Thu được năng suất cao vượt trội làm cho nhu cầu hạt giống lúa lai gia tăng ở mọi miền đất nước. Năm 1993, Bộ trưởng cử một đoàn cán bộ ngành giống đến Trung tâm nghiên cứu lúa lai Hồ Nam (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai, tôi được dự lớp học này.
Đợt học đã trang bị thêm cho chúng tôi nhiều tài liệu, phương pháp, kỹ thuật... để bước vào hướng nghiên cứu mới: Chọn tạo giống lúa lai cho Việt Nam. Niềm đam mê chọn giống cuốn hút mọi thời gian và suy nghĩ của tôi nên mặc dù chưa biết lấy phương tiện, kinh phí nghiên cứu từ đâu nhưng tôi vẫn gieo trồng vật liệu, tổ chức lai tạo, đánh giá, chọn lọc...
Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn rất bận nhưng thường xuyên hỏi xem liệu có thể tạo được dòng bố mẹ ở Việt Nam không? Ông dịch sách rồi gửi cho tôi đọc để học cách làm. Tôi tập hợp tài liệu viết sách tham khảo cho sinh viên, ông đọc bản thảo, chỉnh lý, viết lời giới thiệu và cho cả tiền để xuất bản cuốn “Chọn giống lúa lai”.
Biết được khó khăn, thiếu thốn của cán bộ làm nghiên cứu ở trường, ông đã mời thầy hiệu trưởng và tôi lên để cấp 9.000 đô la (quỹ riêng của Bộ trưởng) giúp nhóm nghiên cứu chúng tôi.
Có số tiền này, chúng tôi đã mua sắm một số trang thiết bị tối thiểu, xây nhà lưới, tường rào chống chuột, thiết kế buồng điều hòa nhiệt độ để đánh giá các dòng vật liệu mới. Sự quan tâm của Bộ trưởng thúc đẩy chúng tôi làm việc miệt mài.
Ông tuyên bố sẽ giành phần thưởng xứng đáng cho người chọn tạo được lúa lai tại Việt Nam.
Năm 1996, tôi chọn được dòng bố, mẹ và sản xuất được 12kg hạt lai F1 đưa lên Bộ để tham gia trình diễn tại tỉnh Hà Tây cũ cùng với giống của các tác giả khác trong nước.
Lúa trình diễn sinh trưởng phát triển rất nhanh, cây khỏe, bông to trỗ đều. Bộ tổ chức Hội nghị đầu bờ mời nhiều tỉnh đến tham quan đánh giá. Mọi người khen ngợi lúa lai Việt Nam, Bộ trưởng phấn khởi lắm nên rút tiền mặt thưởng ngay cho tôi và chị Tuyết Minh trước nhiều nhà lãnh đạo, đồng nghiệp và nông dân.
Chúng tôi thực sự mừng vui xúc động. Nhưng không may, chỉ sau 1 tuần, lúa của tôi bị bệnh bạc lá làm “cháy” gần hết cả mẫu ruộng, lá không còn màu xanh để quang hợp, làm gì còn năng suất!
Tôi lo lắng, xấu hổ đến bẽ bàng vì sự nóng vội của mình. Lòng ngậm ngùi ân hận, buồn lo và lên xin Bộ trưởng trả lại tiền thưởng. Thật ngỡ ngàng, ông không khiển trách mà lại vui vẻ nói: “Phần thưởng này là giành cho người tạo ra giống lúa lai đầu tiên ở Việt Nam chứ chưa phải là thưởng cho giống lúa lai tốt nên cứ yên tâm làm việc đi”.
Lời nhắc khéo của nhà lãnh đạo không làm tắt nhiệt tình mà như đã gieo “Hạt giống Bồ Đề” vào tâm trí tôi. Tôi cảm nhận được ở ông một tình thương bao dung độ lượng như của một người cha. Tình thương ấy đã luôn âm thầm thúc đẩy tôi tìm mọi cách nghiên cứu cải tiến để tạo ra giống tốt.
Tuy nhiên để tạo được giống lúa lai tốt thì trước tiên phải tạo dòng bố mẹ tốt (năng suất chất lượng cao, kiểu cây đẹp, bất dục, chống chịu sâu bệnh...). Cần thời gian dài để thực hiện việc này, khi đó tôi đã đến tuổi nghỉ hưu, quĩ thời gian làm việc đã hết. Tôi quyết định phải giành thời gian còn lại của cuộc đời để tự nghiên cứu chọn tạo thành công giống lúa lai cho Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, các giống lúa lai TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH7-2, CT16... cùng với qui trình nhân hạt bố mẹ, qui trình sản xuất hạt lai F1 lần lượt công nhận và phát triển mạnh trong sản xuất được nẩy nở từ “Hạt giống Bồ Đề” đã được gieo trong tôi từ tấm lòng nhân ái của nhà lãnh đạo nông nghiệp tài ba, người Thầy kính mến của tôi.
Vĩnh biệt Thầy trong một ngày cuối thu ảm đạm, xin kính dâng lên linh hồn cao quí lòng biết ơn vô hạn của một học trò.