Kết quả thử nghiệm khả quan
Tại Hội nghị đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng vacxin dịch tả lợn châu Phi diễn ra ngày 15/7, đại diện Cục Thú y, các doanh nghiệp đã thông tin kết quả việc giám sát chất lượng và sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên diện hẹp đối với 2 loại vacxin: vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (Công ty NAVETCO) và vacxin DTLCP AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (Công ty AVAC).
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đối với vacxin NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO, kết quả giám sát chất lượng 10 lô vacxin DTLCP được sản xuất liên tiếp cho thấy, để chuẩn bị cho công tác triển khai tiêm phòng, Công ty NAVETCO đã sản xuất 6 lô vacxin DTLCP thương mại với tổng số hơn 1 triệu liều.
Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương I đã tiến hành kiểm tra chất lượng các lô vacxin DTLCP sản xuất thương mại của Công ty NAVETCO, kết quả kiểm nghiệm 6/6 lô đều đạt yêu cầu (phiếu kiểm nghiệm số: 22-VR-00274, 22VR-00273, 22-VR-00276, 23-VR-00284, 23-VR-00343 và 23-VR-0034).
So với kế hoạch, vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO đã được giám sát chất lượng các chỉ tiêu vô trùng, an toàn, hiệu lực 6/10 lô vacxin được sản xuất liên tiếp sau khi được cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Về kết quả tiêm phòng thí điểm 600.000 liều vacxin trên diện hẹp, từ tháng 7/2022-6/2023, Công ty NAVETCO đã cung ứng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát triển khai tiêm vacxin NAVET-ASFVAC trên 7 quy mô đàn khác nhau từ 50 lợn/hộ đến 2.000 lợn/trại, tại 132 cơ sở thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số liều tiêm được hơn 47.000 liều, trong đó tiêm có giám sát hơn 29.000 liều.
Đối với hơn 29.000 liều vacxin được theo dõi, giám sát tiêm trên đúng đối tượng, đúng quy trình kỹ thuật. Số lượng lợn có phản ứng sau khi tiêm một mũi và hai mũi được ghi nhận là 219 con (chiếm 0,5%), trong đó có 42 lợn phải loại thải (chiếm 0,1%). Biểu hiện của phản ứng thường gặp sau 2-4 ngày tiêm vacxin với một số triệu chứng như sốt nhẹ, giảm ăn, ho hoặc tiêu chảy, sau đó lợn trở lại trạng thái bình thường.
Như vậy có thể thấy vacxin an toàn, lợn được tiêm tăng trưởng và phát triển bình thường. Kết quả kiểm tra kháng thể sau tiêm đạt hơn 85% đối với mũi 1 và hơn 97% đối với mũi 2. Tỷ lệ trung bình cả 2 mũi đạt hơn 95%. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số liều vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt 7,9% so với kế hoạch.
Về kết quả hợp tác thử nghiệm vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC tại Cộng hòa Đôminica, theo đề nghị của nước bạn, được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y và Công ty NAVETCO đã cử đoàn công tác sang hỗ trợ Đôminica triển khai tiêm phòng thử nghiệm vacxin NAVET-ASFVAC từ ngày 15/5-19/6/2023.
Đoàn công tác đã phối hợp với các cơ quan liên quan nước bạn, tổ chức, trực tiếp triển khai tiêm 459 liều vacxin (trong tổng số 2.500 liều vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC do Công ty NAVETCO hỗ trợ nước Bạn) tại 3 trại chăn nuôi thuộc tỉnh La Vega. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC là an toàn, hiệu quả với tất cả 459 lợn thí nghiệm được tiêm tại thực địa. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm, phía Cộng hòa Đôminica đề nghị Công ty NAVETCO tiếp tục hỗ trợ thêm 2.500 liều vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC để tiêm mở rộng trong thời gian tới.
Đối với vacxin DTLCP AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC, để chuẩn bị cho công tác triển khai tiêm phòng, công ty đã sản xuất 4 lô vacxin DTLCP thương mại với tổng số hơn 3 triệu liều. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I đã kiểm tra chất lượng 4 lô vacxin, kết quả 4/4 lô đạt yêu cầu (phiếu kiểm nghiệm số: 22-VR- 00343, 22-VR-00465, 22-VR-00444 và 22-VR-00442).
So với kế hoạch, vacxin DTLCP AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC đã được giám sát chất lượng các chỉ tiêu vô trùng, an toàn, hiệu lực 4/10 lô vacxin được sản xuất liên tiếp sau khi được cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Về kết quả tiêm phòng thí điểm 600.000 liều vacxin trên diện hẹp, từ tháng 10/2022-6/2023, Công ty AVAC đã triển khai tiêm phòng hơn 605.000 liều vacxin lợn thịt thuộc 596 trang trại, cơ sở có quy mô khác nhau tại tổng số 34 tỉnh, thành phố.
