| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi cá lồng trên sông Lô 'mắc cạn' vì thủy điện

Chủ Nhật 16/04/2023 , 09:25 (GMT+7)

Mấy ngày nay, người nuôi cá lồng tại HTX Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) gặp khó khăn khi mực nước sông Lô xuống thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nuôi.

Nhà máy thủy điện sông Lô 8B xả nước, khiến các lồng cá của hộ dân ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên bị mắc cạn. Ảnh: Đào Thanh.

Nhà máy thủy điện sông Lô 8B xả nước, khiến các lồng cá của hộ dân ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên bị mắc cạn. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bức xúc cho biết, những hộ nuôi cá lồng cần nhận được thông tin trước khi Nhà máy thủy điện sông Lô 8B xả nước để còn chủ động có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên đợt xả nước này kéo dài tới 5 ngày mà người dân không nhận được thông tin thông báo khiến mực nước tại khu vực nuôi cá lồng bị giảm xuống tới 2m, nhiều lồng nuôi bị mắc cạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường nuôi của cá. Nước cạn, dòng chảy không lưu thông, cùng với đó chất thải, rác mắc hết vào bờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của cá ở trong lồng nuôi.

Ông Bùi Văn Hườn, người nuôi cá lồng tại xã Thái Hòa, cho biết, mấy ngày qua nhà máy thủy điện sông Lô 8B vận hành xả nước không có lịch thông báo cụ thể khiến các hộ nuôi cá lồng gặp khó khăn. Do không nắm được lịch, người nuôi không chủ động đẩy các lồng cá ra khu vực nước sâu đảm bảo môi trường sinh trưởng, phát triển của cá. Riêng những lồng cá của gia đình ông Hường bị mắc cạn gần bờ, có lồng nhô lên 1/3 trên mặt nước, hiện nay chưa có cá chết, nhưng nếu mực nước tiếp tục xuống thấp thì tương lai chưa biết như thế nào.

Trước vấn đề mực nước sông Lô xuống thấp do thủy điện sông Lô 8B xả nước ảnh hưởng đến các hộ nuôi cá lồng, ông Nguyễn Đức Sơn, cán bộ quản lý tại Nhà máy thủy điện sông Lô 8B trả lời rằng, trong quá trình vận hành vào mùa khô nhà máy có văn bản thông báo về quá trình vận hành. Trước vấn để người nuôi cá lồng ở xã Thái Hòa không nhận được thông báo là lỗi của chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan, không có trách nhiệm thông báo với người dân. Phía Thủy điện sông Lô là doanh nghiệp nên không thể biết được những hộ nào nuôi cá lông trên sông.

Môi trường sống bị ảnh hưởng, người nuôi cá lồng ở Thái Hòa phải lắp thêm máy bơm, cùng hệ thống đường ống để tạo dòng chảy vệ sinh lồng cá. Ảnh: Đào Thanh.

Môi trường sống bị ảnh hưởng, người nuôi cá lồng ở Thái Hòa phải lắp thêm máy bơm, cùng hệ thống đường ống để tạo dòng chảy vệ sinh lồng cá. Ảnh: Đào Thanh.

HTX Sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên thành lập từ năm 2016. Trước đây HTX có 12 thành viên, nay chỉ còn 9 thành viên nuôi; số lượng lồng cá trước kia là 63 nhưng nay chỉ còn 53 lồng. Bên cạnh nguyên nhân việc nuôi cá đặc sản kỹ thuật khó, đầu tư lớn thì việc môi trường nuôi bị ảnh hưởng khiến nhiều hộ nuôi đã không còn mặn mà, đặc biệt từ khi nhà máy thủy điện sông Lô 8B vận hành đi vào hoạt động. Trong khi đó, việc nuôi cá chiên đặc sản đầu tư lớn mà môi trường không đảm bảo người nuôi sợ thua lỗ.

Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, khi 2 nhà máy thủy điện sông Lô 8A và 8B đi vào hoạt động, dòng chảy trên sông hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nuôi cá, nhất là môi trường sống của loài cá chiên cần nước xiết; nguồn thức ăn của cá chiên là tươi sống, do đó khi băm ra nước lặng thức ăn sẽ bi ôi hỏng rất nhanh khiến ảnh hưởng đến môi trường nước.

Trước khó khăn, các thành viên HTX cá chiên Thái Hòa đã khắc phục bằng cách đầu tư mua 1 máy bơm chìm loại to đặt dưới nước và làm hệ thống đường ống tại mỗi lồng cá tạo dòng chảy để nước ra vào lồng, vệ sinh môi trường lồng nuôi.

Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, chính quyền địa phương của tỉnh Tuyên Quang cũng như doanh nghiệp cần có giải pháp phù hợp đảm bảo lợi ích của người nuôi cá lồng. Bởi với nhiều hộ dân nuôi cá lồng nơi đây, việc nuôi cá lồng là nguồn sinh kế mang lại thu nhập chính cho các hộ gia đình; chưa kể không ít hộ phải vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi, nếu môi trường nuôi không đảm bảo khiến họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.