| Hotline: 0983.970.780

Người Sán Dìu sản xuất chuỗi lúa VietGAP

Thứ Tư 29/09/2021 , 10:00 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Việc thay đổi giống lúa Khang dân hay Bao thai, cũng như một số tập quán canh tác quen thuộc của đồng bào vùng cao là không dễ, nhưng không phải không thực hiện được.

Thành lập cả ban chỉ đạo để làm lúa VietGAP

Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã thực hiện được sự thay đổi lớn về cả nhận thức và thực tiễn đối với người Sán Dìu ở Đầm Mương (xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) thông qua mô hình sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn VietGAP (liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm).

Qua 3 năm liền, giống lúa VNR 20 do Vinaseed chọn tạo đã được đồng bào đón nhận và mong muốn ngày càng mở rộng diện tích cũng như cơ chế triển khai.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Phổ Yên cho biết, từ đề nghị của đơn vị chọn tạo giống, đặc điểm giống, kế hoạch sản xuất của thị xã, Phòng Kinh tế đã lựa chọn 4 xóm của miền Đầm Mương là địa bàn triển khai mô hình.

Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, người Sán Dìu ở xã vùng cao Minh Đức (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) đã hào hứng tiếp cận với sản xuất lúa VietGAP. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, người Sán Dìu ở xã vùng cao Minh Đức (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) đã hào hứng tiếp cận với sản xuất lúa VietGAP. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đây là cánh đồng tập trung, trên chân đất 2 lúa phù hợp với quy hoạch sản xuất của xã; không có các mối nguy hại gây ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý... Đặc biệt, thành công của mô hình tại địa bàn dân cư có tới 95% là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tạo dược sự lan tỏa trong chuyển đổi phương thức, tiếp cận với xu thế sản xuất mới theo hướng an toàn, bền vững.

Bà Trần Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết, mô hình được triển khai trên quy mô 30ha. Đảm bảo hiệu quả cho mô hình, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình để xây dựng hạ tầng đường giao thông nội đồng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

Trong khi đó, tổ hợp tác thực hiện mô hình cũng được hình thành để phối hợp với các cơ quan đầu mối triển khai sản xuất.

Ông Chu Đức Luận, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa VNR 20 miền Đầm Mương cho biết, vì làm theo quy trình mới nên tổ hợp tác được hướng dẫn theo dõi nhật ký sản xuất lúa theo VietGAP. Đồng thời, hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình tuân thủ quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu tham gia chu trình chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Lại Hùng Kim, Bí thư chi bộ xóm Đầm Mương cho biết, cánh đồng Đầm Mương rộng tới 70ha. Khi tham gia mô hình, cánh đồng được đầu tư hệ thống hạ tầng mới, đi lại dễ dàng, thủy lợi thuận tiện.

Người dân được tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Theo đó, nội dung tập huấn tập trung chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM; "3 giảm 3 tăng", công nghệ xử lý sau thu hoạch và bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Áp dụng các kỹ thuật tiên tiến về gieo cấy chăm sóc, tưới nước, bón phân hợp lý để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Quản lý chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa.

Những ngày hội xuống đồng

Quy trình sản xuất mới có thể sẽ quá tầm với tập quán canh tác của đồng bào, chính vì vậy, Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình đã thuê chuyên gia giám sát kỹ thuật, theo dõi quy trình sản xuất và sự sinh trưởng phát triển của giống lúa để có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

Ông Chu Văn Hùng, nguyên Trạm trưởng trạm BVTV thị xã Phổ Yên được mời làm chuyên gia giám sát mô hình cho biết: Thuốc BVTV sử dụng nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, tuân thủ đầy đủ nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng.

Ngoài hiệu quả kinh tế thấy rõ, giống lúa VNR 20 đáp ứng được các nguyện vọng về xã hội và môi trường cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ngoài hiệu quả kinh tế thấy rõ, giống lúa VNR 20 đáp ứng được các nguyện vọng về xã hội và môi trường cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nguồn nước tưới cho lúa được dẫn trực tiếp từ kênh núi Cốc, không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, y tế hay dân sinh. Qua theo dõi, VNR 20 là giống cảm ôn, thân khỏe, chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe và không thấy xuất hiện bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn...

Ông Phạm Văn Lương, một hộ dân tham gia mô hình kể: Tập huấn thì nhiều đầu mục, vậy nhưng bắt tay vào làm thì dân thấy nhàn lắm. Các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV. Ngày xuống đồng, xóm như mở hội. Cơ quan triển khai đã đưa cơ giới hoá toàn bộ các khâu cày, bừa, sử dụng máy làm đất có công suất lớn để nâng cao chất lượng đất về độ sâu tầng canh tác và độ tơi nhuyễn, từng bước xóa bờ thửa, san phẳng đồng ruộng.

Ngày thu hoạch cũng như một ngày hội nữa. Cả 4 làng ra xem máy gặt chạy băng băng. Sướng nhất là các cơ quan phối hợp thực hiện đã tổ chức thu mua hết toàn bộ sản lượng tại đầu bờ với giá cao hơn thị trường tới 10%.

Một người dân khác theo mô hình, ông Chu Đức Minh vui vẻ khoe: Ngoài hiệu quả kinh tế, bà con vui nhất là hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường, sinh thái được bảo vệ, sức khỏe người lao động được đảm bảo. Cánh đồng bây giờ đã có sự xuất hiện trở lại các loài cá, tôm, ếch nhái...

Ông Trần Văn Thụ, Giám đốc chi nhánh Vật tư nông nghiệp Phổ Yên (Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên) cho biết, đơn vị đã thu mua lúa của bà con và chuyển về chi nhánh của Vinaseed để xử lý.

Sản phẩm được thị trường đón nhận, bản thân người Sán Dìu ở Đầm Mương cũng rất thích loại cơm gạo VNR 20. Hạch toán kinh tế, giống VNR 20 tại Thái Nguyên có năng suất cao hơn bình quân tại một số vùng trồng trên cả nước, đạt 75 - 85 tạ/ha. Qua đó mang lại lợi nhuận cao hơn so với các giống đối chứng từ 10 - 15%, tương đương 400 -  600 ngàn/đồng/sào.

Với tốc độ phát triển công nghiệp nóng như địa bàn thị xã Phổ Yên, việc lựa chọn được loại giống như VNR 20 đáp ứng được các nguyện vọng của bà con cũng như xu thế sản xuất hiện nay là rất quan trọng.

Ông Trần Văn Doanh, Giám đốc kinh doanh của Vinaseed cho biết, đơn vị luôn chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện hỗ trợ, cung ứng và phối hợp để triển khai chương trình, mở rộng mô hình tại các địa bàn khác.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.