| Hotline: 0983.970.780

Người đi tìm trầm tích văn hoá Tày

Chủ Nhật 26/04/2015 , 08:38 (GMT+7)

Đó là ông Ma Thanh Sợi, người Tày bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. 

Người Tày có mặt  ở Việt Nam cả nghìn năm nay, đây là dân tộc đông dân thứ hai sau dân tộc Kinh sống tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc.

Trước những biến động của lịch sử và xã hội, những giá trị văn hoá Tày đang dần bị mai một. Có một người đang lặn lội đến các bản làng xa xôi và lục tìm trong thư tịch cổ những mảnh trầm tích văn hoá Tày trước nguy cơ biến mất...

Men theo dòng sông Chảy và suối Nghĩa Đô chúng tôi tìm đến gia đình ông Ma Thanh Sợi, người Tày bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Ngôi nhà sàn bình dị ẩn mình dưới rừng cọ và cây trái xanh thẫm. Năm nay đã 71 tuổi nhưng nom ông vẫn còn cường tráng lắm.

Ông cười khà khà rồi trải chiếu mời chúng tôi ngồi, câu đầu tiên ông hỏi tôi: Anh có biết vì sao thang lên nhà người Tày lại có 9 bậc không? Tôi bảo: Số 9 là số đẹp, số lớn nhất trong dãy số tự nhiên có một chữ số. Ông lắc đầu cười lớn: Người Tày cũng như nhiều dân tộc khác từng trải qua thời mẫu hệ. Người phụ nữ có 9 vía, mỗi bậc cầu thang là một vía, thiếu một bậc thì không ổn...


Vợ chồng ông Sợi tranh thủ phát cỏ sau nhà

Ông bắt đầu câu chuyện kể về quá trình người Tày đến khai phá, định cư trên mảnh đất Nghĩa Đô. Nghĩa Đô trước đây có tên là bản Luông, nghĩa là bản lớn, sau đó gọi là Mường Luông, nơi cư trú của các dân tộc Nùng, Dao và Tày.

Thế kỷ thứ XIV, không hiểu vì sao do dịch bệnh hay lý do nào đó họ chuyển đi đâu không biết. Nghĩa Đô trở thành hoang tàn cả trăm năm, ruộng biến thành rừng cây to mấy người ôm mới kín gốc.

Thế kỷ thứ XV người Tày ở Hà Giang sang đây khai phá ruộng nương, lập bản, lập làng. Các cụ xưa kể rằng ba anh em người Tày là những người đầu tiên đặt chân lên đất này có tên là Hoàng, Lương, Cổ họ băng rừng tới đây, thấy một vùng đất bằng phẳng lại gần sông suối nên mới quay về rủ thêm người về ở theo.

Họ dựng cờ, người Tày gọi là “cào củi” thân màu trắng rủ xuống ba tua, tua trắng là ông Hoàng, tua tím là ông Cổ, tua vàng là ông Lương. Sau này hình thành nên ba dòng họ Tày ở Nghĩa Đô.

Họ chính là “thỏi Tày”, nghĩa là Tày gốc. Còn những họ khác đang sinh sống ở đây là “thỏi keo”, bao gồm các dòng họ: Nguyễn, Hoàng, Lương, Ma... có nguồn gốc là người Kinh, còn “thỏi ngô” nguồn gốc Trung Quốc, nói tiếng Quan hoả.

Nhấp một ngụm nước, ông Sợi nhìn ra ngoài sàn nắng tháng tư màu mật ong xiên qua những tàu cọ lấp lánh buông tơ trên mặt đất: Hồi ấy có một chúa đất người Dao ở Bắc Hà tên là Triệu Phúc Tỉnh đổi tên Mường Luông thành Mường Khuông.

Ông tổ họ Ma của tôi là người Kinh ở Thái Nguyên làm nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh lấy một bà người Tày Cao Bằng sinh được ba người con trai là Ma Cà Tỉnh, Ma Cà Trung, Ma Cà Vệ. Ông vốn thông minh và có đầu óc làm ăn nên bị dân bản ganh ghét, họ đốt nhà doạ giết nên ông phải dắt vợ và các con chạy về đất Nghĩa Đô sinh sống.

Ông đã bị giết khi chặn đường đánh lại chúng để bảo vệ vợ con. Khi tới đất Nghĩa Đô, hồi ấy chỉ có khoảng 100 nóc nhà, ba người con mỗi người ở một chòm nên bây giờ có ba chi họ Ma ở đây.

Chuyện của ông Ma Thanh Sợi dài lắm, kể mười ngày không hết, ông được cử đi học sư phạm 7+3 rồi ra trường dạy học từ năm 1965, đến tháng 3/1975 thì nhập ngũ sang chiến đấu giúp nước bạn Lào giải phóng.

Tháng 11/1981 thì ra quân, do đông con gia đình quá khó khăn nên ông xin về nhà làm ruộng. Do có trình độ người ta bầu ông làm chủ nhiệm HTX, rồi làm phó bí thư Đảng uỷ, năm 1995 được bầu làm Chủ tịch xã tới năm 2000 thì nghỉ hưu.

