| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi lợn đang bị đẩy vào thế bí

Thứ Tư 20/10/2021 , 17:10 (GMT+7)

Người nuôi lợn đang bị đẩy vào thế bí, lợn to quá khổ nên giá nào cũng phải đẩy đi, một số tâm lý muốn bán tháo để 'chạy' dịch tả lợn Châu Phi...

Trong những ngày qua, giá lợn hơi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước liên tục giảm xuống mức thấp quanh mốc khoảng 30.000 - 36.000 đồng/kg (tùy từng địa phương và loại lợn), đang khiến người chăn nuôi gặp muôn vàn khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Sở Đông, xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Hiện, lợn hơi đang có giá 35.000 đồng/kg (đối với lợn đẹp), lợn xấu mã hơn sẽ có giá thấp hơn. Ảnh: Trung Quân.

Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Sở Đông, xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Hiện, lợn hơi đang có giá 35.000 đồng/kg (đối với lợn đẹp), lợn xấu mã hơn sẽ có giá thấp hơn. Ảnh: Trung Quân.

Bán thì lỗ, giữ cũng chẳng xong

Ghi nhận trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình…, các chủ trại lợn đang trong trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” khi đàn lợn đã đến độ xuất bán mà không thể tiêu thụ do thương lái thu mua ít, kén chọn hàng.

Gá bán ở mức thấp, người chăn nuôi nếu bán sẽ cầm chắc thua lỗ, mà tiếp tục nuôi sẽ có nguy cơ lỗ nặng hơn khi phải đối diện với nhiều vấn đề như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các loại chi phí điện, nhân công, nhất dịch bệnh đang đe dọa…

Ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: Hiện, giá lợn hơi tại địa phương đang ở mốc 30.000 - 33.000 đồng/kg (giá lợn thay đổi theo từng ngày). Những con đạt trọng lượng từ 90 kg đến 1 tạ được thương lái ưu chuộng nên tiêu thụ thuận lợi hơn, những con trọng lượng từ 1,2 - 1,3 tạ thì khó rất khó tiêu thụ.

Ông Cường cho rằng, nguyên nhân giá lợn hơi giảm là do thừa nguồn cung cục bộ. Thời điểm tháng 4, tháng 5/2021, người dân vào đàn với số lượng nhiều, sau đó dịch Covid-19 bùng phát mạnh làm lượng tiêu thụ chậm, giá lợn xuống mốc 40.000 - 45.000 đồng/kg nên người dân không bán, giữ lợn trong chuồng.

"Hiện tại, dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động được nới lỏng nhưng sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, dẫn tới lượng tiêu thụ lợn không đáng kể. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân cơ bản đẩy giá lợn xuống thấp như hiện nay", ông Cường nhận định.

Nguyên nhân cơ bản khiến giá lợn hơi giảm xuống mức thấp theo các hộ nuôi và thương lái là do sức mua của thị trường không đáng kể, trong khi lượng cung lợn lại rất dồi dào. Ảnh: NV.

Nguyên nhân cơ bản khiến giá lợn hơi giảm xuống mức thấp theo các hộ nuôi và thương lái là do sức mua của thị trường không đáng kể, trong khi lượng cung lợn lại rất dồi dào. Ảnh: NV.

Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Sở Đông, xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Hiện, lợn hơi đang có giá 35.000 đồng/kg (đối với lợn đẹp), lợn xấu mã hơn sẽ có giá thấp hơn.

Trước đây, trung bình mỗi tháng gia đình chị xuất bán ra thị trường từ 50 - 70  con. Tuy nhiên, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến hiện tại, việc tiêu thụ chậm hơn, giá lợn hơi cũng giảm dần. Gần đây nhất, nhờ mối quen, gia đình chị vừa mới xuất bán được lứa lợn 30 con, với giá 37.000 đồng/kg, sau khi tính toán tất cả các khoản chi phí, chị lỗ 39 triệu đồng.

