| Hotline: 0983.970.780

Người làm chè sạch đất Thái Nguyên

Thứ Sáu 21/05/2010 , 10:41 (GMT+7)

Trở về từ Đài Loan, chị Hương tích lũy được số vốn hơn trăm triệu đồng, cộng kiến thức vững về chế biến chè sạch, chị trăn trở tìm cách áp dụng công nghệ chế biến trà chân không.

Người sành uống trà đất Thái Nguyên, bây giờ thường nhắc đến chè Vạn Tài ở xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên. Đó là loại chè không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn đứng vững ở thị trường nhiều nước, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Phúc Thuận... 

Công nhân cty chè Vạn Tài đang thu hoạch nguyên liệu tại vườn chè sạch

Học được nghề làm chè sạch

Năm 2001, chị Nguyễn Thị Hương, xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Đến Đài Loan, chị Hương may mắn có việc làm ngay, công việc chính là chăm sóc một bệnh nhân ung thư tại một bệnh viện lớn ở thành phố Đài Bắc. Người quê, việc phố lại bất đồng ngôn ngữ, khó khăn trăm bề. Nhưng sẵn bản chất chịu khó, thật thà, nên chị được người nhà bệnh nhân quí mến. Khi biết ở quê chị cũng trồng chè, họ đã biếu chị một gói chè uống gọi là đỡ nhớ quê và tỉnh táo túc trực bệnh nhân. Cầm túi trà ở xứ người, mẫu mã đẹp, uống có vị ngọt mát, không chát đắng như chè ở quê, chị đã nghĩ phải hỏi cho được cách làm chè nơi xứ người này.

Thế là, ngoài giờ chăm sóc bệnh nhân, chị tự học tiếng. Được vài tháng, cũng có chút vốn ngoại ngữ và thân thiện với người nhà bệnh nhân, chị quan tâm hỏi chuyện về cách chế biến chè. Họ nhiệt tình, mua sách, đĩa hình dạy cách làm chè, pha chè, chăm bón chè sạch giúp chị… Từ đó chị vỡ ra nhiều điều mới lạ. “Từ lâu rồi, người Đài Loan đã trồng chè sạch, không phun thuốc trừ sâu và áp dụng công nghệ chế biến chè ép chân không, sản xuất chè theo công nghệ này có thể để được hai năm vẫn còn nguyên vẹn hương vị”, chị Hương nói. Thấy chị Hương say mê với cách làm chè chân không và mong muốn học được nghề để sau này còn về quê lập nghiệp, gia chủ tiếp tục tạo điều kiện giới thiệu chị đến tham quan một số mô hình triển lãm thiết bị chế biến và nơi sản xuất chè tại Đài Loan.

Mỗi lần được gia chủ tạo điều kiện tiếp cận, chị đều ghi chép tỷ mỷ từ địa chỉ, số điện thoại của nơi bán thiết bị, đến sách hướng dẫn từng công đoạn lắp đặt, vận hành máy, cách chế biến và phương pháp tạo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất…, với hy vọng khi về nước sẽ áp dụng cho cây chè quê hương mình.

Những sản phẩm chè sạch đầu tiên

Ngày trở về, chị Hương tích lũy được số vốn hơn trăm triệu đồng, cộng kiến thức vững về chế biến chè sạch, chị trăn trở tìm cách áp dụng công nghệ chế biến trà chân không. Khi nghiên cứu kỹ thị trường trong nước, chị quyết định quay lại Đài Loan mua máy ép chân không với giá 7.000 USD về làm thử nghiệm. Ban đầu, chị mua mấy tấn chè tươi đủ chủng loại về chế biến thử, nhưng đều thất bại, hương vị không giống chè của Đài Loan. “Nguyên nhân thất bại là do nguyên liệu đầu vào không sạch”, chị Hương nói.

Còn chút vốn, chị quyết lập Cty TNHH Vạn Tài. Công ty ra đời đã may mắn được vay vốn của Trung ương Đoàn là 350 triệu đồng. Có vốn, chị tuyển gấp 50 nhân công thuộc nghề làm chè và liên hệ với chính quyền xã, huyện, tỉnh để xây dựng mô hình chè sạch Vạn Tài. Chị mua lại trang trại chè 5 năm tuổi để sản xuất nguyên liệu và trồng chè cành giống mới như LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, TRI777…, đồng thời ký hợp đồng cam kết giúp nhiều hộ nông dân trong vùng về qui trình chăm sóc chè sạch để thu mua nguyên liệu. Từ việc nhận thu mua 500ha nguyên liệu chè sạch của bà con trong xã Phúc Thuận đã làm nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến. Vừa sản xuất, vừa tích luỹ vốn và kiến thức.

Khi làm giúp việc gia đình tại Đài Loan, chị Nguyễn Thị Hương được Thị trưởng thành phố Đài Bắc tặng bằng khen lao động ưu tú (Giải thưởng cho lao động người nước ngoài tại Đài Loan). Khi làm thành công thương hiệu vùng chè sạch Phúc Thuận, cuối năm 2008 Nguyễn Thị Hương đã được nhận Giải thưởng Lương Đình Của, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng, và Cúp Vàng vì Nông dân Việt Nam do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Đầu năm 2008, Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tiên cho sản phẩm đạt chất lượng sạch cho công ty Vạn Tài. Có vùng nguyên liệu và thương hiệu, chị sản xuất chủ yếu hai loại trà Ô Long và Hồng Trà. Nhờ mối quen biết từ khi làm giúp việc cho gia đình ở Đài Loan, cuối năm 2008 chị xuất một lô hàng chè sạch sang thị trường này. Thật bất ngờ, ngay từ lô hàng đầu tiên, chè của chị đã được thị trường Đài Loan chấp nhận, đem lại lợi nhuận cả tỷ đồng. Chủ hàng tiếp tục ký hợp đồng mới.

Tiếng lành đồn xa, thế là hai thương hiệu chè Ô Long và Hồng Trà của Cty Vạn Tài ngoài thị trường chính là Đài Loan, còn được thị trường: Anh, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chị Hương cho biết, chè Ô Long, Hồng Trà mặc dù giá bán từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/kg vẫn không đủ bán, trong khi chè bình thường ở Thái Nguyên chỉ bán với giá từ 50 đến 100 nghìn đồng/kg vẫn khó bán.

Biết giữ thương hiệu “ngon - sạch”, chè Vạn Tài ngày càng đến với đông đảo khách hàng gần xa, đem lại lợi nhuận tốt cho công ty và việc làm ổn định quanh năm cho 50 lao động, với mức lương 1,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, chị Hương đã ký hợp đồng xuất bán 30 tấn chè thành phẩm cho khách hàng khó tính trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỷ đồng, tạo niềm tin cho nông dân tại huyện Phổ Yên tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu chè sạch, góp phần mở ra hướng đi mới cho đất chè Thái Nguyên

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.