Thiệt hại nặng nề
Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 hiện nay chắc chắn sẽ còn gây ra những tác động và thiệt hại to lớn cho thị trường lao động lớn hơn nhiều so với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu cách nay một thập kỷ.
Trả lời phỏng vấn hãng Euronews, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: "Trong hai năm 2008-2009, thị trường lao động quốc tế đã chứng kiến sự biến mất của khoảng 22 triệu việc làm trên khắp thế giới. Nhưng chúng tôi dự báo trong vòng ba tháng tới, cụ thể là cuối quý hai này sẽ có chừng 195 triệu việc làm trên toàn cầu bị mất. Chính vì vậy, tôi đánh giá đây sẽ là một thảm họa việc làm tồi tệ nhất trong lịch sử khi thế giới mà chúng ta đang sống cứ mỗi bốn trong số năm người lao động ở nhiều quốc gia đang ở trong tình trạng bị phong tỏa từng phần hoặc toàn bộ để phòng tránh đại dịch bệnh coronavirus".
Báo cáo mới nhất của định chế việc làm trực thuộc Liên Hợp quốc cho biết, “hiệu ứng phong tỏa domino” hiện nay cùng với các lệnh hạn chế đi lại đang ảnh hưởng trực tiếp đến gần 2,7 tỷ nhân công trên toàn thế giới và tác động gián tiếp tới khoảng 81% lực lượng lao động toàn cầu.
Trong số này có tới 1,25 tỷ người lao động, tương đương 38% lực lượng lao động toàn cầu nằm trong diện đặc biệt dễ bị tổn thương. Số này chủ yếu đang làm việc trong khu vực khách sạn, nhà hàng, bán lẻ và sản xuất, những ngành nghề đã bị sụt giảm năng suất nghiêm trọng.
Nghiên cứu của ILO cũng cho biết, châu Mỹ và châu Âu là hai lục địa có tỷ lệ người lao động nhiều nhất nằm trong các lĩnh vực rủi ro cao này và phải hứng chịu nhiều cú sốc từ thị trường lao động hơn, nhưng ngược lại họ cũng được bảo hiểm xã hội cao hơn. Ngoài ra, trên toàn thế giới đang có khoảng 2 tỷ người làm việc trong các khu vực phi chính thức, chủ yếu ở các nền kinh tế đang phát triển lại càng khiến họ lâm vào tình thế đặc biệt rủi ro.
Về giải pháp, ông Ryder kêu gọi chính phủ các nước hãy thực hiện từng bước để hỗ trợ nền kinh tế và giữ công ăn việc làm cho người dân. Hiện nhiều quốc gia đã lần lượt công bố các gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ốm yếu và thuyết phục họ giữ chân công nhân, bất chấp khủng hoảng.
Pháp và Đức là hai nền kinh tế lớn tại châu Âu đều khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện cơ chế giãn việc từng phần nhằm giảm sốc thay vì cắt giảm cái rụp, đồng thời nhà nước cũng có chính sách đền bù, chi trả cho từng nhóm đối tượng người lao động khác nhau.
Trước đó, Ủy ban Châu Âu cũng cam kết hỗ trợ các sáng kiến như trên và hứa sẽ tăng thêm 100 tỷ euro để giúp đỡ lực lượng lao động trong khối. Tuy nhiên hiện giữa các quốc gia thành viên liên minh cũng đã nảy sinh bất đồng xung quanh vấn đề phát hành cái gọi là “trái phiếu coronabonds", từ nguồn vay mượn giữa các nước thành viên để chống khủng hoảng.
Tương lai bỏ lửng
Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều chính quyền cũng như các doanh nghiệp trên khắp thế giới phải chuyển đổi hình thức hoạt động sang làm việc từ xa, trực tuyến. Còn riêng đối với đội ngũ công nhân và người lao động, có rất nhiều người đang bị mắc kẹt ở nhà để coi sóc con cái- điều này được coi là một cú sốc thực sự đối với toàn hệ thống.
Khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm phổi này liệu có thể làm thay đổi hoàn toàn cung cách chúng ta làm việc hay không? Tổng giám đốc ILO cũng không dám lạm bàn cụ thể và đưa ra một quan điểm thận trọng.
"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều bị bất ngờ, không phải vì chúng ta không có khả năng làm việc dựa trên nền tảng kỹ thuật số hay phối hợp hoạt động từ xa mà điều chính yếu là cách thức chúng ta thực sự muốn như thế nào? Tôi cũng không dám chắc là mọi người thực sự muốn làm việc theo cách đó, bởi công việc là một phần xã hội nên rất khó có thể đi đến kết luận”, ông Ryder cho hay.