| Hotline: 0983.970.780

Người dân Lâm Đồng và nỗi lo 'bom nước' treo lơ lửng trên đầu

Thứ Tư 31/08/2016 , 13:10 (GMT+7)

Dù được liệt kê trong danh sách các công trình có nguy cơ mất an toàn từ nhiều năm qua nhưng hàng chục hồ, đập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp, khiến nỗi lo của người dân cứ thế kéo dài. Tính mạng, tài sản người dân ở một số vùng hạ du thực sự đang bị đe dọa...

Hồ lên tuổi "cụ"

Đã nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, luôn bất an về độ an toàn của hồ chứa nước Đạ Tô Tông. Hồ là nguồn dự trữ và cấp nước quan trọng cho địa phương. Theo thiết kế, hồ có dung tích 2 triệu mét khối, cung cấp nước tưới cho khoảng 450ha đất nông nghiệp.

Được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay công trình hồ Đạ Tô Tông đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát, phần đập tràn bị nứt gãy, xuất hiện nhiều vết thẩm thấu và nước chảy thành dòng lớn qua các vết nứt ở thân đập. Phần thân đập dài 165m cũng bị sụt lún nhiều chỗ, vết thấm khắp nơi. Hiện đang mùa mưa, nước đổ về với dung lượng lớn càng làm tăng nguy cơ mất an toàn đối với phần đập.

Ông Nguyễn Hải, xã Phúc Thọ lo lắng nói: "Cứ mỗi khi mùa mưa lũ về, nước đập dâng cao là người dân chúng tôi phải chủ động di chuyển bớt đồ đạc, sẵn sàng "chạy điền kinh" nếu sự cố xấu xảy ra. Những vết thấm chảy thành dòng trên đập đã xuất hiện từ lâu.

Mới đây đơn vị quản lý đập là Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Lâm Hà đã cho máy móc vào hạ thấp phần đập tràn hồ để hạ mực nước nhằm sửa chữa tạm thời. Không biết đến bao giờ người dân mới thôi thấp thỏm với quả bom nước lơ lửng trên đầu”.

Ngoài hồ Đạ Tô Tông, hồ Tân Rai (Bảo Lâm), liên hồ Suối Đỉa – Cây Xoài (Đơn Dương) cũng đang xuống cấp. Những hồ này phục vụ tưới tiêu cho 400 – 555 ha. Hiện thân đập dài 200m của hồ Tân Rai đang hư hại, nhiều chỗ nước thấm qua vai đập gây ẩm ướt dưới hạ lưu, tình trạng sạt lở cũng xuất hiện do nước chảy nhiều ở mang cống.

Tương tự, thân đập liên hồ Suối Đỉa – Cây Xoài đang sụt lún, thấm, nứt nhiều nơi. Khu vực tràn xả lũ không đủ khẩu độ thoát lũ và bị nứt gãy, mái thượng lưu chưa được gia cố, sạt trượt tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cao.

Ông Đinh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra (Đơn Dương) nơi có hệ thống liên hồ Suối Đỉa – Cây Xoài lo lắng, liên hồ nằm trên địa bàn của thôn Cầu Sắt, cả thôn hiện có 117 hộ, 513 nhân khẩu, đều sinh sống dưới vùng hạ du. Với tình trạng hư hỏng, xuống cấp như hiện nay thì tính mạng, tài sản người dân thực sự đang bị đe dọa.

 

Hàng loạt hồ đập nguy cơ mất an toàn

Theo Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 219 hồ chứa nước, trong đó có 7 hồ chứa có dung tích trữ trên 10 triệu m3, 6 hồ chứa có dung tích trữ từ 3 – 10 triệu m3, 18 hồ chứa có dung tích trữ từ 1– 3 triệu m3 và 188 hồ chứa có dung tích trữ dưới 1 triệu m3.

Trong 216 hồ đập chỉ có 100 hồ đập đăng ký an toàn, 43 hồ đập mất an toàn bao gồm 9 hồ đập hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn cao, 15 hồ đập hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, 13 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, bị bồi lấp ảnh hưởng đến sản xuất, 6 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng đến nhiệm vụ công trình.

10-36-24_nh-1-bi-mt-n-ton-ho-dp

 

Hầu hết các hồ trữ nước có dung tích nhỏ đều được xây dựng trước năm 1990 nên hồ sơ lưu trữ không còn, dẫn đến địa phương và đơn vị quản lý lúng túng trong việc đăng ký an toàn đập.

Quy trình vận hành hồ chứa nước cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại, đến nay chỉ có19/219 hồ có quy trình vận hành được phê duyệt. Hệ thống quan trắc, duy tu, bảo dưỡng chỉ diễn ra ở các hồ chứa lớn và vừa, còn hệ thống hồ chứa quy mô nhỏ do không có hồ sơ thiết kế, khi thi công không có thước đo mực nước nên việc quan trắc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Ngoài ra, nhiều cụm công trình hồ chứa thiếu tính đồng bộ, có những hồ chứa không có cống dưới đập để tháo cạn nước khi cần thiết, quy mô tràn xả lũ chưa đáp ứng được yêu cầu xả lũ hay tràn xả lũ là tràn tạm bằng đất.

Một số hồ đập nhỏ (do cấp xã quản lý) để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất để canh tác nông nghiệp trên mái đập và đường quản lý vận hành. Hiện tượng bồi lắng, sạt lở, thấm qua đập, tổ mối xảy ra ở nhiều công trình.

Ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước thực trạng trên, tỉnh đã kiến nghị Bộ NN-PTNT đưa 30 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn vào dự án sửa chữa với tổng kinh phí 578 tỷ đồng.

Trong đó có 16 công trình được đề xuất sửa chữa từ năm 2014 và bổ sung thêm 14 công trình từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ nâng cấp được 4 hồ chứa. Rất nhiều công trình bị mất an toàn nghiêm trọng cần xử lý khẩn cấp như hồ Tân Rai, hồ Đạ Tô Tông, liên hồ Suối Đỉa – Cây Xoài, hồ Đạ Sar… đã lập dự án nhưng vẫn "đói" kinh phí.

Hiện nay, trên địa bàn Lâm Đồng có đến 9 công trình bị hư hỏng và xuống cấp nặng. Đáng kể nhất là hồ Ma Póh (Đức Trọng) và liên hồ Suối Đỉa – Cây Xoài (Đơn Dương) được cảnh báo là có nguy cơ vỡ đập cao, tác động lớn đến vùng hạ du có dân cư, hiện trạng thấm lớn, thấm dọc cống, van hạ lưu không vận hành được, thủng đáy và tường tràn xả lũ.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm