, đây là vacxin mới và hiện nay chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ vacxin cũng như hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng nên người chăn nuôi còn băn khoăn về hiệu quả và giá vacxin.
“Trường hợp muốn đảm bảo an toàn, người chăn nuôi tổ chức lấy mẫu kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm phòng. Bình quân giá xét nghiệm dao động 500 - 600 ngàn đồng/mẫu. Trong bối cảnh giá đầu vào tăng, giá lợn hơi giảm, để bỏ ra chi phí xét nghiệm và mua vacxin DTLCP mà hiệu quả phòng bệnh còn băn khoăn thì cũng dễ hiểu vì sao người dân e dè”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Yến, Phó Phòng nông nghiệp huyện Nghi Xuân nói: “Mấu chốt quan trọng bây giờ là chưa biết giá vacxin và chưa có chính sách hỗ trợ trong trường hợp tiêm phòng lợn bị chết, phải tiêu hủy.
Huyện Nghi Xuân kiến nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y sớm có thông báo giá vacxin, đề nghị Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ vacxin cũng như cơ chế rủi ro sau tiêm phòng vacxin DTLCP cho người chăn nuôi”.
DTLCP xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Tĩnh vào tháng 5/2019. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, chỉ tính riêng tính từ tháng 1/2021 đến ngày 15/12/2021, DTLCP đã xảy ra tại 134 xã, thị trấn, thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã với tổng số lợn mắc bệnh hơn 16.300 con, buộc phải tiêu hủy 16.260 con, với trọng lượng 1.199 tấn.
Đến nay, nước ta đã có 2 loại vacxin DTLCP (NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Quốc tế đối với vacxin thú y.
Đây là những vacxin phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vacxin thương mại trong phòng bệnh DTLCP được cấp phép trên thế giới.