| Hotline: 0983.970.780

Người Mông 'nuôi bò trên lưng' thoát nghèo

Chủ Nhật 14/07/2019 , 13:37 (GMT+7)

Tỉnh Hà Giang đang nỗ lực xây dựng thương hiệu bò vàng đặc sản, thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương phát triển.

Theo báo cáo Sở NN-PTNT Hà Giang, bò vàng nơi đây có thân hình cao to, cân đối, màu lông chủ yếu là màu vàng tơ, số ít có đỏ hung, màu cánh gián. Bò vàng Hà Giang đã có từ lúc cộng đồng cư dân người Mông đầu tiên đến và cư trú trên các bản làng nơi đây khoảng hơn 300 năm trước. 

Ở miền xuôi, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, còn với người Hà Giang, con bò vàng biểu trưng cho sức mạnh, vị thế và sự giàu có của gia chủ.

Đến nay tỉnh Hà Giang có 115.000 con bò vàng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, cho biết, hiện toàn tỉnh Hà Giang có 115.000 con bò. Giống bò vàng bản địa đang nằm trong danh sách bảo tồn nguồn gen quý do có các đặc điểm chịu được điều kiện khắc nghiệt của vùng cao núi đá như khí hậu lạnh giá của mùa đông, địa hình hiểm trở, độ dốc cao, đặc biệt là khan hiếm nước, nhất là vào mùa khô và thiếu thức ăn.

Với sức vóc to lớn, trọng lượng bò đực trưởng thành có thể đạt trên 500kg, cá biệt có con nặng gần 800kg. Bò vàng cho năng suất thịt tốt, đạt tỷ lệ thịt xẻ từ 50 đến trên 52%. Thịt bò có đặc điểm mềm và thơm ngon hơn so với nhiều loại thịt bò khác, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng…

Ở Hà Giang, việc nuôi bò “trên lưng” đã trở thành thương hiệu của mảnh đất cao nguyên đá. Giữa vùng đá núi với đặc điểm tự nhiên 3/4 diện tích là đá, địa hình chia cắt, thiếu đất canh tác và không thể chăn thả, người dân chỉ còn cách nuôi bò nhốt chuồng.

Để nuôi được bò, hằng ngày người dân phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ treo mình nơi triền đá, vực sâu, lượm từng ngọn cỏ, đùm lá rồi gùi trên lưng về làm thức ăn cho bò. Có lẽ cũng vì thế, cách ví đồng bào “nuôi bò trên lưng” là cực kỳ chính xác.

Nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm thịt bò vàng thơm ngon và dần khẳng định được thương hiệu.

Thôn Há Đề, xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn, thôn có 37 hộ đồng bào Mông. Đây cũng là thôn có phong trào “nuôi bò trên lưng” phát triển khá mạnh. Đến nay, trung bình mỗi hộ có 2 con bò vàng. Từ nuôi bò, nhiều hộ trong thôn có cuộc sống ấm no.

Chăn nuôi bò vẫn là hướng phát triển kinh tế chính của người dân xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn.

Hộ chị Giàng Thị Sùng có 4 con bò, tổng giá trị đàn bò ước trên 100 triệu đồng. Chị Sùng cho biết, để có thức ăn cho bò, hằng ngày các thành viên trong gia đình chia nhau lên núi kiếm cỏ gùi về làm thức ăn. Lên núi đá lấy cỏ cũng nhiều gian nan. Những ngọn núi đá téo mèo nhọn hoắt nếu không đi quen đường thì tai nạn như chơi, nhất là vào những hôm trời mưa trơn trượt. Ấy vậy mà bao năm nay, đàn bò nhà chị Sùng không bao giờ bị bỏ đói, vẫn béo tốt. Biết tin bò vàng đã được chính quyền tỉnh Hà Giang xây dựng Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, dân trong bản của chị Sùng nghe thế mừng lắm và sẽ yên tâm hơn để chăn nuôi và phát triển đàn bò.

Bà Đào Thị Lan Anh, Giám đốc Ban Điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang, đơn vị đồng triển khai xây dựng Chỉ dẫn địa lý thịt bò vàng Hà Giang cho biết, được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là cơ hội để người dân, các doanh nghiệp trên vùng cao nguyên đá nắm bắt cơ hội để có chiến lược, kế hoạch đầu tư, mở rộng hơn quy mô chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt bò, tạo ra chuỗi giá trị thịt bò Hà Giang mang thương hiệu mạnh. 

Tháng 5/2019, sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là kết quả sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn giống bò vàng vùng cao của tỉnh này. Chỉ dẫn địa lý cũng chính là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, phương thức sản xuất trước yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.