| Hotline: 0983.970.780

Người lao động làm sao ứng phó với sếp tồi ở công sở?

Thứ Tư 25/09/2024 , 19:09 (GMT+7)

Người lao động trong môi trường công sở luôn đối mặt nhiều áp lực, mà tương đối khó chịu nhất là không biết cách nào ứng phó với sếp tồi.

Tiến sĩ Michelle Gibbings.

Tiến sĩ Michelle Gibbings.

Người lao động thời nay dù đã được bảo vệ bằng những bộ luật nghiêm khắc về quyền lợi tài chính và quyền lợi nhân phẩm, nhưng vẫn thường xuyên chịu sức ép của thân phận làm thuê. Trong xu hướng hội nhập, các tiêu chí của người lao động ở các quốc gia được xây dựng khá tương đồng. Và một đặc điểm chung mà những nhà nghiên cứu xã hội học thống kê được, là người lao động luôn căng thẳng với cấp trên.

Một cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy 65% người lao động nghĩ rằng việc thoát khỏi sếp khiến họ trở nên hạnh phúc hơn cả việc được tăng lương. Một khảo sát khác tại Anh phát hiện có 40% người lao động cho rằng sếp của họ không thể làm tốt công việc của họ, 1/3 số người lao động nghĩ họ có thể tự hoàn thành công việc tốt hơn người quản lý của họ và 1/5 số người lao động cho biết điều tồi tệ duy nhất trong công việc của họ chính là người quản lý.

Nhìn chung, chất lượng của các mối quan hệ diễn ra trong môi trường công sở là nguyên nhân chính khiến mọi người có cảm giác khó chịu hoặc được truyền cảm hứng. Chẳng cần xem các kết quả nghiên cứu thì chúng ta cũng biết rằng mình sẽ thích đi làm hơn nếu được làm việc cùng những người mình thích và có mối quan hệ tốt đẹp với sếp. Thực tế, nhiều người trong chúng ta lại chẳng được làm việc trong một môi trường vui vẻ, thậm chí là phần lớn mọi người đều đã hoặc đang làm việc với một người sếp tồi.

Tiến sĩ Michelle Gibbings có hàng thập kỷ lãnh đạo và làm việc với hàng trăm thành viên đội nhóm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giám đốc điều hành cấp cao đến quản lý cấp trung của các tổ chức thuộc tư nhân lẫn chính phủ, cho rằng mối quan hệ giữa sếp với nhân viên sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc và văn hóa doanh nghiệp, cuối cùng gây ảnh hưởng đến thành tích chung của tổ chức. Những người sếp tồi thường gây tác động tiêu cực đến năng suất và mức độ gắn bó của nhân viên, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao và khó thu hút được các ứng viên có năng lực phù hợp vào đội ngũ của mình.

Với mong muốn hướng đến một thế giới công sở hạnh phúc hơn, tiến sĩ Michelle Gibbings đã chắt lọc những kinh nghiệm xương máu của mình vào cuốn sách “Sếp tồi” (tựa gốc: “Bad Boss”). Toàn cảnh về môi trường công sở được thể hiện thông qua ba vai trò: làm việc cho một người sếp tồi, quản lý một người sếp tồi và chính mình là một người sếp tồi.

Trong các tổ chức, mọi người kết nối với nhau – thông qua các mối quan hệ, cơ cấu thứ bậc, quy trình làm việc, vai trò, quyết định và trách nhiệm – tạo nên một hệ thống tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Các vị sếp cũng như các nhân viên không làm việc đơn độc. Những kết nối giữa họ và cách họ cảm nhận, trải nghiệm cũng như quản lý các áp lực lẫn kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Hành động của bất kỳ cá nhân nào trong hệ thống cũng sẽ tác động và tạo ra các kết quả tích cực hoặc tiêu cực đến những người còn lại. Những tác động dây chuyền này có thể gây ra ảnh hưởng nhẹ nhàng hoặc sâu sắc, tùy thuộc vào mức độ tác động. Bạn càng gây áp lực lên hệ thống này thì phản lực quay trở lại bạn sẽ càng lớn.

Về cơ bản, không ai muốn mình bị gắn mác “sếp tồi” hay cố tình trở thành một người sếp tồi, chỉ là họ chưa có điều kiện hay chưa biết cách để làm tốt hơn mà thôi. Nếu bạn đang ở vai trò quản lý, cần biết cách xác định những điểm còn thiếu sót nơi bản thân, tạo ra các chiến lược phù hợp nhằm cải thiện khuyết điểm.

Khả năng lãnh đạo không được thể hiện qua chức danh hay quyền hạn, mà chính là vai trò của bạn trong tập thể. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất biết rằng để thành công, họ phải cân nhắc nhu cầu và mục tiêu của “chúng tôi” chứ không chỉ của “tôi”. Họ biết rằng điều quan trọng nhất không phải là bản thân họ mà là tập thể và những gì tập thể cần.

Tiến sĩ Michelle Gibbings nhận định: “Mỗi chúng ta là một cá nhân độc nhất và điều đó nghĩa là mỗi nhà lãnh đạo cũng là một cá nhân độc nhất. Các hành động cần thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo của bạn sẽ khác với những gì mà mọi người xung quanh bạn có thể cần phải làm. Thế nên bạn cần tạo ra một quyển cẩm nang của riêng bạn, trong đó viết đầy các chiến lược cũng như chiến thuật có thể giúp bạn đạt được vị thế lãnh đạo tốt nhất với tính chính trực, sự chân thực và lòng can đảm”.

Cuốn sách 'Sếp tồi' vừa được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam.

Cuốn sách "Sếp tồi" vừa được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam.

“Sếp tồi” không nhằm chỉ trích hay phê phán bất kỳ ai, mục tiêu chính của cuốn sách là mang đến sự thay đổi hiệu quả và tích cực cho môi trường công sở. Bởi lẽ, khi người quản lý hình dung được câu chuyện đời thực về các nhân viên thì sẽ thay đổi phương pháp lãnh đạo nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng tốt hơn.

Nhìn chung, việc tạo ra một môi trường nơi nhân viên và lãnh đạo có thể phát triển mạnh mẽ là nỗ lực của cả tập thể. Vậy nên bất luận vai trò là nhân viên, sếp hay lãnh đạo, sếp của sếp hay lãnh đạo của lãnh đạo, đều phải nghiêm túc xem xét mình trong guồng máy của tổ chức và chủ động làm những gì cần thiết để cải thiện các mối quan hệ tại nơi làm việc.

Bởi lẽ, người lao động và người quản lý đều được thụ hưởng thành tựu chung. Người ta không thể chiến thắng trận đấu nếu chỉ nhờ vào nỗ lực của một cá nhân, mà mỗi cá nhân đều đóng một vai trò riêng biệt và chính nỗ lực chung của cả tập thể đã tạo nên thành công.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất