"Cánh đồng rau" nơi đảo xa
7 giờ sáng một ngày giữa tháng 5/2023, tại Cảng Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), các đại biểu của đoàn công tác số 11 Quân chủng Hải quân Việt Nam tất bật vận chuyển những thùng quà tặng xuống tàu KN 491 để chuẩn bị rời bến ra thăm quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1, trong số đó có cả những thùng hạt giống rau, cây xanh, cây ăn trái, thuốc bảo vệ thực vật và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) chuyển giao ra các đảo.
Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu KN 491 cập đảo Sinh Tồn Đông, nằm ở khu vực phía Bắc thuộc quần đảo Trường Sa, cách đất liền khoảng 300km. Trước mắt chúng tôi, đảo Sinh Tồn Đông nhìn từ xa thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xung quanh đảo ngập tràn màu xanh. Chiếc xuồng đưa đoàn công tác vào đảo chạy len lỏi giữa những hàng cọc chắn sóng bảo vệ đảo.
Gặp chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Công Đạt, trợ lý hậu cần đảo Sinh Tồn Đông vui mừng cho biết: “Hiện nay, trên đất liền có gì thì trên đảo xa có cái đó, kể cả nguồn rau xanh cải thiện trong các bữa ăn hàng ngày của đơn vị cũng đầy đủ hơn trước rất nhiều. Mặc dù ở đảo xa nhưng chúng tôi vẫn luôn hướng về đất liền và nắm rõ thông tin, giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo yên tâm công tác, sẵn sàng xử lý tốt các tình huống bảo vệ biển đảo…”.
Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về công việc tăng gia sản xuất của bộ đội trên đảo, Thượng úy Đạt dẫn chúng tôi ra khu tăng gia tập trung của các chiến sĩ, nơi đảo xa này ngập tràn một màu xanh đầy sức sống.
“Sở dĩ chúng tôi thường gọi vui khu tăng gia sản xuất này là “cánh đồng rau” vì để anh em nghe cho gần gũi và đỡ nhớ đất liền, nhớ nhà, nhớ quê. Đơn vị chúng tôi trồng được khá nhiều loại rau từ cải ngọt, cải củ, cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống…,100% đều trồng trong nhà lưới và ứng dụng theo mô hình công nghệ cao nên đạt kết quả tốt, giúp đơn vị luôn chủ động được nguồn thực phẩm rau xanh cho các bữa ăn hàng ngày”, Thượng úy Đạt khẳng định.
Hiện trên đảo Sinh Tồn Đông có 3 nhà lưới với tổng diện tích 214,5m2, rau được trồng trực tiếp xuống đất hoặc trong các khay, do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) hỗ trợ chuyển giao từ nguồn hạt giống, phân bón hữu cơ đến kỹ thuật canh tác.
“Trước kia tăng gia sản xuất, chúng tôi sợ nhất vào mùa biển động, sóng gió tạt nước mặn vào khiến rau chết sạch. Đến nay, nhờ trồng trong các nhà lưới nên rau phát triển rất tốt, đáp ứng được khoảng 90% nguồn rau xanh trong các bữa ăn, còn lại thì nhờ các tàu hậu cần ra đảo cung cấp thêm”, Thượng úy Đạt chia sẻ.
Qua các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật của IAS, cán bộ chiến sĩ trên đảo không chỉ giỏi việc chăm sóc rau mà còn biết cách tận dụng các loại lá cây khô như cây phong ba, cây bão táp để ủ mục, tạo thành nguồn phân hữu cơ tự nhiên bón cho cây trồng.
Mỗi buổi sáng sớm, đơn vị cắt cử các bộ phận chăm sóc, hạn chế độ mặn bám phủ để tạo độ ẩm, buổi chiều anh em chiến sĩ lại tích cực nhặt lá cây ủ và rải dưới gốc cây, tăng độ che phủ, giảm xói mòn đất.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Tiến, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết: “Các bể chứa nước đã được xây dựng và bố trí ở các vị trí thuận lợi, thích hợp để thuận tiện nhất cho việc tăng gia sản xuất trên đảo. Chúng tôi trồng đa dạng các loại rau xen canh gối vụ, hợp với từng thời điểm, thời tiết, nhờ có các nhà lưới này nên đã tránh được nước mặn, giúp rau phát triển tốt hơn”.
