| Hotline: 0983.970.780

Thông tin, kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi cần thiết, hữu ích

Thứ Sáu 29/10/2021 , 13:48 (GMT+7)

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh ở cả sân nhà và sân chơi quốc tế. Đây là nguyên tắc cơ bản.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Đó là quan điểm của ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khi chia sẻ về chủ đề kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Dịp tết sản phẩm chăn nuôi thường tăng khoảng 12-17%

Hiện nay vấn đề tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đang gặp những khó khăn, trở ngại ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, sự đứt gãy toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi ở nhiều khâu khác nhau đã khiến thị trường bất cân đối giữa cung và cầu. Điển hình như giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, chi phí logistics tăng trên 300% nhưng sản phẩm thịt lợn, thịt gà lại xuống thấp.

Có thời điểm, giá lợn hơi tụt xuống chỉ 25.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây chỉ là những khó khăn nhất thời. Khi chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu sử dụng sản phẩm chăn nuôi tăng trở trong khi lượng cung không đủ dẫn đến việc đẩy giá nhanh.

Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi tăng lên 15.000 - 22.000 đồng/kg so với thời điểm khủng hoảng giá do đại dịch Covid-19 (tương đương từ 45.000 - 52.000 đồng/kg, tiệm cận với giá thành sản xuất). Chính vì vậy, trong bối cảnh bình thường mới, việc cung cầu sẽ trở lại bình thường như trước khi bị dịch.

Bởi vậy, ngay bây giờ chúng ta phải huy động hệ thống trang trại và doanh nghiệp lớn để mở rộng hết công suất chăn nuôi, từ đó bù đắp cho những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang e ngại tái đàn, giúp chúng ta có đủ nguồn cung vào dịp cuối năm với giá ổn định. Theo quy luật, trong dịp tết, giá các mặt hàng chăn nuôi thường tăng khoảng 12-17% so với những tháng bình thường.

Vậy cơ quan nhà nước, các địa phương, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp và nhà sản xuất cần làm gì để thiết lập lại những “lỗ hổng” trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi đã bị đứt đoạn trong thời gian vừa qua?

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương không được ban hành thủ tục cản trở hàng hóa lưu thông trên phạm vi toàn quốc. Đây là điểm quan trọng nhất.

Còn đối với các hiệp hội, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ, cơ sở chế biến và đơn vị chăn nuôi sẽ phải kết nối với nhau thông qua thông qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử. Đặc biệt, các cơ sở giết mổ cần bố trí tiêm phòng đầy đủ 2 mũi cho toàn bộ công nhân để sản phẩm chăn nuôi được khép kín chuỗi giá trị.

Hiện nay, một số địa phương đã xuất hiện trở lại các ổ dịch tả lợn châu Phi và miền Bắc đã đón đợt gió lạnh đầu mùa. Ông có khuyến cáo gì đối với người nông dân duy trì và phát triển đàn vật nuôi tốt nhất?

Liên quan đến vụ đông xuân 2021 - 2022 những tháng cuối năm, có bốn việc chúng ta cần phải chuẩn bị. Thứ nhất, đây là thời kỳ có rét, mưa phùn, gió bấc - điều kiện lý tưởng để phát sinh nhiều dịch bệnh trên gia súc gia cầm. Chính vì thế, chúng ta cần đề phòng, nâng cao cảnh giác, thực hiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cũng như tiêm phòng vacxin đầy đủ với các bệnh hết sức nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Đặc biệt, đối với những con trâu, bò đã già, yếu thì nên sớm vỗ béo và bán đi. Bởi nuôi chúng qua mùa đông trong điều kiện rét đậm, rét hại thì rất rủi ro.

Ngay thời điểm này, các hộ dân cũng cần tính toán tăng đàn, vỗ béo vật nuôi để làm sao xuất bán kịp vào dịp rết, như vậy giá bán trên thị trường sẽ cao.

Tỷ lệ thịt nhập khẩu rất thấp

Thời gian qua, có ý kiến cho rằng, việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn đã khiến cho giá lợn trong nước rung lắc mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do với những cam kết rất quan trọng. Chính vì thế, bản thân mỗi một sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi phải tự cạnh tranh, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng như giá trị cạnh tranh ngay trên sân nhà và sân chơi quốc tế. Đây là nguyên tắc cơ bản.

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định là Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Cục Thú y đã công bố số liệu nhập khẩu thịt đầy đủ trên báo chí. Và tỷ lệ nhập khẩu thịt so với tổng sản lượng sản xuất trong nước chỉ là con số rất nhỏ bé, tùy từng sản phẩm, nhưng dao động trong khoảng từ 2 - 3,5% tổng sản lượng, chứ không nhiều.

Bản thân mỗi một sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi phải tự cạnh tranh, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng như giá trị cạnh tranh ngay trên sân nhà và sân chơi quốc tế. Ảnh: Minh Phúc.

Bản thân mỗi một sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi phải tự cạnh tranh, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng như giá trị cạnh tranh ngay trên sân nhà và sân chơi quốc tế. Ảnh: Minh Phúc.

Việt Nam phải mở cửa thị trường cho sản phẩm của các quốc gia, trong đó có thịt lợn, thịt gà, thịt trâu, thịt bò. Ngược lại, các nước cũng mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam. Cho nên, Việt Nam kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải căn cứ vào xu hướng nhập khẩu cũng như khả năng sản xuất trong nước để đảm bảo nhu cầu cung cầu.

Và khi tự do thương mại thì chuyện nhập về sản xuất, chế biến, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm sau đó chúng ta lại xuất khẩu thì đó là chuyện hết sức bình thường. Cho nên nước Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhưng họ vẫn nhập khẩu sữa, thịt bò của Canada để chế biến, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng.

