Hơn 6 trăm con bồ câu thi nhau “gù”, đàn gà nửa vạn con tranh mồi, rượt đuổi chí chóe, hai dãy chuồng heo ngót trăm con đồng loạt réo đòi ăn, đàn bò chục con lâu lâu cũng phụ họa rống ò ò… Đó là trang trại của chị Sáu Nga (xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, An Giang), người phụ nữ giỏi nhất xã này.
>> Người phụ nữ san gò, lấp rạch
>> Anh nông dân bốn trong một
>> Đổ mồ hôi sôi nước mắt
MÊ VƯỜN HƠN PHỐ
Thật may là dù trời mưa tầm tã nhưng nghe tôi trình bày lý do, anh Lâm Thế Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Thạnh, cười bảo: “Từ đây vào nhà chị Sáu hơn chục cây số, đều là đường bê tông, đường nhựa cả, nhưng lòng vòng, nhiều ngã rẽ, anh đi một mình hỏi thăm lâu lắm. Để tôi kêu người dẫn đi”.
Anh công an xã dẫn đường tên Lê Trần Phong còn trẻ, mặc áo mưa chạy ào ào trên con đường bê tông nhỏ uốn lượn rất đẹp bên bờ kênh Chắc Cà Đao khiến tôi theo muốn hụt hơi. Khoảng 20 phút sau, Phong dừng xe trước một cánh cổng to, sơn màu xanh nước biển rất đẹp, gọi lớn: “Mở cổng cô Sáu ơi, có khách nè”. Một người phụ nữ tất tả ra mở cổng. Chị là Lê Thị Thanh Nga, mọi người thường gọi thân mật là chị Sáu. Hơn 30 năm bươn trải với vô vàn khó khăn khiến hai bàn tay người phụ nữ 55 tuổi chai sần, khô cứng, khuôn mặt, làn da nhuộm màu nắng gió.
Sinh ra và lớn lên tại TP Long Xuyên, chị Sáu Nga lập gia đình khi tuổi vừa đôi tám. Rồi, 2 đứa con kháu khỉnh, 1 trai 1 gái lần lượt chào đời. Tưởng đâu hạnh phúc đã trọn. Nhưng không ngờ, người chồng vắn số qua đời vì bạo bệnh. Chị Sáu Nga trở thành góa phụ khi mới tròn 20 tuổi. Cuộc đời chị như bước sang một trang mới với vô vàn khó khăn, gian truân. Dù đang thì xuân sắc, nhưng chị vẫn quyết định đơn thân nuôi con.
Chị Sáu Nga bên chuồng bồ câu Hà Lan
Lúc đó, chị đã làm đủ thứ việc, từ buôn bán đến làm thuê mà vẫn không đủ tiền nuôi con. “Năm 2004, chị lang thang vào đây và quyết định mua khu ruộng 15 công này. Lúc ấy còn hoang hóa và ít bóng người. Không đường, không điện, không nhà, kênh mương thì phèn dậy vàng một lớp. Từ đầu đường vào đây chỉ lác đác vài căn nhà, đường đi chỉ lọt bàn chân. Hồi đó, ai cũng bảo chị khùng, đã không có tiền mà còn đem đổ xuống kênh cho phèn nó ăn. Người ta ở vườn, muốn ra phố để sung sướng mà không được, còn mình thì ngược lại”, chị Sáu kể lại.
Bỏ ngoài tai dư luận, chị vẫn thực hiện ước mơ của mình là biến ruộng thành vườn, thành trang trại. Sau khi phác thảo mô hình VAC, ròng rã một năm trời, chị tham gia cùng những người thợ, móc đất chỗ này, đổ lên chỗ kia. Khi làm xong thì bao nhiêu vốn liếng sạch hết và còn mắc nợ cả trăm triệu đồng.
Mô hình nấm bào ngư của chị Sáu Nga đang phát triển rất tốt
Năm 2005, chị bắt đầu trồng cây, nhưng vì đất nhiễm phèn rất nặng, lại chẳng có kinh nghiệm gì ngoài hoài bão muốn làm một cái gì đó mới mẻ để thay đổi, nên trồng cây gì xuống là chết cây đó. Chị lại tiếp tục mày mò, tìm tài liệu nghiên cứu, cải tạo.
Đang chưa biết tính thế nào thì có người hàng xóm nuôi heo nái bị lỗ, muốn bán rẻ, chị quyết định vay tiền mua về nuôi. Năm sau, cặp nái này đẻ cùng lúc gần 2 chục con heo con. Nhưng lúc đó, nuôi heo đang lỗ nên chẳng ai chịu mua giống, chị lại liều mạng vay tiền nuôi hết. Đến lứa thứ 3 thì đàn heo đã tăng theo cấp số nhân, lên tới hơn trăm con mà vẫn không bán được. Chị mang giấy tờ đất đi vay ngân hàng 50 triệu đồng về xây chuồng trại kiên cố và nuôi heo. May mắn là năm tiếp theo, khi đàn heo đã tăng đến gần 300 con thì cơn bĩ cực đi qua, giá heo tăng trở lại.