Trong những năm tháng công tác tại xã ông nhận thấy văn hoá Tày đang bị mai một, người ta giao dịch với nhau chủ yếu bằng tiếng phổ thông, tiếng mẹ đẻ chỉ lớp người già sử dụng còn lớp trẻ chỉ dùng khi về nhà.

Lúc rỗi ông bắt đầu ghi chép những câu truyện cổ, những bài ca dao, lời hát then... bằng tiếng Tày. Khi nghỉ hưu ông mới thực sự bắt tay vào việc sưu tầm, ghi chép tất cả những sinh hoạt văn hoá của người Tày.

Nói rồi ông khệ nệ bê một bao tải sách lấy từ trên nóc tủ xuống, đó là những cuốn sổ tay với đủ loại kích cỡ, viết bằng nhiều loại mực có cuốn bìa đã đen xỉn màu thời gian, giấy đã ố vàng rồi bày ra chiếc chiếu.

Trong suốt 15 năm qua hằng ngày ông tới gặp những cụ già trong các bản ở các xã: Nghĩa Đô, Tân Tiến, Vĩnh Yên nơi cư trú tập trung của người Tày.


Ông Sợi kể với cán bộ văn hoá huyện Bảo Yên về những ngày chiến đấu trên nước bạn Lào

Ông bảo: Nhiều cụ già lắm rồi, không ít cụ đã lẫn, nếu không nhanh khai thác thì mai ngày các cụ mất sẽ mang theo cả những giá trị văn hoá đó xuống suối vàng. Chính thế, nên tôi phải tìm mọi cách gặp gỡ để xin các cụ kể lại những chuyện xửa xưa. Có cụ chưa ghi chép hết đã về với tổ tiên...

Giống như người đi tìm quặng, những giá trị văn hoá dân tộc Tày đã hoá thành những lớp trầm tích trong trí nhớ và ký ức của những cụ ông, cụ bà đều sắp về trời.

Suốt 15 năm trời lặn lội, kiếm tìm ông Ma Thanh Sợ đã sưu tầm biên dịch từ tiếng Tày ra tiếng phổ thông được 14 cuốn sách, cuốn nào cũng dày cả trăm trang.


Bằng công nhận nghệ nhân dân gian

Có cuốn đã được đánh máy, có cuốn còn ở dạng ghi chép trong sổ tay. Ông chép miệng thở dài: Việc đánh máy không thể nhờ ai được, nên tôi phải tự đánh lấy, mổ cò từng chữ, được mấy cuốn rồi. Cái máy tính cũ mượn của xã nay đã hỏng, các bài lưu trong USB, nếu bị nhiễm vi rút thì công toi...

Ông kể tên 14 cuốn sách: Truyện cổ tích người Tày, Địa danh Nghĩa Đô xưa, Tập quán tang ma, Văn hoá dân gian dân tộc Tày (lời ru, hát yếu, hát đồng dao, nói lái, câu đố, lời gạ...), Tập quán chữa bệnh, Then Tày Nghĩa Đô (các loại then, các loại mo: Cúng giải, cúng đưa ma, cúng dâng lễ...), Tập quán lên nhà...

Sở Văn hoá-Thể thao & Du lịch Lào Cai đã chọn in một vài cuốn. Ông cười khục khục trong cổ: Tôi nghe nói họ đã in một vài cuốn nhưng đã nhìn thấy mặt mũi cuốn nào đâu. Tôi dự kiến sưu tầm 4 cuốn nữa: Các trò chơi dân gian dân tộc Tày, Tập quán canh tác lúa nước, Hội mo (mo thần núi, thần sông thành hoàng bản thổ), Chuyện hát yếu. Hát yếu cọi giống như hát Quan họ, mấy nghìn câu hát phải hát mấy đêm mới hết. Trong số đó có cuốn đã sưu tầm xong chưa dịch, có cuốn đang nằm trong đầu...

Ghi nhận sự đóng góp của ông, ngày 1/6/2009 Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã cấp bằng công nhận nghệ nhân dân gian cho ông. Trên xà nhà treo nhiều bằng khen, giấy khen trong đó có tấm Huân chương Itxala hạng nhất do Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Khăm Tày Xi Phăn Đon tặng, do có công giúp cách mạng Lào thời kỳ 1945-1975.


Huân chương Itxala hạng nhất do nước Lào tặng ông Ma Thanh Sợi

Vợ chồng ông giữ chúng tôi ở lại ăn cơm, nhưng tôi có việc phải về, ông bảo: Hôm nào rỗi anh đến đây chơi, tôi có rất nhiều chuyện để kể với anh. Còn bây giờ tôi phải tranh thủ phát ít cỏ, mùa mưa tới rồi chúng lên nhanh lắm...

Tôi theo ông ra khu rừng cọ sau nhà, lúc này nom ông chẳng khác gì nông dân, ông bảo: Tối nay tôi đã hẹn đến chơi nhà một cụ ở Bản Hốc, cụ này đã già lắm rồi, sợ mai ngày cụ về trời thì mang theo hết những tài sản tinh thần mà cụ đã lưu giữ mấy chục năm qua...

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).