“Thương lái trao đổi lại rằng, nguyên nhân giá lợn hơi giảm là do lượng tiêu thụ của thị trường không đáng kể so với lượng cung lợn ở các trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, vẫn có lượng lợn nhập khẩu đưa về các chợ đầu mối nên các tiểu thương có rất nhiều sự lựa chọn. Người chăn nuôi bị đẩy vào thế, nuôi thêm thì tốn kém chi phí, lợn to quá khổ không được ưa chuộng, từ đó dẫn tới tâm lý giá ở mức nào cũng bán”, chị Hương cho hay.

Bán tháo "chạy" dịch tả lợn Châu Phi

Tại Thái Bình, ông Đinh Văn Mừng, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho hay: Đến chiều ngày 19/10, giá lợn hơi trong khu vực là 35.000 - 36.000 đồng/kg và đang có tín hiệu tích cực dễ bán hơn những ngày trước đây.

Tuy nhiên, với giá như hiện tại, nếu tính chi ly chi phí đầu tư thì người nuôi bị lỗ khá nhiều. Vì theo ông Mừng, giá lợn phải đạt ít nhất 65.000 đồng/kg và có thể chủ động con giống, chưa tính chi phí điện nước và công lao động của người nuôi, thì may ra người nuôi mới hòa vốn.

Cũng theo ông Mừng, hiện mỗi nơi có một giá lợn khác nhau, thậm chí tại cùng một địa phương lại có tới 3 - 4 mức giá cho từng loại lợn. Có điều này do yếu tố lượng "cung vượt cầu" nên thương lái kén chọn lợn đẹp. Bên cạnh đó, còn do tâm lý bán “chạy đàn” của nhiều trại chăn nuôi do lo lắng dịch tả lợn Châu Phi thời gian gần đây đang có dấu hiệu tái bùng phát trở lại ở nhiều địa phương.

Hiện nay, rất nhiều người chăn nuôi đang lo lắng nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi nên có tâm lý 'chạy đàn', càng làm cho giá lợn thấp và biến động thất thường hơn. Ảnh: Trung Quân.

Hiện nay, rất nhiều người chăn nuôi đang lo lắng nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi nên có tâm lý "chạy đàn", càng làm cho giá lợn thấp và biến động thất thường hơn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết: Lợn hơi hiện tại có giá 32.000 - 34.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc; lợn lai có giá dưới 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá lợn giảm là do tổng hòa nhiều yếu tố, trong đó lượng cung cao hơn lượng cầu là lý do chủ yếu.

Ông Dũng lý giải, lượng cung đồi dào là do số lợn trong các chuồng nuôi còn rất nhiều. Ngoài số lượng lợn nuôi trong nông hộ, trang trại quy mô nhỏ, thì trong vòng 2 năm trở lại đây, do nhận thấy lợi nhuận từ việc chăn nuôi lợn và sẵn có các nguồn lực, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, với số lượng lợn lên tới cả nghìn con.

Trong khi đó, lượng cầu giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thị trường tiêu thụ bị bó hẹp. Đa phần người dân vừa trải qua thời gian giãn cách xã hội nên thu nhập bị hạn hẹp dẫn tới việc chi tiêu dè dặt, từng gia đình đã có tâm lý tự chủ động nguồn cung thực phẩm đề phòng dịch bệnh quay trở lại.

"Một lượng lớn lao động trên các thành phố đã trở về quê; những đầu mối tiêu thụ thịt lợn nhiều như khu công nghiệp, nhà ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, trường học... đóng cửa kéo dài và hiện vẫn chưa hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên lượng tiêu thụ thực phẩm không đáng kể…

“Lượng cung lợn vẫn ổn định, chỉ do lượng cầu giảm nên giá lợn hơi mới kéo xuống thấp. Nhiều ý kiến cho rằng đang thừa lợn, thương lái điều phối giá là chưa có căn cứ”, ông Dũng chia sẻ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.