VÙNG ĐẤT CHẾT HỒI SINH
Số tiền từ bán heo con, chị đem nuôi cá trong ao bên dưới dãy chuồng và mua xoài Đài Loan, xoài Cát Hòa Lộc, đu đủ về trồng trên bờ hầm. Khó khăn đã đi qua, tất cả huê lợi trong vườn đều cho thu nhập. Mỗi lứa heo chị bán ra trên 100 triệu đồng, còn cá dưới ao cũng trên 60 triệu đồng/năm/2 vụ.
Đấy là cách đây vài năm, còn bây giờ, trang trại của chị Sáu Nga còn nhộn nhịp hơn rất nhiều. Bởi không ngừng học hỏi, tham gia các lớp tập huấn của địa phương, kinh nghiệm tích cóp mỗi ngày, khiến chị vững vàng hơn, giỏi giang hơn. Lúc tôi đến, trang trại của chị có hai chuồng bồ câu Hà Lan và Pháp, với tổng đàn lên đến hơn 300 cặp, số tiền thu được từ bán bồ câu giống đã vài triệu đồng.
“Đàn gà của chị bao nhiêu con”, tôi hỏi. “Nhiều quá, chị không đếm được. Chắc cũng cỡ đàn bồ câu”. Tôi hỏi tiếp: “Chị còn đàn heo rừng, heo ta, vịt xiêm, ao cá, trái cây… chắc doanh thu một tháng từ trang trại lên cả tỷ?”. Chị Nga cười, không trả lời mà nói: “Trang trại của chị nhỏ, các mô hình tuy hiệu quả nhưng nhỏ. Mình tích tiểu thành đại là chính chứ đâu có điều kiện làm ăn lớn đâu. Giờ chị giao hết việc quản lý cho con dâu rồi nên không biết chính xác doanh thu bao nhiêu nữa”.
Hai dãy chuồng heo rừng, heo ta của trang trại Sáu nga lên đến hơn 100 con
Hỏi ra mới biết, sau khi trang trại đi vào ổn định, chị Sáu đã giao việc cho vợ chồng người con trai lớn, còn chị dành 1 phần thời gian để đi giúp bà con làm kinh tế, làm từ thiện.
“Nhờ có cô Sáu vào đây ở mà giờ trong này mới sầm uất, đường sá mới được như vậy đấy”, anh Phong người dẫn đường cho tôi nói. Phong cho biết, sau khi chị Sáu vào đây lập nghiệp, mô hình trang trại của chị thành công, khiến mọi người học tập, kéo vào đây lập nghiệp ngày càng đông. Khi đã khá lên, chị Sáu bắt đầu đi tiên phong trong việc đóng góp làm đường, làm cầu.
“Đất của cô Sáu ngày xưa gần 16 công, giờ còn có 14 công hà”, Phong nói. “Sao vậy?”, tôi hỏi. “Tại cổ hiến để làm con đường trước cửa đó anh”.
Đàn gà các loại trong trang trại Sáu Nga ước khoảng 700 - 800 con
“Vừa rồi chị có tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm bào ngư, giờ đang thực hiện, kết quả tốt lắm. Để chị đưa em ra tham quan”, chị Nga giới thiệu. Tôi bước theo chị ra nhà nấm, sát bờ ao rợp bóng những cây xoài trĩu quả, vừa đi chị vừa nói: “Ao của chị hiện có mấy loại cá hiếm như hô đất, mè hôi, bống tượng. Trong đó mấy con cá hô đất chị mua lại từ những người đánh bắt cá trên sông. Cá hô con lớn có khi lên đến vài chục ký, có nguồn gốc từ Biển Hồ (Campuchia), giờ loại cá này đang hiếm dần. Họ cứ tưởng chị mua về bán lại cho nhà hàng kiếm lời. Thỉnh thoảng chị thấy nó lên, nhìn đã to lắm rồi, có con cả chục ký chứ không ít”. Tôi hỏi: “Vậy khi nào chị mới thu hoạch?”. Chị Nga cười: “Chị lo có thể một lúc nào đó, giống này không còn nữa. Nên nuôi để bảo tồn, nhân giống chứ không có ý định thu hoạch”.
“Chị Sáu là người phụ nữ có nghị lực đáng nể. “Chân yếu tay mềm”, một mình gồng gánh nuôi con từ lúc mới 20 tuổi. Đến giờ, có thể nói, mô hình trang trại của chị Sáu là số một của địa phương, chị là người phụ nữ giỏi nhất xã. Giỏi ở đây không chỉ làm ăn có hiệu quả, làm giàu, mà còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng, hỗ trợ bà con canh tác, làm giàu. Giờ có của ăn của để, chị lại trăn trở làm sao để bà con khá lên, làm sao để sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định. Ở đây, ai cũng quí chị”, anh Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Thạnh. |