| Hotline: 0983.970.780

Người mở đường bay lịch sử ra thế giới

Thứ Sáu 19/02/2021 , 07:17 (GMT+7)

Chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Manila, đánh dấu giai đoạn mới trong hợp tác quốc tế hàng không Việt Nam.

Từ trái sang phải: ông Rudy Martel (em rể Tổng thống Marcos), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, ông Hạnh Nguyễn và Trợ lý của Chủ tịch Phạm Văn Đồng. 

Từ trái sang phải: ông Rudy Martel (em rể Tổng thống Marcos), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, ông Hạnh Nguyễn và Trợ lý của Chủ tịch Phạm Văn Đồng. 

Cánh cửa hội nhập

Ngày 9/9/1985, được xem là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hàng không giữa Việt Nam và Philippines, khi chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Manila, đánh dấu giai đoạn mới trong hợp tác quốc tế hàng không Việt Nam.

Chuyến bay số hiệu B-707, có 31 cán bộ ngành hàng không Việt Nam, phóng viên báo chí, do Tổng Giám đốc Cụm cảng hàng không miền Nam Phan Tương làm trưởng đoàn cùng 11 thành viên phi hành đoàn hạ cánh an toàn xuống sân bay Manila lúc 9 giờ 30 phút.  

Nhớ lại chuyến bay đầu tiên này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn còn nguyên sự bồi hồi, xúc động khi được đứng trong đoàn tiếp đón chuyến bay từ Việt Nam trên đất nước bạn.

“Khi máy bay do cơ trưởng Huỳnh Minh Bon đáp xuống sân bay, tôi nhìn thấy hai lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam phấp phới ở ô cửa sổ máy bay, lòng xúc động dâng trào khó diễn tả. Tự nhiên lúc ấy nước mắt tôi cứ chảy dài, tôi và ông Lưu Đình Vệ (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines lúc đó) đã ôm nhau khóc vì quá hạnh phúc”. 

Cảm xúc dâng trào vui mừng của Johnathan Hạnh Nguyễn và ông Lưu Đình Vệ đã phần nào nói lên hàm nghĩa cả về độ khó của chuyến bay trong bối cảnh Việt Nam đang bị bao vây cấm vận.

Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 1984, khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang làm Thanh tra Tài chính cho hãng Boeing ở Mỹ thì nhận được điện thoại từ Văn phòng Đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc mời về Việt Nam.

Quá bất ngờ vì đây là cơ hội được về thăm lại quê hương sau nhiều năm xa cách, ông lập tức thu xếp đưa vợ và các con về nước đúng vào dịp Tết Dương lịch năm 1985.

Sau khi về thăm Việt Nam, ông được lãnh đạo Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) (nay là Văn phòng Chính phủ) gọi đến để bàn chuyện kết nối mở đường bay quốc tế cho Việt Nam. “Trong cuộc gặp, lúc đầu mới nghe, tôi thấy vấn đề này lớn lao quá, sẽ không dễ dàng gì vì đất nước đang bị cấm vận. Nhưng sau một lúc suy nghĩ tôi đã hứa với Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng: Cháu sẽ cố gắng hết sức”, ông Hạnh nhớ lại.   

Mọi cánh cửa tưởng chừng đã bị đóng lại, nhưng ông không bỏ cuộc, bằng quyết tâm thực hiện lời hứa với Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng. Ông đã trao đổi rất nhiều lần với các nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Dù có khó khăn nhưng các anh cứ chuẩn bị hồ sơ đầy đủ đi, còn lại để tôi tiếp tục tìm cách”.

Nói là làm, ông bắt tay ngay vào việc hoàn thiện thủ tục xin mở đường bay và chủ động thành lập Công ty PHL vào ngày 22/5/1985 (để có tư cách pháp nhân thuê máy bay). Đến tháng 8/1985, ông đã ký được hợp đồng thuê máy bay B-707 với Vietnam Airlines. Tháng 9 năm đó, ông quyết định việc “khác người”, đó là bán hết nhà cửa, xin nghỉ việc và giải quyết tất cả các công việc còn lại ở Mỹ để về Philippines sinh sống và tập trung lo mở đường bay.   

Thử thách lớn nhất, quyết định đến việc có thể mở được đường bay hay không, đó là xin giấy phép bay từ Tổng thống Ferdinand Marcos. Nhờ vào các mối quan hệ được tạo dựng bấy lâu với các nhà chức trách, lãnh đạo Philippines, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tìm cách xin gặp Tổng thống Marcos.

Sau nhiều lần hẹn không thành, tối 4/9/1985, ông Hạnh cùng ông Trần Tiến Vinh, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines vào Phủ Tổng thống.

Ngay ở cổng, ông gặp bà Rita, Trợ lý và cũng là em vợ Tổng thống, ông Hạnh đưa hồ sơ nhờ bà trình hộ, nhưng bà từ chối.

Không còn cách nào khác, ông chỉ còn một cách “liều” là vào phòng gặp trực tiếp Tổng thống. Sau ít phút trình bày, rất may, Tổng thống Marcos đã đồng ý ký vào hồ sơ. “Đầu óc tôi lúc đó bay bổng vui sướng, nhưng hai chân không không nhấc lên nổi để bước ra khỏi phòng. Rời khỏi căn phòng đó tôi chạy như bay...”, ông Hạnh kể lại trong niềm vui sướng.

Mở được đường bay từ TP Hồ Chí Minh đến Manila là sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng vì thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Vietnam Airlines mới chỉ bay đến được một số nước như Trung Quốc, Liên Xô, Lào…

Riêng đường bay TP Hồ Chí Minh - Manila là điểm kết nối mới với nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là thời điểm mở ra cánh cửa ngoại giao mới, cánh cửa giao lưu, hợp tác thương mại với các nước trên thế giới.

Ngay thời điểm đó, những chuyến bay nội địa cũng không bay thường xuyên. Do vậy, có được đường bay thẳng ra nước ngoài vào những năm ấy được xem là một cơ hội quý. Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ, để thực hiện thành công sự kiện mở đường bay này là nhờ nỗ lực của các cơ quan nhà nước và ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Bên cạnh đó có phần đóng góp tích cực và quan trọng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. “Sự đóng góp đó là cả một quá trình, thể hiện tình cảm và tấm lòng của một Việt kiều yêu nước, luôn hướng về và mong muốn góp phần xây dựng, phát triển quê hương”, ông Minh khẳng định.

Chào mừng chuyến bay B-707 hạ cánh thành công tại Manila, Philippines. 

Chào mừng chuyến bay B-707 hạ cánh thành công tại Manila, Philippines. 

Gian nan

Đường bay đã mở, nhưng trên thực tế, trong những năm đầu vận hành, việc duy trì một ngày một chuyến bay đi và về không hề dễ dàng chút nào, bởi khoản đầu tư khá lớn, trong khi nguồn thu không bảo đảm.

Theo tính toán, bình quân chi phí để thuê mỗi chuyến bay hết 32.000 USD, mỗi tháng, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn phải bỏ ra 960.000 USD. Chỉ tính riêng trong hai năm, ông thua lỗ khoảng 5 triệu USD.

“Con số này lúc đó rất lớn, các đồng chí lãnh đạo Trung ương thấy tình thế khó khăn quá, sợ tôi nản lòng. Ban Việt kiều Trung ương đã liên lạc với các cơ quan của mình ở các nước, chủ yếu từ Mỹ, Canada… gom hàng hóa để chuyển về Philippines. Cùng với nhiều cách làm khác nhau, sau hơn một năm, hàng hóa trên các chuyến bay của tôi đã tốt hơn nhiều”, ông Hạnh hồi tưởng về thời điểm vô cùng gian nan ấy.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, động lực lớn nhất khiến ông quyết tâm mở đường bay từ TP Hồ Chí Minh đi Philippines xuất phát từ trăn trở phải tổ chức được những chuyến bay để vận chuyển hành khách đi lại thuận lợi, chiều về chuyên chở những tấn hàng rất đặc biệt như thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm… bởi lúc đó trong nước đang rất thiếu thốn, khó khăn.

“Ðại hội lần thứ VI của Ðảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 15 đến 18/12/1986 tại Hà Nội công bố đổi mới về kinh tế. Nhưng để chuẩn bị cho bước chuyển đổi quan trọng đó, cần phải có những thể nghiệm như mở đường bay, thúc đẩy giao lưu thương mại, hàng hóa... Vậy nên, tôi cảm thấy rất hân hạnh và xúc động khi được góp phần vào quá trình đưa nền kinh tế đất nước mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới”, ông Hạnh chia sẻ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường bay kết nối với Philippines, ông Hạnh Nguyễn đã được gặp lại Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng. Ông Hạnh nhớ lại: “Tại cuộc gặp, bác Phạm Văn Đồng nói: Cảm ơn con, đất nước ghi công con”. Sau cuộc gặp đó, phần thưởng mà ông nhận được hết sức vinh dự chính là Bộ Ngoại giao đã quyết định cấp hộ chiếu Việt Nam và giấy thông hành cho cả gia đình của ông thuận tiện đi lại.

Sau khi gặp Chủ tịch HĐBT, ông Hạnh còn có dịp gặp Phó Chủ tịch HĐBT Trần Quỳnh. Tại cuộc gặp này, Phó Chủ tịch Trần Quỳnh nắm chặt tay dặn dò: “Bác dặn con hai điều: Thứ nhất, khi làm ăn ở Việt Nam con phải kiên nhẫn, kiên trì, không được bỏ cuộc. Thứ hai, làm ăn ở Việt Nam con phải làm đúng pháp luật, đúng quy định thì Đảng, Nhà nước chính quyền, nhân dân sẽ bảo vệ con”, ông Hạnh nhớ lại.  

Lời căn dặn này luôn ghi khắc trong trái tim ông Hạnh trong cả những lúc khó khăn nhất và cũng là kim chỉ nam giúp ông thành công hơn qua mỗi chặng đường cũng như gặt hái được trái ngọt như ngày hôm nay.

Phi hành đoàn chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam sang Philippines.

Phi hành đoàn chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam sang Philippines.

“Ngày 29/8/2011 và ngày 2/3/2015, Thủ tướng Phan Văn Khải đã viết thư tay gửi đến Bộ Ngoại giao, Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, trong đó có đoạn: “Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một Việt kiều yêu nước, đã về nước đầu tư từ những năm 1980. Từ năm 1980, ông Hạnh Nguyễn đã tổ chức nhiều chuyến đi từ TP Hồ Chí Minh thăm Philippines, trong đó có tôi. Ông Hạnh Nguyễn có công lớn mở đường bay TP Hồ Chí Minh - Manila”.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.