Theo ông Phạm Thái Bình, dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn nhất định cho ngành gạo như tiến độ giao nhận sẽ bị chậm trễ do logistics toàn cầu bị xáo trộn bởi dịch bệnh, việc thanh toán cũng sẽ bị chậm lại…
Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng ra toàn cầu lại là cơ hội cho xuất khẩu gạo, bởi các nước đều có nhu cầng tăng lượng lương thực dự trữ nhằm ứng phó với dịch bệnh. Nhiều nước bị Covid-19 làm xáo trộn, chưa chuẩn bị kịp nguồn lương thực dự trữ lâu dài. Đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam.
Với thị trường Trung Quốc, dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu tích trữ lương thực ở nước này. Bên cạnh đó, một số vùng ở Trung Quốc, do logisctics nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên cần phải nhập thêm gạo từ các nước trong khu vực để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong thời gian tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ nhập hơn 477 ngàn tấn gạo từ Việt Nam. Nhưng năm nay, thể họ sẽ mua gấp đôi số lượng đó.
Cũng theo ông Bình, do nhu cầu nhập khẩu gạo từ nhiều nước đang tăng, nên thị trường gạo hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang rất sôi động, giá tăng liên tục. Giá gạo xuất khẩu hiện đã tăng khoảng 20% so với năm 2019.