| Hotline: 0983.970.780

Người giàu Trung Quốc thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm vì Covid-19

Thứ Tư 25/03/2020 , 09:50 (GMT+7)

Covid-19 gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc nhập khẩu thực phẩm cao cấp, nhưng cũng có thể thay đổi thói quen mua sắm của người giàu.

Hải sản Iceland, bít tết Australia và rượu vang Tây Ban Nha có thể sẽ biến mất khỏi thực đơn ở Trung Quốc, nhưng nhiều người cho biết họ đã bắt đầu giảm tiêu thụ chúng từ trước đó.

Chỉ một tháng trước, chuỗi cung ứng ở Trung Quốc rơi vào hỗn loạn khi dịch vụ vận tải thực phẩm ngừng hoạt động.

Giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đang quay trở lại công suất vốn có, trong khi cú sốc cung ứng từ đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều nước phương Tây trong bối cảnh cố gắng ngăn chặn virus lây lan.

Nhưng đợt thiếu hụt nguồn cung lần thứ hai đang bao trùm nhiều quốc gia này có thể khiến tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc khó tiếp cận những thực phẩm nhập khẩu cao cấp như thịt và các sản phẩm từ sữa, thường được cho là có chất lượng tốt hơn so với địa phương.

Trong tuần qua, Tây Ban Nha và Italia đã vượt qua Trung Quốc, trở thành tâm dịch mới với số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân.

Ở Australia và New Zealand, chính phủ ban hành nhiều biện pháp hà khắc như đóng cửa biên giới và địa điểm công cộng, đồng thời yêu cầu người dân làm việc tại nhà.

Mô hình này đang diễn ra trên khắp thế giới, suy thoái kinh tế nghiêm trọng được dự báo ​​sẽ kìm hãm nhiều nền kinh tế phát triển.

Những quốc gia kể trên là những nhà cung cấp nguồn thực phẩm cao cấp chính: thịt lợn, thịt cừu, thịt bò, phô mai, hải sản và sữa cho nhà hàng xa xỉ ở Trung Quốc. "Trong bối cảnh một số hãng hàng không huỷ bỏ toàn bộ các chuyến bay, viễn cảnh thiếu hụt đang rõ hơn bao giờ hết", các nhà nhập và xuất khẩu cho biết.

Hầu hết thực phẩm cao cấp trên thế giới được vận chuyển cùng với máy bay chở khách, đồng nghĩa với việc hạn chế đi lại nói chung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại.

"Chúng tôi đã thấy các lò giết mổ của Argentina và Brazil buộc phải đóng cửa. Australia vẫn chưa thực hiện biện pháp này, nhưng nhiều đơn hàng đang dần bị huỷ, vì vậy công việc chúng tôi có thể sẽ ít hơn vào tuần tới", William Kerins, người sáng lập Công ty phân phối và cung ứng thịt cao cấp có trụ sở tại Bắc Kinh USource, cho biết.

"Một số cảng Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế hàng hóa từ vài quốc gia nhất định", ông Kerins bổ sung. "Tôi đoán vào tuần tới, một nửa số lò giết mổ trên toàn thế giới sẽ đóng cửa, nửa còn lại phải hoạt động cầm chừng để cung cấp cho thị trường địa phương."

Kho của USource, đơn vị chuyên cung cấp thịt, vẫn đủ hàng tồn kho cho vài tháng sau khi họ nhập khẩu trước vào tháng 1 nhằm tận dụng lợi thế từ việc thiết lập lại hạn ngạch nhập khẩu thịt hàng năm ở Trung Quốc. Nhưng sự thiếu hụt sẽ không còn xa sau khi lượng thực phẩm này được tiêu thụ hết.

"Nếu tình hình ở các quốc gia cung cấp không cải thiện vào tháng 5, chúng ta sẽ bắt đầu thấy Trung Quốc gặp vấn đề về nguồn cung", ông Kerins lo lắng.

Một nhà xuất khẩu thực phẩm xuyên biên giới ở Australia giấu tên cho biết ngoài việc tạm dừng sản xuất trong các nhà máy để ngăn virus lây lan, các sản phẩm cũng bị dọn sạch khỏi kệ hàng ở Trung Quốc khi người dân tích trữ thực phẩm khô như ngũ cốc, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của ông.

"Tại thời điểm hiện tại chưa có vấn đề lớn nào xảy ra, tuy nhiên chúng tôi dự đoán những khó khăn với chuỗi cung ứng sắp đến", ông nói. "Và đó sẽ là một vấn đề toàn cầu".

IS Seafood, một nhà nhập khẩu hàng hóa cao cấp từ Iceland của Trung Quốc, đang chứng kiến ​​các nhà máy chế biến ở châu Âu đóng cửa.