Đối với các đảo chìm như đảo Đá Đông, Nhà giàn thì việc tăng gia sản xuất khó khăn gấp nhiều lần vì không có nhiều đất để trồng rau. Các cán bộ chiến sĩ ở đây phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết, khí hậu, cắt cử người che chắn vườn rau theo đúng hướng gió từng ngày để rau xanh luôn được an toàn và phát triển tươi tốt.
Đại uý Nguyễn Văn Hướng (đảo Đá Đông) chia sẻ: “Việc trồng rau xanh trên đảo khác biệt so với ở đất liền, vì thường rất khó khăn, nước biển mặn ảnh hưởng đến rau. Cứ gió mùa nào phải xoay theo mùa ấy và tính toán trồng các loại rau theo mùa vụ, cũng như tìm tòi cách làm sáng tạo nhằm hạn chế các loại côn trùng gây hại, như vậy mới đảm bảo có rau để tăng gia phục vụ cho các bữa ăn đơn vị”.
Mỗi chiến sĩ như một “chuyên gia” nông nghiệp
Trong đợt ra thăm quần đảo Trường Sa lần này, do sóng biển có phần êm hơn các chuyến trước nên tàu KN 491 có thể tiếp cận gần hơn với các đảo, nhà giàn. Có mặt tại Nhà giàn DK1, trước mặt chúng tôi là công trình rất hùng vĩ, 4 chân trụ cắm sâu vào lòng biển rất vững chãi, với hàng trăm bậc cầu thang sắt nối lên tầng cao nhất, cách mặt biển khoảng 40 mét, là nơi cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn ở và làm nhiệm vụ.
Từ tầng cao nhất của Nhà giàn nhìn xuống, mặt biển trải ra mênh mông, nước, trời xanh ngắt như một bức tranh tuyệt đẹp. Những chiếc thuyền của ngư dân dập dềnh trên sóng, cờ đỏ sao vàng tung bay trước mắt mọi người. Xung quanh hành lang là những thùng nhựa trồng rau, hoa và trên nóc Nhà giàn còn tận dụng diện tích nhỏ để làm vườn rau tăng cường màu xanh cải thiện cho các bữa ăn của bộ đội.
Theo chân ông Ngô Xuân Chinh (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), chúng tôi được hướng dẫn leo lên thăm vườn rau của Nhà giàn. Tiếp đoàn, Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Nhà giàn DK1-21 phấn khởi chia sẻ: “Mặc dù đơn vị cố cắng dành được một phần diện tích nhỏ trên tầng thượng để tăng gia sản xuất, nhưng cũng trồng được đủ các loại rau xanh cải thiện cho bữa ăn hàng ngày của đơn vị. Đối với những ngày nắng thì đủ rau ăn, chỉ khi gặp mưa gió thì sẽ bị thiếu rau. Tuy nhiên, anh em chiến sĩ cũng biết cách làm giá đậu để thay thế rau xanh mỗi khi thời tiết xấu”.
Theo Đại úy Dũng, từ khi được IAS chuyển giao kỹ thuật và nguồn hạt giống rau cũng như các thiết bị canh tác ra Nhà giàn, đã giúp bộ đội tiếp nhận, triển khai lắp đặt và chăm sóc rau rất thuận lợi và hiệu quả.
Trên vườn rau Nhà giàn, chúng tôi thấy nhiều nhất là rau cải xanh, cải ngọt, mồng tơi lá xanh to như lá sen không có biểu hiện của sâu bệnh, có cả mấy chậu ớt trái chín trĩu cành. Hạt giống và đất trồng rau đều được chuyển từ đất liền ra và được các chiến sĩ trên Nhà giàn chăm sóc, che chắn rất kỹ để chống lại sức quật của gió và nắng giữa biển khơi.
