| Hotline: 0983.970.780

Người sở hữu hơn 50 giống lan huệ quý hiếm

Thứ Hai 02/03/2020 , 12:07 (GMT+7)

Anh Nguyễn Đức Thọ, 45 tuổi, ngụ khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp đã không ngừng tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu và lai tạo các giống lan huệ.

Đến nay, khu vườn của anh đã sở hữu hơn 50 giống lan huệ khác nhau, trong đó có những giống lan huệ quý được anh nhập về từ nước ngoài và lai tạo thành công, giá trị cao gấp hàng chục lần so với những giống lan huệ truyền thống.

Anh Thọ tích cực chăm sóc những cây lan huệ.

Anh Thọ tích cực chăm sóc những cây lan huệ.

Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống trồng hoa, tận dụng mảnh đất trống khoảng 1.000 m2 sau nhà, anh Thọ chọn trồng giống hoa lan huệ để tăng thêm thu nhập. Hàng ngày, sau thời gian làm việc tại Hội Cựu chiến binh phường Tân Quy Đông, thời gian rảnh rỗi, ảnh Thọ lại say sưa chăm sóc những chậu lan huệ.

Theo anh Thọ, cây lan huệ khá dễ trồng nhưng để xử lý ra hoa như ý muốn và lai tạo ra những cây cho riêng mình thì đòi hỏi phải có kỹ thuật vì khi lai ghép không phải lúc nào cũng thành công. Bởi những cây càng độc, lạ giá trị càng tăng cao. Nếu chỉ trồng những giống có sẵn thì khó cạnh tranh với thị trường và không thu hút khách hàng. Đó chính là lý do thôi thúc anh gắn bó với loại hoa này.

Anh tâm sự: “Tôi đam mê lai tạo giống lan huệ vì thứ nhất là bông đẹp, thứ hai là nhẹ công chăm sóc, vừa trồng vừa làm công việc khác được, thứ ba là hiệu quả kinh tế rất cao so với giống lan huệ cũ. Nếu lan huệ giống cũ khoảng 12 - 20 ngàn đ/củ thì cây này giá hơn gấp 10 lần, có những cây từ 400 - 500 ngàn, thậm chí có cây độc, lạ giá mấy triệu cũng có, tùy loại”.

Anh Thọ cho biết, cây lan huệ được trồng bằng củ, tùy vào chủng loại giống có quý hiếm hay không mà củ càng to thì giá bán càng cao. Cây được nhân giống bằng phương pháp tách cây con, từ một củ lan huệ ban đầu người trồng sẽ chăm sóc cho đến khi củ mẹ đẻ ra những củ con thì tách các củ con ra trồng tiếp. Bình quân mỗi củ phải trồng gần 1 năm mới có thể bán. Những giống cây quý hiếm thì củ chỉ trồng vài tháng đã có người mua.

“Tôi đã sưu tầm được nhiều giống có màu sắc khác nhau, không cây nào giống cây nào, có cây bông kép, có cây bông đơn, có những loại bông nhỏ, có loại bông rất to, đường kính khoảng 20cm. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục sưu tầm thêm những giống mới lạ để trồng và phục vụ thị trường”, anh Thọ cho biết thêm.

Ngoài những giống truyền thống dạng cánh đơn, anh còn sưu tầm nhiều giống lan huệ cánh kép của Hà Lan, Nam Phi, Úc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản như: Double dragon, Double king, Sweet nymph, Cherry nymph, Rebecca, Clown, Splash, Dancing queen...

Trong đó, có những cây do anh nghiên cứu tự lai tạo giống bằng phương pháp thụ phấn, có bông to hơn cả bàn tay, mỗi củ cho ra từ 3 - 4 bông với nhiều màu sắc rất bắt mắt, giá bán những củ lan này có khi lên đến vài triệu đồng mỗi củ.

Cũng theo anh, mặc dù đã có nhiều năm gắn bó với cây lan huệ nhưng với những giống ngoại nhập khi mới trồng anh cũng gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp. Nhờ chịu khó nghiên cứu và rút kinh nghiệm dần dần đã giúp anh tích lũy được cách trồng, chăm sóc những giống khó tính.

Theo anh Thọ, cây lan huệ không cần tưới nước nhiều, mỗi tuần chỉ cần tưới từ 1 - 2 lần nên khá nhẹ công chăm sóc. Tuy nhiên, khâu khó nhất trong trồng lan huệ chính là cách xử lý ra hoa. Nếu như những giống hoa khác muốn xử lý ra hoa thì phải chăm bón cho cây tươi tốt thì điểm độc đáo ở giống hoa này là phải nhổ lên cắt bỏ cả rễ và lá, phơi khô, bỏ lăn lóc đến vài tháng rồi mới xử lý ra hoa.

Từ một củ huệ khô khan nhưng khi được xử lý sẽ cho ra những bông hoa xinh xắn. Chính cách xử lý không giống ai của anh cũng gợi sự tò mò và thích thú của người chơi hoa.

Anh Thọ chia sẻ bí quyết trồng: “Muốn cho bông đẹp thì củ trước khi trồng phải ngâm nước từ 24 - 48 tiếng đồng hồ để củ hút no nước, sẽ mọc ra các rễ con. Khi trồng vô chậu thì hoa sẽ lên màu đẹp hơn đồng thời giữ cho bông lâu tàn. Nếu muốn cây lan huệ ra bông ngày tết thì cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch nhổ lên cắt lá và bỏ rễ. Đồng thời phơi nắng xong đem vô nhà để cây tạo nụ, sau 2 tháng trồng lại sẽ cho hoa đúng tết".

Hiện tại, trong vườn của anh Thọ có trên 10 ngàn củ lan huệ, trong đó có nhiều giống do chính anh lai tạo, “không đụng hàng” nên được nhiều thương lái tìm đến. Ngoài cung ứng cho thương lái trong tỉnh, anh còn giao hoa cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung... Hiện tại, có rất ít người trồng những giống lan huệ mới này nên vườn của anh luôn đắt khách.

Với việc đột phá nghiên cứu nhiều giống lan huệ mới, lạ đã giúp gia đình anh thu nhập gấp hàng chục lần so với những giống hoa khác. Sự tìm tòi của anh không chỉ giúp mang về nguồn kinh tế hấp dẫn cho gia đình mà còn làm cho làng hoa Sa Đéc thêm phần phong phú, hấp dẫn với người yêu hoa.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.