"Châu Âu thay đổi quy tắc liên tục. Một số nhà cung cấp của chúng tôi đang phải đối mặt với các vấn đề, ví dụ như chỉ tối đa 20 người được phép ở cùng một không gian", Giám đốc điều hành Biggi Stefansson nói.

Công ty James Tyler của Australia vận chuyển mọi thứ từ hàu và tôm hùm New Zealand cho đến anh đào Tasmania và sữa chua hữu cơ đến Trung Quốc. James Hutchinson, đồng sáng lập, cho biết: "Giá vận chuyển đường biển và hàng không đã tăng vọt do thiếu hụt phương tiện."

"Rất nhiều hàng hóa được chở cùng với các chuyến bay chở khách. Số lượng chúng rõ ràng đã giảm đi đáng kể", Hutchinson nói.

Sự gián đoạn dòng chảy của các mặt hàng thực phẩm xa xỉ đang xảy ra vào thời điểm người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi thói quen chi tiêu, phần lớn là do cú sốc của đại dịch Covid-19, có khả năng dẫn đến suy giảm kinh tế quý lần đầu tiên ở Trung Quốc kể từ năm 1976.

"Nhiều người tiêu dùng đang thay thế ăn uống và chi tiêu mạnh tay cho nhà hàng bằng việc mua nguyên liệu và nấu ăn tại nhà", những người trong ngành công nghiệp xa xỉ tại các thành phố lớn của Trung Quốc cho biết.

Nhu cầu giảm nhẹ có thể giảm bớt gánh nặng của sự thiếu hụt sản phẩm nhập khẩu, ngay cả khi một loạt vụ bê bối làm sáng tỏ nguồn cung thực phẩm nội địa Trung Quốc, bao gồm cả mối liên hệ bị nghi ngờ giữa Covid-19 và chợ thực phẩm tươi sống ở Vũ Hán, và cuộc khủng hoảng dịch tả lợn ở châu Phi đã giết chết hơn 100 triệu con lợn, khiến giá thịt lợn tăng vọt.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến nhập khẩu thịt lợn Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2020 tăng 158% so với một năm trước đó. Trong bối cảnh hàng hoá không thể tìm đường đến thị trường vì dịch Covid-19, việc không tìm được nguồn cung thay thế có thể cản trở người dân tiêu thụ thịt lợn, loại thịt phổ biến nhất ở quốc gia này.

"Đối với tôi, thịt có thể thay được, nhưng tôi lo lắng hơn về trái cây", ông Ngọc Trịnh, một người tiêu dùng có thu nhập cao ở thành phố Thâm Quyến giàu có của Trung Quốc, cho hay. "Thật khó để tìm thấy trái cây tươi ngon trong các siêu thị địa phương. Không có gì thay thế được chúng."

"Tôi không mua nhiều sản phẩm nhập khẩu, trừ một số loại thịt như thịt bò Australia", Wendy Liu, một người tiêu dùng khá giả ở Quảng Châu, thêm vào. "Những thực phẩm này vẫn đang có sẵn nơi tôi ở, vì vậy tôi không lo lắng. Nếu không có được cũng không sao. Tất nhiên là thịt bò Austrlia vẫn ngon hơn, nhưng tôi là người linh hoạt."

Một người kinh doanh rượu vang Tây Ban Nha ở Thượng Hải giấu tên cho biết thành phố đang gặp khó khăn trong khi đường phố Bắc Kinh "gần như chết".

"Nói thật, tôi không thấy nhu cầu về bất cứ thứ gì cao cấp sẽ tăng trở lại vào thời điểm này", cô ấy nói. Có rất nhiều điều không chắc chắn và mọi người chỉ đang cố gắng vượt qua.

Theo báo cáo của các tập đoàn Trung Quốc nhiều bộ phận và sự kiện khách hàng đã bị cắt giảm, cùng với đó là nhu cầu rượu vang và quà tặng đối tác. Đây là một điểm làm "nghẹt thở" khác của thị trường thực phẩm xa xỉ nhập khẩu.

"Tôi tin rằng mọi người vẫn chuộng thực phẩm ngoại nhưng họ sẵn lòng bỏ qua nếu không thể mua được chúng", một giám đốc giàu có ở Thâm Quyến đang làm việc tại một trong bốn công ty kế toán toàn cầu lớn bày tỏ.

Richard Yuan, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân cao cấp Austrlia - Trung Quốc, cho rằng hương vị của thực phẩm xa xỉ không thực sự hấp dẫn những thành viên trong câu lạc bộ, khi nhiều người bắt đầu lo lắng về nền kinh tế toàn cầu.

"Những người có thu nhập cá nhân cao vẫn ưa chuộng hải sản, nhưng được nấu tại nhà. Chúng tôi cũng không còn uống rượu nhiều như trước", ông Yuan nói. "Hầu hết giảm xuống một chai mỗi ngày."

(Theo SCMP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.