Tháng 6/2000, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 1474 phê duyệt phương án di dời các hộ dân ở xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) khỏi vùng có nguy cơ sạt lở ở gần bờ biển. Theo đó, sẽ có 141 hộ dân ở 2 thôn Long Thạnh và Ngọc An sẽ di dời đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn hơn.
Thế nhưng, trải qua hàng chục năm sinh sống, những hộ dân này vẫn chưa được các cấp ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Điều này khiến họ rất lo lắng và bức xúc vì đất đai không thể chuyển nhượng, thế chấp để lấy vốn làm ăn. Trong khi đó, địa phương lại không thể giải quyết do hàng loạt các vướng mắc.
Bà Huỳnh Thị Thân (trú thôn Long Thạnh) là 1 trong số những hộ dân nằm trong diện di dời này. Theo chủ trương, năm 2000, bà Thân rời căn nhà cũ nằm mấp mé bờ biển để chuyển đến khu tái định cư Long Thạnh sinh sống. Tại đây, gia đình bà được bố trí 250m2 đất, 1 giếng bơm và 1,5 triệu đồng để bắt đầu cuộc sống mới.
“Hồi đó, khu vực này chỉ là đồi cát, chưa có đường sá, điện nước hoàn thiện. Sau đó 2 năm thì mới có đường đất đổ rồi nâng cấp thành đường nhựa ven biển như bây giờ. Năm 2012 chính quyền họp dân để đăng ký, kê khai thông tin để làm sổ đỏ. Đến năm 2018, người dân lại được thông báo tiếp tục đi kê khai, làm hồ sơ nhưng vậy mà mãi tận bây giờ vẫn chưa thấy gì”, bà Thân chia sẻ.
Theo người dân ở vùng tái định cư, theo khung giá đất hiện nay thì để được cấp sổ đỏ, mỗi hộ dân phải mất từ 300 - 400 triệu đồng, đây là số tiền rất lớn. Đáng lẽ, khi người dân đồng ý di dời đến nơi tái định cư thì chính quyền địa phương phải hỗ trợ người dân làm sổ đỏ. Thời gian qua, trong những lần tiếp xúc đại biểu HĐND tỉnh, cử tri liên tục kiến nghị nội dung này nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Không có sổ đỏ, người dân địa phương không thể làm thủ tục chuyển nhượng hay thừa kế. Một số hộ gia đình làm ăn buôn bán cũng không thể thế chấp để vay vốn kinh doanh. Ông Nguyễn Thanh Trình (trú thôn Long Thạnh) cho hay: “Sau khi được cấp 250m2 đất, tôi dành 1 phần dựng nhà, phần còn lại mở xưởng làm mộc.
Những lúc khó khăn về vốn muốn đi vay thì không có tài sản gì để thế chấp. Giờ giá đất ngày càng cao, nếu khu vực này có quy hoạch dự án hay công trình gì thì chúng tôi cũng không biết phải làm sao nữa”, ông Trình bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Xuân Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, toàn xã có 141 hộ dân thuộc diện di dời vào sinh sống ở các khu tái định cư theo dự án di dời người dân khỏi vùng sạt lở nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Nguyên nhân của vấn đề này là do khi tiến hành kê khai thủ tục, cán bộ kiểm tra hồ sơ dự án di dời phát hiện thiếu quyết định cấp đất đối với từng hộ.
Không có quyết định này, chính quyền và cơ quan chức năng không có cơ sở để cấp sổ đỏ cho người dân. Cùng với đó, khu tái định cư nằm trong hành lang an toàn giao thông tuyến đường Thanh niên ven biển. Tính từ tâm đường mở rộng ra hai bên 15,5m thì vướng nhà dân, do đó không có cơ sở để cấp phần đất trong hành lang đường bộ này.
“Trước đây, người dân được di dời vào khu tái định cư trước rồi mới mở đường. Tuy nhiên việc lấy thông tin, lập hồ sơ đất đai cho người dân thực hiện sau khi tuyến đường đã hoàn thiện nên vướng mắc. Vấn đề này chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên nhưng vẫn bế tắc.
Phương án để tự dân tự bỏ tiền ra làm sổ đỏ phần diện tích không vướng hành lang an toàn giao thông đường bộ là có thể thực hiện được, tuy nhiên việc này rất thiệt thòi cho dân vì chi phí quá cao. Do đó, chúng tôi kiến nghị Sở TN-MT, Sở NN-PTNT sớm tham mưu UBND có cơ chế hỗ trợ hỗ trợ giá đất cho người dân để người dân có điều kiện được cấp sổ đỏ, đảm bảo quyền lợi”, ông Uy nói.