| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi heo chuyển nghề

Thứ Ba 10/09/2019 , 10:01 (GMT+7)

Không thể tái đàn do dịch tả heo Châu Phi chưa chấm dứt, người chăn nuôi các tỉnh ĐBSCL đã chủ động chuyển sang nuôi các đối tượng khác, như thủy sản, gia cầm, gia súc...

Hậu Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh bị dịch tả heo Châu Phi tấn công sớm nhất tại ĐBSCL, từ thời điểm tháng 4-5/2019. Đến nay, mặc dù một số địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhưng người chăn nuôi vẫn dè dặt, chưa dám tái đàn. Không thể ngồi chờ, nhiều hộ đã tận dụng chuồng trại bỏ không, nuôi những đối tượng khác phù hợp, nhằm bù đắp phần nào nguồn thực phẩm, như nuôi gà, vịt trên đệm lót sinh học, nuôi lươn, ba ba, cá sấu...

13-39-33_1chu_the_ti_dn_nong_dn_hu_ging_tn_dung_chuong_tri_chn_nuoi_heo_de_nuoi_luon_theo_mo_hinh_nuoi_khong_bun_2
Chưa thể tái đàn, nông dân Hậu Giang tận dụng chuồng trại chăn nuôi heo để nuôi lươn. Ảnh: Đào Chánh.

Ông Phan Văn Việt, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), bị tiêu hủy 18 con heo từ 2 tháng trước. Nhận số tiền hỗ trợ trên 50 triệu đồng, ông Việt đã sửa chữa lại chuồng heo, chuyển sang nuôi ba ba, cua đinh. Nuôi đối tượng mới, ông lo nhất là phải tìm hiểu kỹ thuật và có nguồn giống chất lượng mới an tâm tái sản xuất.

Ở TX Ngã Bảy (Hậu Giang), một số hộ đã tận dụng chuồng heo nuôi lươn, vịt. Ông Hồ Văn Quắn, xã Đại Thành, vừa thả nuôi 4.000 con lươn và dự kiến sẽ tăng lên 20.000 con. Trước đó, ông đã nghiên cứu kỹ đối tượng nuôi, quy trình kỹ thuật, phòng, trị bệnh. Còn công chăm sóc và chi phí đầu tư rất nhẹ, do ông tận dụng chuồng trại bỏ trống nên không tốn tiền đầu tư mới.

Ông Quắn bị dịch tả Châu Phi “cuốn bay” mất đàn heo 143 con. “Không còn heo trong chuồng, tôi trăn trở mãi, chẳng lẽ bó gối ngồi chờ? Rồi tiền đâu mà trang trải cuộc sống? Thế là tôi quyết tâm học hỏi kỹ thuật nuôi lươn trong bể. Nếu thành công với mô hình nuôi lươn không bùn, có thể tôi sẽ nuôi lươn lâu dài”, ông Quắn tâm sự.

Dù chưa nhận được tiền hỗ trợ 47 con heo bị tiêu hủy, nhưng chị Nguyễn Ngọc Giàu, ở xã Đại Thành đã bỏ tiền làm vỉ lưới sắt trên bề mặt chuồng heo để thả 400 con vịt xiêm. Chờ có tiền hỗ trợ, chị sẽ mua thêm vịt trắng về nuôi ghép. Chị Giàu phân tích: “Trước kia nấu rượu và nuôi heo bằng hèm, giờ tôi cũng tận dụng hèm vắt khô rồi trộn chung với thức ăn viên cho vịt ăn. Dưới ao, tôi tận dụng mặt nước thả 100 kg cá trê”.

 Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang cho biết, đến nay dịch tả heo Châu Phi đã phủ kín các địa phương trong tỉnh, vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay cả các địa phương đã qua 30 ngày không có ổ dịch mới, cũng không dám công bố hết dịch. Vì khi chưa có vắc xin phòng bệnh thì không ai dám đảm bảo thời gian tới dịch không tái phát.

Vì vậy, theo ông Trưng, trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra như hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn, nhất là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn những trang trại lớn, nếu muốn tái đàn sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra, đủ điều kiện an toàn sinh học sẽ cho thả nuôi lại.

Đến nay, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã chi trả cho người chăn nuôi heo bị thiệt hại do dịch tả Châu Phi đợt 1 với số tiền 9 tỷ đồng và đang triển khai đợt 2, với 24 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất. Theo đó, các hộ dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi từng đối tượng, cách xử lý chuồng trại, các biện pháp phòng bệnh…

13-39-33_2mot_so_ho_con_ci_ti_tri_nuoi_heo_thnh_nh_luoi_trong_ru_mu_v_mot_so_loi_nm_n_phu_hop_1
Một số hộ còn cải tại trại nuôi heo thành nhà lưới trồng rau màu và một số loại nấm ăn phù hợp. Ảnh: Đào Chánh.

“Hai đối tượng chính người dân có thể lựa chọn chuyển đổi là gia cầm và thủy sản. Trong đó, gà, vịt, lươn và một số loài cá, có thể tận dụng chuồng trại heo để nuôi, không tốn nhiều chi phí cải tạo lại. Ngoài ra, nếu hộ dân nào có điều kiện thì nuôi rắn, cá sấu…”, ông Trưng khuyến cáo.

Còn tại Kiên Giang, Tân Hiệp là huyện đầu tiên ghi nhận dịch tả heo Châu Phi. Từ cuối tháng 8 cho đến nay, dịch bệnh có dịu xuống, nhưng đàn heo đã giảm khá nhiều. Bà Phan Kim Loan, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp cho biết, có một số xã sau 30 ngày, dịch vẫn tái hát trở lại. Vì vậy, người dân lo ngại, chưa dám tái đàn.

Hiện chỉ có 2 trạng trại nuôi khép kín của Cty C.P Việt Nam là họ dám tái đàn (quy mô hơn 1.000 con heo/trại). Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa dám thả nuôi và nếu có nuôi thì cũng không được hỗ trợ nếu bị dịch. Vì vậy, nhiều hộ sau khi nhận tiền hỗ trợ đã nuôi gà, vịt, lươn, cá trê hoặc nuôi dê ngay tại chuồng heo sau khi bị dịch.

Hậu Giang là tỉnh xuất hiện dịch tả heo Châu Phi sớm nhất tại ĐBSCL, vào đầu tháng 4/2019. Sau 5 tháng lây lan, dịch bệnh đã phủ kín các xã, phường, với 2.151 ổ dịch, số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 48.598 con, chiếm 32,1% tổng đàn, với 3 triệu kg, ước thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng.

Hiện đàn heo của tỉnh còn chưa tới 50% so với tổng đàn 151.000 con trước khi dịch xuất hiện, do bị tiêu hủy và người nuôi không dám tái dàn. Nông dân đang tích cực chuyển đổi qua đối tượng chăn nuôi khác nhằm bù đắp phần nào thực phẩm do nguồn cung thịt heo sụt giảm mạnh.

 

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.