Anh Chử Văn Thìn, đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng cảm động nói: “Lần đầu tiên tôi được ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, tôi rất ngạc nhiên khi ở giữa biển khơi cách đất liền hàng nghìn hải lý, còn thiếu nước ngọt, nhưng các cán bộ chiến sĩ vẫn trồng được rau xanh tốt như thế này. Tôi được biết toàn bộ rau trên Nhà giàn này đều trồng theo quy trình kĩ thuật công nghệ cao, dùng phân hữu cơ, rau sạch hoàn toàn, có thể ăn luôn tại vườn”.
Ông Trần Văn Khôn, đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ: “Khi được tận mắt nhìn những vườn rau do cán bộ chiến sĩ trồng trên đảo Trường Sa và Nhà giàn khiến tôi rất khâm phục. Tôi cũng từng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, nhưng khi ra đây thấy các chiến sĩ trồng rau giỏi như những kỹ sư nông nghiệp, thậm chí các anh nói vanh vách về các loại sâu bệnh và cách phòng trừ rành rọt như chuyên gia thì hay quá. Tôi rất trân quý sự sáng tạo của các chiến sĩ Trường Sa, đã vượt qua mọi khó khăn để trồng được tất cả các loại rau như trong đất liền”.
Trong chuyến ra đảo lần này, IAS cũng đã mang theo nhiều loại hạt giống rau, cây ăn trái và phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật để chuyển giao giúp cán bộ chiến sĩ biết cách phòng chống sâu bệnh cho rau cũng như nhiều loại cây trồng trên các đảo.
Cùng với sự hỗ trợ của IAS, nhiều năm qua, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146 cũng đã huy động các doanh nghiệp, địa phương ủng hộ xây dựng được 13 vườn rau, nhà lưới ở các đảo nổi và đầu tư củng cố hàng chục vườn rau tại các đảo chìm…
Ông Ngô Xuân Chinh (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) đánh giá: “Thực tế các vườn rau tại các đảo trên quần đảo Trường Sa cũng như Nhà giàn DK1 đều được các chiến sĩ chăm sóc rất tốt và áp dụng đúng quy trình kĩ thuật chuyển giao. Tại Nhà giàn DK1-21 có đến trên 30 chủng loại rau. Chúng tôi đánh giá cao về rau ngoài này, thậm chí có đảo năng suất còn cao hơn so với trồng trong đất liền. Cụ thể như trên Nhà giàn KD1-21, mỗi khay rau 40x40cm hiện bộ đội thu được khoảng 3kg rau. Một số giống rau mùi vị còn thơm hơn so với trồng trong đất liền.
Theo ông Chinh, đến nay, các đảo, nhà giàn đã xây dựng được 6 nhà lưới công nghệ cao với tổng diện tích 1.200m2. Mô hình xây dựng nhà lưới để sản xuất rau xanh quanh năm trên đảo cho năng suất cao, bước đầu đã đáp ứng được 70 - 90% nhu cầu rau xanh tại chỗ cho các đảo Đá Tây A, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông.
“Từ năm 2019 đến nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) tiếp tục triển khai các dự án xây dựng và chuyển giao một số mô hình cây trồng, vật nuôi ra quần đảo Trường Sa. Cải tạo, nâng cấp các vườn rau hiện có tại các đảo nổi, chuyển giao mô hình nhà kính, nhà màng trồng rau công nghệ cao trên các đảo Đá Tây, Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông…
Riêng 2 vườn rau nhà lưới tại đảo Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông với diện tích 400m2 do IAS hỗ trợ đã mở ra ý tưởng mới về trồng rau nhà màng công nghệ cao, bảo đảm nguồn rau xanh quanh năm ở Quần đảo Trường Sa trong thời gian tới”, ông Ngô Xuân Chinh cho biết.