| Hotline: 0983.970.780

Người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến

Thứ Hai 18/05/2020 , 09:10 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày có đến hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp rất đông. Ảnh: Kim Sơ.

Người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp rất đông. Ảnh: Kim Sơ.

Do đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa luôn trong tình trạng quá tải. Để giải quyết các hồ sơ kịp thời cho người lao động, cán bộ, nhân viên trung tâm phải làm thêm ngoài giờ hành chính, kể cả ngày nghỉ...

Ngày 15/5, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa (Sở LĐ-TBXH Khánh Hòa) chứng kiến rất đông người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong số những lao động đến đây có anh Nguyễn Ngọc Tiến (phường Vĩnh Hải) đang ngồi trước cổng đợi Trung tâm mở cửa làm việc. Anh Tiến cho biết, sau khi Chính phủ nới lỏng cách ly xã hội, những ngày trước anh có đến Trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng do quá nhiều người đến đăng ký nên chưa làm được. Vì vậy, sáng nay anh quyết tâm đến sớm hơn 7 giờ để đợi bốc số thứ tự tránh mất lượt lần nữa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đúng 7 giờ sáng khi Trung tâm mở cửa làm việc đã có hàng trăm người lao động ùa vào lấy số thứ tự. Đến khoảng 8 giờ, các số thứ tự đã được Trung tâm phát hết phát hết cho người lao động. Đối với những người tới sau chỉ được nhân viên Trung tâm hướng dẫn cách làm thủ tục, hồ sơ để gửi qua đường bưu điện hoặc hẹn đến chiều và sang ngày hôm sau mới có thể giải quyết được.

Đang ngồi chờ đến được giải quyết hồ sơ, chị Nguyễn Thị Ly (43 tuổi), ở xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang cho biết, chị có hơn 5 năm làm công việc buồng phòng tại một khách sạn 4 sao trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 nên đầu tháng 2/2020, chủ khách sạn đã quyết định tạm đóng cửa, đồng nghĩa gần 100 lao động, trong đó có chị phải chấm dứt hợp đồng.

Chị Ly cho biết, từ khi mất việc đến nay chị chưa kiếm được việc làm. Ngay cả khách sạn cũ cũng chưa mở cửa hoạt động trở lại, để các nhân viên nộp còn hồ sơ.

Do đó, trước mắt chị đến trung tâm để làm thủ tục lãnh trợ cấp thất nghiệp, rồi tính chuyện xin việc làm sau. Tuy nhiên chị không ngờ lại rất đông người cùng cảnh ngộ như mình đến làm thủ tục.

“Tôi đã đợi hơn 2 tiếng rồi nhưng vẫn còn hàng chục người nữa mới đến lượt”, chị Ly bộc bạch.

Số lượng lao động đến làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến so với cùng kỳ. Ảnh: Kim Sơ.

Số lượng lao động đến làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến so với cùng kỳ. Ảnh: Kim Sơ.

Tương tự, anh Trương Thiết Minh, ở phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang), một nhân viên làm tại khách sạn ở khu du lịch Sông Lô, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) cũng mất việc từ đầu tháng 3 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Anh Minh cho biết, đây là lần thứ 2 anh đến trung tâm để làm thủ tục hưởng trợ cấp. Tuy nhiên anh thấy số người đến lần này nhiều hơn so với lần trước. Vì vậy việc người lao động buộc chờ lâu đến lượt làm thủ tục là điều không tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa xác nhận, thời gian qua trung tâm rơi vào tình trạng quá tải mặc dù đã huy động toàn bộ nhân viên gồm 30 người để tiếp nhận, giải quyết thủ tục, hồ sơ cho người lao động.

Ông Khả cho biết, các hồ sơ đăng ký làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm nhận tăng đột biến bắt đầu từ tháng 3 đến nay. Theo đó, lũy kế hơn 4 tháng đầu năm trung tâm đã tiếp nhận khoảng 10.000 hồ sơ.

Cao điểm từ ngày 1/4 đến ngày 8/5, Trung tâm nhận khoảng 6.700 hồ sơ bao gồm nhận qua bưu điện và nhận trực tiếp. So với tháng 3 và năm 2019, trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ nên việc giải quyết các thủ tục diễn ra nhanh chóng.

Để giải quyết khối lượng công việc lớn như trên và cập nhật tình trạng khai báo việc làm của người lao động, Trung tâm đã huy động toàn bộ nhân lực tăng giờ làm và đi làm cả ngày nghỉ, lễ vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, cho biết hơn 4 tháng đầu năm 2020, trung tâm nhận 10.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, cho biết hơn 4 tháng đầu năm 2020, trung tâm nhận 10.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Kim Sơ.

 “Ngay cả tôi cũng hỗ trợ anh em bóc tách hồ sơ, Thứ 7 và Chủ nhật đều đến cơ quan để giải quyết hồ sơ nhằm đảm bảo người lao động được hưởng chế độ chính sách kịp thời sau 20 ngày làm việc. Tuy nhiên, nếu tính thêm các ngày nghỉ thì sau gần 30 ngày người lao động sẽ được nhận chế độ”, ông Khả bộc bạch và mong muốn người lao động thông cảm, chia sẻ do phải giải quyết một lượng lớn hồ sơ, không tránh khỏi việc công dân phải chờ đợi.

Để giảm tải và hạn chế tập trung đông người, trung tâm đã hướng dẫn các bước cho người lao động làm thủ tục, hồ sơ gửi qua đường bưu điện để tránh phải chờ đợi lâu và được trả kết quả tại nhà. Bởi hằng ngày, trung tâm tiếp nhận hồ sơ có hạn nên việc người lao động gửi hồ sơ qua đường bưu điện là một giải pháp cần thiết.

Người lao động chuẩn bị giấy tờ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Sổ BHXH.

Bên cạnh đó, khi người lao động đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp cần mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân bản sao và bản chính để đối chiếu.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.