Đến Tiên Yên nhưng ăn gà… nơi khác
Sinh ra và lớn lên ở huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), ông, Lý Văn Diểng, người đàn ông dân tộc Sán Dìu Lý có đam mê cháy bỏng với nông nghiệp, với những rừng cây xanh bạt ngàn, trải khắp núi đồi. Vì vậy, ông đã theo học lâm nghiệp và trở thành thạc sĩ chuyên ngành này.
Trở về quê nhà với bao dự định ấp ủ từ thời ngồi ghế giảng đường, ông Diểng nhận thấy đại bộ phận người dân Tiên Yên còn nghèo và sống dựa vào rừng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn tài nguyên này sẽ không giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Nói về cơ duyên đến với gà Tiên Yên, ông Diểng chia sẻ: “Đầu xuân năm 2013, tôi đón tiếp đoàn khách quý đến thăm. Đoàn chúng tôi tìm nhà hàng để thưởng thức hương vị ẩm thực Tiên Yên. Lúc bấy giờ, một vị khách nói rằng đến Tiên Yên thì phải ăn gà Tiên Yên nên tôi nhờ người đi tìm mua gà về đãi khách. Sau một hồi chờ đợi, đĩa gà đã xuất hiện trên mâm cơm. Tôi nhớ như in câu nói của một vị khách sau khi thưởng thức món gà rằng đây không phải là gà Tiên Yên, nếu chỉ ăn loại gà này thì không đến Tiên Yên làm gì”.
Thoáng giật mình, ông Diểng cảm thấy xấu hổ khi không thể có món ăn chuẩn của địa phương để tiếp khách quý. Sau khi nói lời xin lỗi, người đàn ông dân tộc Sán Dìu khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi sẽ phục tráng giống gà bản địa để lần sau mọi người tới ăn sẽ được thưởng thức đúng món gà đặc sản Tiên Yên”.
Gian nan hành trình khôi phục gà bản địa
Gà Tiên Yên là một trong những sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng cách đây cỡ chục năm thì giống gà ấy có nguy cơ bị mai một. Ông Diểng đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để khôi phục lại đặc sản quý của địa phương.
“Trước tôi đã có người làm con giống gà Tiên Yên nhưng không thành công. Có nhiều đêm tôi trằn trọc suy nghĩ về câu nói của vị khách. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực để tôi quyết tâm thực hiện lời hứa đưa gà Tiên Yên chuẩn vị lên bếp ăn mọi nhà”.
Tháng 3 năm 2013, ông Diểng bắt đầu thực hiện dự định đã ấp ủ. Ông lặn lội tìm đến Viện Chăn nuôi, các địa phương trên cả nước rồi sang cả Thái Lan, Trung Quốc để tìm hiểu cách làm con giống. Trong một lần đi lên Thái Nguyên, ông Diểng được chứng kiến cách thụ tinh nhân tạo trên đàn vịt. "Tôi tự hỏi, nếu vịt làm được thì cùng là gia cầm, tại sao không thử xem gà có làm thụ tinh nhân tạo được không?", ông kể.
Nghĩ là làm, ông Diểng ngay lập tức bắt tay vào thử nghiệm, nghiên cứu cách thụ tinh nhân tạo trên gà Tiên Yên. Trời không phụ lòng người, chỉ sau nửa năm, công trình khoa học của ông đã thành công.
“Tôi đã đến từng hộ dân để tìm mua gà Tiên Yên, chọn những con có màu lông đẹp, da vàng, bao gồm cả gà mái và gà trống. Lúc ấy, việc tuyển chọn gà rất vất vả, từ việc thuyết phục người dân bán gà cho đến việc tìm được mẫu gà ưng ý. Đến khi có khoảng 500 con thì tôi bắt đầu xây dựng mô hình”, ông Diểng cho biết.
Trong căn nhà khoảng 1.000m2, những chú gà trống Tiên Yên đẹp mã phải ở riêng một chuồng, đối diện là các “chị” gà mái đẹp như hoa hậu. Ông Diểng nói hài hước: “Các "anh" gà Tiên Yên giờ sướng hơn vua, được ăn uống đầy đủ mà chẳng phải lo nghĩ gì, nhiệm vụ chính chỉ là duy trì giống nòi mà thôi”.
Kể về bí quyết thụ tinh, ông Diểng cho biết, phải nắm được điểm nhạy cảm của gà trống, chỉ cần chạm vào đúng chỗ là nhân viên kỹ thuật của ông Diểng sẽ lấy được tinh trùng từ gà trống một cách dễ dàng để bơm vào thụ tinh trứng gà mái. Do số lượng gà cần thụ tinh hàng ngày rất lớn, nên việc thụ tinh cần diễn ra nhanh, chính xác. Chứng kiến công việc này, chúng tôi nhẩm tính chỉ khoảng vài giây đã thụ tinh xong cho một “chị” gà.