Thống kê và dự báo thị trường chưa bám sát thực tiễn

Vậy trong câu chuyện dài hạn hơn, rõ ràng chúng ta phải có giải pháp để thống kê sát thực tế, từ đó có câu chuyện thị trường tốt hơn. Chúng ta sẽ biết thời điểm nào giá lợn chỉ xuống trong ngắn hạn, thời điểm nào giá lợn giảm lâu dài để khuyến cáo các hộ dân, chủ trang trại và doanh nghiệp tốt hơn?

Đúng vậy! Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi là thống kê và dự báo thị trường chưa bám sát thực tiễn. Đây là khâu cần đổi mới và phải áp dụng khoa học công nghệ cũng như đầu tư mạnh mẽ hơn về nguồn lực để giúp việc thống kê tốt hơn thực trạng sản xuất và dự báo thị trường.

Để làm được điều đó, hệ thống thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải có đổi mới cả về phương pháp, cách tiếp cận, làm sao sát với điều kiện thực tiễn hơn. Ví dụ, cần tăng cường tần suất tổng điều tra, còn việc lấy mẫu chỉ phản ánh một phần chứ không thể chính xác được.

Về phía Bộ NN-PTNT và Cục Chăn nuôi cũng sẽ chỉ đạo sát hơn với công tác thống kê; có giám sát, đánh giá về chất lượng thống kê hàng năm để xem chúng ta yếu ở khâu nào, thuận lợi ở khâu nào, đã làm được cái gì, chưa làm được cái gì? Thứ hai, phải nhanh chóng đầu tư cho hệ thống số hóa toàn bộ hệ thống thống kê trong ngành NN-PTNT. Với trình độ khoa học công nghệ bây giờ, chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Chỉ cần một điện thoại thông minh, người nông dân có thể điền đầy đủ thông tin để cung cấp cho cơ quan quản lý. Như vậy, chúng ta có một hệ cơ sở dữ liệu lớn về tất cả các ngành, và trong đó ngành chăn nuôi có cả hệ cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi, giống, hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi, doanh nghiệp và tất cả quy trình sản xuất.

Khi hệ cơ sở dữ liệu đủ lớn, chúng ta mới có thể áp dụng mô hình toán để dự báo được. Nếu số mẫu ít mà số liệu không chuẩn thì không thể nào dự báo được. Bởi dự báo phải dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải dựa trên ý chí chủ quan của mỗi con người. Cục Chăn nuôi cũng đang lập kế hoạch rất chi tiết để xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành chăn nuôi, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác thống kê, dự báo và chỉ đạo sản xuất sát hơn với thực tiễn.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã trở thành thương hiệu

Vậy ông kỳ vọng như thế nào về Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (phiên thứ 9) diễn ra ngày 30/10 với chủ đề “chia sẻ thông tin kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi” sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kết nối mua - bán dễ dàng?

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã trở thành thương hiệu trên toàn quốc, và nó đã thể hiện đúng nhiệm vụ, ý nghĩa, phương pháp tiếp cận và kết quả dành được rất nổi bật trong thời gian qua.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ 9 với chủ đề Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ 9 với chủ đề Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi.

Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đã hình thành hệ thống phân phối sản phẩm rất rộng lớn và có đầy đủ hệ thống thương mại điện tử. Nhưng Diễn đàn Kết nối nông sản 970 có ý nghĩa lớn cho các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, các chuỗi liên kết sản xuất cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh kênh giao thương hàng hóa.

Để diễn đàn mang lại hiệu quả và tác động tốt hơn cho nhiều người, chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân tham gia diễn đàn lựa sẽ chọn nội dung sát với chủ đề của diễn đàn. Ví dụ, bên bán chỉ nên cấp cho chúng tôi sản phẩm cần bán là cái gì, số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào và quy trình sản xuất ra sao, thời điểm nào có thể cung cấp sản phẩm.

Bên mua cũng vậy, họ phải cung cấp đầy đủ thông tin mình muốn nhập chủng loại hàng hóa như thế nào, số lượng, chất lượng sản phẩm, quy cách cung cấp hàng, thời điểm cần mua hàng… Còn lãnh đạo các tỉnh sẽ thông tin khả năng cung ứng các sản phẩm chủ lực của địa phương từ nay đến cuối năm để người sản xuất và người thu mua nông sản có thể nắm được.

Xin cảm ơn ông!

Kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi

Sáng 30/10, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi, hướng đến khôi phục và phát triển chuỗi giá trị cung cầu sản phẩm chăn nuôi trong tình hình mới.

Sự kiện với sự tham gia hàng trăm điểm cầu sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử (https://nongnghiep.vn) và hệ thống kênh lan tỏa trên mạng xã hội của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các địa chỉ:

https://www.youtube.com/c/NôngnghiệpVietNamOfficial

https://www.facebook.com/NongNghiepVietNamOnline

https://www.facebook.com/groups/diendannn

Nhóm Zalo: https://zalo.me/g/zjlpeh497 (mọi tài liệu liên quan, danh sách các đơn vị chào mua, chào bán, link tham dự trực tiếp trên Zoom sẽ được cập nhật trong nhóm Zalo này).

Quý doanh nghiệp, HTX và bà con có nhu cầu kết nối cung - cầu sản phẩm chăn nuôi, đăng tải thông tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam xin liên hệ đường dây nóng: 0974.488.808; 0916.054.556, hoặc email: ketnoinongsanvietnam@gmail.com.

thực hiện

Xem thêm
Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Cận tết, giá quýt đường tăng cao

ĐỒNG THÁP Những ngày cận Tết Nguyên Đán, bà con trồng quýt đường ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi khi giá quýt được thương lái thu mua với mức cao.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.