Tiêm có giám sát tại các cơ sở chăn nuôi có quy mô dưới 5.000 lợn thịt. Tổng số lợn được tiêm hơn 1.800 con, tại 14 trại thuộc 5 tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Tháp và An Giang. Kết quả xét nghiệm (Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI) cho thấy, lợn được tiêm vacxin có tỷ lệ kháng thể đạt 94,4%, khỏe mạnh, phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vacxin kể từ khi tiêm phòng cho đến lúc xuất bán.
Tiêm không có giám sát tại các cơ sở chăn nuôi có quy mô dưới 5.000 lợn thịt, từ tháng 3-6/2023, Công ty AVAC đã triển khai tiêm phòng cho hơn 2.800 lợn thịt tại 37 cơ sở chăn nuôi thuộc 8 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Lào Cai, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Nam Định, Tuyên Quang và Bắc Ninh. Tất cả lợn được tiêm vacxin tại 37 cơ sở chăn nuôi đều khỏe mạnh, phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường.
Tiêm trong hệ thống trại nội bộ thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P.Việt Nam (Công ty C.P), tính đến cuối tháng 1/2023, Công ty C.P đã triển khai tiêm phòng hơn 600.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE cho lợn tại 545 trại chăn nuôi thuộc 32 tỉnh thành (có trên 100 trang trại với quy mô trên 5.000 lợn thịt, số còn lại là các trại có quy mô từ 1.000 - 5.000 lợn thịt). Đã có gần 6.000 mẫu huyết thanh được xét nghiệm kháng thể kháng virus DTLCP. Kết quả xét nghiệm cho thấy hơn 93% số mẫu dương tính với kháng thể kháng lại virus DLTCP. Kết luận vacxin AVAC ASF LIVE an toàn cho tất cả lợn được tiêm tại 545 trang trại.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số liều vacxin DTLCP AVAC ASF LIVE đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt hơn 100% so với kế hoạch.
Về kết quả hợp tác thử nghiệm vacxin AVAC ASF LIVE tại Philippines, theo báo cáo của Công ty AVAC, từ tháng 2/2023, Cục Thú y Philippines đã đề nghị Công ty AVAC phối hợp và cung cấp 1.000 liều vacxin DTLCP AVAC ASF LIVE do công ty sản xuất. Bộ Nông nghiệp Philippines đã cho phép các đơn vị chủ động phối hợp để thực hiện tiêm thí điểm vacxin DTLCP AVAC ASF LIVE tại 6 trại lợn thịt thuộc vùng Luzon. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vacxin AVAC ASF LIVE an toàn và hiệu quả cho tất cả 1.000 lợn thí nghiệm được tiêm.
Căn cứ vào kết quả thử nghiệm đạt được, Cục Thú y Philippines đã đề xuất Chính phủ Philippines chính thức cho phép nhập khẩu và sử dụng 300.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE để phòng chống dịch DTLCP.
Nghiên cứu quyết định phương án đưa vacxin DTLCP rộng rãi vào sản xuất
Trước những đề xuất của các doanh nghiệp và căn cứ vào tình hình thực tế, Cục Thú y đề xuất lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét cho phép sử dụng rộng rãi và xuất khẩu vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO và vacxin DTLCP AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC theo 2 phương án.
Phương án 1, Công ty NAVETCO, Công ty AVAC chỉ được phép sử dụng, xuất khẩu các lô vacxin DTLCP do công ty sản xuất sau khi có kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu về các chỉ tiêu vô trùng, thuần khiết, an toàn và hiệu lực của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I (mỗi công ty tiếp tục kiểm nghiệm đủ ít nhất 10 lô vacxin sản xuất liên tiếp).
Phương án 2, Công ty NAVETCO, Công ty AVAC được phép sử dụng, xuất khẩu vacxin DTLCP và chủ động tự chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng toàn bộ các lô vacxin sản xuất. Hai công ty chủ động, tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng vacxin cung ứng trên thị trường, có cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng vacxin khi cung ứng trên thị trường, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng khắc phục trong các trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra khi sử dụng vacxin.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, tiên phong của các doanh nghiệp, nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tạo ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của vacxin. Việc nghiên cứu thành công vacxin DTLCP là một thành tựu khoa học công nghệ rất lớn của Việt Nam, có vai trò quan trọng không chỉ phục vụ cho sự phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới.
Theo Thứ trưởng, các đơn vị đã có những bước đánh giá rất chắc chắn, chặt chẽ. Do đó, trong thời gian tới Cục Thú y cần trao đổi với các doanh nghiệp, nhà khoa học kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để vừa có thể đưa vacxin DTLCP rộng rãi vào sản xuất vừa đảm bảo các quy định.
“Để có được kết quả này gian nan vô cùng. Ban đầu ai cũng nghĩ là không thể làm được vì hơn 100 năm nay chưa có có quốc gia nào sản xuất được vacxin DTLCP. Tuy nhiên, khi có sự đồng lòng, niềm tin thì chúng ta đã vượt khó thành công. Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu phương án giao cho các doanh nghiệp chủ động đẩy sớm, đẩy nhanh vacxin DTLCP rộng rãi vào sản xuất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.