"Đối với việc chăm sóc các “nàng hậu”, phải để các "chị ấy" luôn giữ sự khỏe mạnh, tinh thần thoải mái. Chẳng may có bệnh tật gì phải chữa ngay tức thì, không được chậm trễ dù chỉ một phút. Với mỗi nhân viên của công ty, chăm các "chị" gà mái không khác gì chăm sóc cho bà bầu vậy”, ông Diểng ví von.
Khi gà mái đẻ trứng, những quả trứng sẽ bắt đầu một chu trình mới hệt như quá trình ấp của gà mẹ. Chỉ khác đây là quá trình ấp nhân tạo của ông Diểng mô phỏng gần như tự nhiên. Ông Diểng giải thích, trước kia chưa có máy, nhiều khi gà mẹ không biết đường mà mổ vỏ trứng để gà con chui ra. Do đó, máy này sẽ tạo ra ngoại lực vào vỏ trứng hệt như công đoạn gà mẹ mổ vỏ để gà con chào đời, và tỷ lệ ấp nở thành công sẽ cao hơn, lên đến trên 90%.
Cụ thể, giai đoạn đầu mới áp dụng công nghệ sản xuất giống gà bằng thụ tinh nhân tạo, do kinh nghiệm còn hạn chế nên năng suất trứng ấp thành phẩm chỉ đạt 700 - 800 con/1.000 quả trứng ấp. Đến nay, tỷ lệ trứng thành phẩm đạt hơn 900 con/1.000 quả trứng ấp.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ góp phần tăng sản lượng gà thương phẩm cho thị trường, đồng thời, qua thời gian dài chọn lọc từ 7 - 8 đời đã giúp bảo tồn, phát triển và duy trì nguồn gen quý của gà Tiên Yên. Hiện mỗi năm công ty của ông Diểng cung cấp khoảng trên 200.000 con gà giống khỏe mạnh ra thị trường.
Với mục tiêu phát triển giống gà Tiên Yên, năm 2014, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với huyện Tiên Yên hỗ trợ Công ty Cổ phần Phát triển chăn nuôi và nông - lâm - ngư nghiệp Phúc Long của ông Diểng (trụ sở tại thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) triển khai dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đây là công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam về thụ tinh nhân tạo cho gà, giúp tăng tỉ lệ đẻ, tỉ lệ có phôi và chất lượng con giống gà Tiên Yên.
Dân xây nhà, mua ô tô từ nuôi gà
Mô hình thụ tinh nhân tạo cho gà của ông Lý Văn Diểng là mô hình đầu tiên trên cả nước. Hiện công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà mà ông Diểng nghiên cứu ra đã mang lại bước đột phá trong ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Không chỉ có vậy, ông còn giúp đỡ bà con trong huyện nuôi gà và vươn lên thoát nghèo từ sản vật địa phương.
Đơn cử như xã Hà Lâu, năm 2018, xã triển khai dự án nuôi gà thương phẩm thương hiệu Tiên Yên. Hiện nay, đàn gà Tiên Yên ở Hà Lâu lớn thứ hai trong cả huyện. Hàng trăm nghìn con gà giống cho bà con xã viên ở Hà Lâu và nhiều xã khác trong huyện đều do công ty của ông Diểng cung ứng.
Anh Trần Văn Hoan, Giám đốc HTX Hà Lâu chia sẻ, từ một giáo viên hết hợp đồng, anh loay hoay tìm kiếm hướng làm ăn kinh tế mới nhưng đều thất bại. Cho đến năm 2014, anh Hoan được tiếp cận với gà Tiên Yên và bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi, khởi điểm là 1.000 con. Đến nay, mô hình nuôi gà Tiên Yên đã giúp gia đình anh Hoan cũng như các hộ tham gia HTX có thu nhập ổn định, trừ chi phí mỗi năm lãi hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, anh Hoan còn xây được nhà, mua xe ô tô để thuận tiện cho việc giao gà cho khách hàng.
Hiện nay, nông dân xã Hà Lâu nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung đã yên tâm chăm sóc gà, không còn phải loay hoay, thấp thỏm lo đầu vào, tìm đầu ra cho gà. Trải qua thời gian dài khôi phục, giống gà này đã trở thành một thương hiệu độc đáo của vùng đất mỏ Quảng Ninh.
Nhờ con giống chất lượng cao, càng ngày đàn gà càng thêm đông đúc, đến nay đã đạt trên 4 triệu con trên toàn huyện. Nguồn cung sản phẩm ổn định, huyện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ gà Tiên Yên và hình thành chuỗi liên kết sản xuất gà từ khâu con giống, chăm sóc cho đến chế biến, đóng gói sản phẩm.
Đầu tháng 12/2022, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ tư năm 2022. Quảng Ninh có 1 cá nhân được trao danh hiệu này, đó chính là Thạc sĩ Lý Văn Diểng, người dân tộc Sán Dìu, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên với công trình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống và phát triển đàn gà Tiên Yên. Công trình đã giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo từ nuôi giống gà này, cùng với đó, giúp thương hiệu gà Tiên Yên đạt sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh.