| Hotline: 0983.970.780

Người múa bút trên lá khô

Thứ Ba 28/08/2012 , 10:18 (GMT+7)

Cuối cùng, tôi cũng đã có dịp đến thăm cơ sở chế tác tranh của nghệ nhân Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang).

Cuối cùng, tôi cũng đã có dịp đến thăm cơ sở chế tác tranh của nghệ nhân Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang). Và dù đã nghe nhiều, nhưng khi tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của ông Tạng vẽ trên lá thốt nốt bằng “bút lửa”, tôi đã phải thốt lên: “Quá độc đáo”!

Khởi đầu khi... nghỉ hưu

Căn nhà số 48 Hùng Vương, đối diện chợ Thoại Sơn của ông Tạng khá rộng, nhưng tôi vẫn thấy nó chật chội. Trên tường treo kín các loại tranh, từ chân dung các vị lãnh tụ, tranh thủy mặc đến tranh đồng quê, ghi lại cuộc sống ở vùng Thất Sơn, phong cảnh của Việt Nam… Ở dưới nền nhà, ngoài 2 dãy bàn cho thợ ngồi làm việc, xung quanh ngổn ngang đồ dùng, thiết bị, nguyên liệu làm tranh.

Dù đã 70 tuổi, nhưng dáng vẻ còn khá nhanh nhẹn, ông Tạng kể: “Tôi chưa từng học ngày nào về hội họa cả. Nhưng ngay từ bé tôi đã mê vẽ. Hồi đó, tôi bị đòn hoài vì tội vẽ lên tập vở, không còn chỗ viết bài. Nhiều người thấy tôi vẽ đẹp nên khen, thế là tôi nảy ra ý định vẽ tranh bán. Vậy mà cũng phụ mẹ được chút đỉnh đấy”.



Ông Tạng và những tác phẩm nghệ thuật từ lá thốt nốt

Có năng khiếu vẽ nhưng nghề vẽ khi đó không thể khá được nên ông Tạng nghe lời ba mẹ thi vào đại học chuyên ngành kinh tế. Con đường công danh của ông khá thuận lợi khi ông làm đến chức giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn. Mặc dù vậy, “máu” nghệ sỹ vẫn chảy trong ông. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại vẽ.

Nói về “cơ duyên” vẽ trên lá thốt nốt, ông Tạng kể: “Thực ra, tôi từng sáng tác trên lá, nên đã thử ghép tranh trên lá thiên tuế, nhưng thấy màu sắc không đẹp, độ bền không cao. Rồi có lần đến thị trấn Óc Eo thăm một gia đình làm quạt bằng lá thốt nốt, tôi ngạc nhiên khi thấy loại lá này không chỉ dày, dai mà còn có màu trắng ngà rất sáng, đẹp. Lúc đó, chủ nhà lấy cho tôi xem chiếc quạt họ đan từ nhiều năm trước mà nó còn nguyên, và màu vẫn đẹp. Tôi nghĩ, chiếc quạt sử dụng hằng ngày, vạ vật khắp nơi mà không đổi màu bao nhiêu, chứng tỏ lá này rất bền. Tôi nung nấu ý định vẽ tranh trên lá thốt nốt từ đó, và mua một bó lá mang về nhà cất”.

Ông Tạng bắt đầu dành toàn bộ thời gian thực hiện niềm đam mê hội họa từ năm 2003, khi ông nghỉ hưu. Để có những tác phẩm ưng ý như hôm nay, ông Tạng đã mất 5 năm tự mày mò, thất bại và rút kinh nghiệm. Cuối cùng, sự kiên nhẫn và lòng đam mê đã thắng.

Ông cho biết: Sau nhiều lần thất bại, tôi mới rút được kinh nghiệm. Để có được bức tranh đẹp, yêu cầu đầu tiên là phải chọn được lá đẹp. Đó loại lá không non quá, cũng không quá già của cây thốt nốt già. Mang về phơi thật khô, ngâm phèn chua 1 ngày, lấy ra tiếp tục phơi khô rồi cắt thành từng sợi nhỏ. Lá thốt nốt dày, cứng, có cạnh sắc nên hồi đầu cắt, tay ông không lúc nào hết rướm máu.

Sau khi cắt xong, đến công đoạn dán lên nền là tấm nhựa mica đã phác thảo sẵn bức tranh. Cuối cùng, ông dùng “bút lửa” (cây hàn điện) để “vẽ”. Bức tranh có đẹp, có sinh động hay không là do bàn tay người cầm cây bút này.

Sau khi vẽ xong, khâu cuối cùng là đánh dầu bóng và xử lý mốc cho bức tranh. Cái độc đáo của tranh ông Tạng là màu sắc không phải do bút, màu vẽ, mà do nhiệt tạo ra. Cho nên, mỗi bức tranh chỉ có 3 gam màu chính là màu ngà tự nhiên của lá thốt nốt, màu đen và nâu, do cây bút điện nhấn nhá tạo nên. Nguyên tắc tạo màu đơn giản vậy, nhưng phải mất mấy năm ông Tạng mới tạo ra tông màu đậm nhạt theo ý muốn. Còn bây giờ, học trò của ông chỉ mất vài tháng đã học xong “bí kíp” này.

70 tuổi và 10.000 bức tranh

“Tâm hồn đẹp sẽ làm làm ra những thứ rất đẹp”. Nhìn những tác phẩm của ông Tạng, quả điều này không sai. Tác phẩm nghệ thuật của ông không lộng lẫy, kiêu sa, sang trọng như những bức tranh khảm đá quý, xà cừ, nhưng chúng lại toát lên cái đẹp của tâm hồn. Chúng khiến người xem thấy lòng mình dịu lại, thấy đâu đó trong tranh sự thân thương, gần gũi của quê hương, của tiên tổ.

Năm 2010, để kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong vòng một tháng (từ ngày 9/4 đến 9/5/2010), ông Tạng đã một mình thực hiện xong bức tranh vẽ "Bản di chúc của Bác Hồ" rộng 1,18m, cao hơn 2,05m. Bức tranh vẽ 2 mặt, mặt trước là toàn văn bản di chúc với nét chữ tròn chân phương. Mặt sau vẽ chân dung Bác dưới cánh sen, căn nhà của Bác ở làng Kim Liên, Bến Nhà Rồng, Bác đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" và Lăng Bác. Bức tranh được lồng trong khung gỗ quý, mỗi mặt đều có lớp kính dày 8mm bảo vệ.

“Công ơn của Bác với dân tộc Việt muôn đời chúng ta phải nhớ. Tôi muốn tỏ một chút lòng với Bác bằng bức tranh này”, ông Tạng nói.

"Tranh của Võ Văn Tạng không chỉ đảm bảo những nguyên tắc cơ bản về bố cục, hình khối và đường nét, mà còn khiến cho giới chuyên nghiệp nể về kỹ năng xử lý màu sắc. Sự tinh tế trong từng nét nhấn nhá, ông như nghệ sĩ múa "bút lửa" ra hàng trăm sắc thái trên nền "vàng nhạt nắng" của lá thốt nốt khô, tạo ra sự tương phản sống động trong từng chi tiết mà vẫn đảm bảo được tính logic và sự hài hòa trong tổng thể tác phẩm. Võ Văn Tạng xứng đáng với danh hiệu họa sĩ. Bởi không chỉ sáng tạo ra loại hình mới, tác phẩm của ông còn hàm chứa chiều sâu nội tâm, có sức sống", họa sĩ Dương Đình Chiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang.

Ở tuổi thất thập, tài sản lớn nhất ông có được là hơn 200 mẫu vẽ với đầy đủ các thể loại và hơn 10.000 bức tranh với đủ thể loại, như: Cuộc đời hoạt động và chân dung của các vị lãnh tụ Việt Nam, cảnh sinh hoạt nông thôn, thành thị, ảnh nghệ thuật, cung điện, hình ảnh các loài thú…

Chỉ tính riêng ảnh chân dung và hình ảnh sinh hoạt đời thường của Bác Hồ, ông Tạng đã có trên 1.000 tác phẩm. Năm 2010, ông Võ Văn Tạng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Người vẽ tranh bằng chất liệu lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”. Để có được bộ sưu tập mẫu mã đa dạng ông phải thường xuyên lên mạng sưu tầm, vác máy ảnh đi đây đi đó ghi lại những khoảnh khắc riêng biệt cho mình.

Mong muốn nghề vẽ tranh sẽ ngày càng phát triển hơn nên ngay khi đã chắc tay, ông Tạng bắt đầu nhận học trò về để truyền nghề. Đến nay, ông đã có gần 20 học trò. Đặc biệt, trong số học trò của ông Tạng có em Lê Thị Nhi, bị câm điếc bẩm sinh. Mới học nghề được một năm, nhưng đến nay, Nhi đã khá thuần thục với đôi bàn tay thoăn thoắt. Nhìn bên ngoài, khó có thể biết em bị câm điếc.

Ông Tạng bảo: “Ở đây còn mấy em nữa cũng bị dị tật đôi chân. Đến nay tụi nó đều làm được cả rồi. Thu nhập mỗi tháng cũng được từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Tôi sẽ quyết tâm dạy cho các cháu có cái nghề để sau này có thể tự lo cho mình được dù cơ thể khiếm khuyết. Đây cũng là mục tiêu thứ 2 của tôi sau quyết tâm vẽ tranh trên lá”.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.