| Hotline: 0983.970.780

Người thích gây "sốt" cho khoa học thế giới!

Thứ Sáu 14/06/2013 , 16:17 (GMT+7)

Sống 14 năm bên Nhật và 17 năm bên Mỹ, TS Nguyễn Chánh Khê có tới 76 bằng phát minh, sáng chế khoa học.

Sống 14 năm bên Nhật và 17 năm bên Mỹ, TS Nguyễn Chánh Khê có tới 76 bằng phát minh, sáng chế khoa học. Về nước không lâu, tháng 3/2012 ông gây “kinh động” giới khoa học toàn cầu với tuyên bố: Sẽ dùng nước để chạy máy phát điện.

PV NNVN đã tìm đến văn phòng của TS Khê tại Khu Công nghệ cao TP.HCM nhằm tìm hiểu thực hư của phát minh lạ lùng này…

Căn phòng của TS Khê nằm khiêm tốn dưới dãy hành lang lầu 1, rộng không quá 30 m2, bên trong chứa đầy vật dụng, chai lọ, hóa chất dùng để nghiên cứu. Khác với vẻ đạo mạo trong bộ vest tại hội thảo giới thiệu phát minh dùng nước để sinh ra nguồn điện cách đây hơn 1 năm, TS Khê đơn giản mặc chiếc quần tây và áo thun hồng lấm lem hóa chất xanh, đỏ. Chắc ông đang mải mê thử phản ứng hóa học nên không để ý đến trang phục, dù xuất hiện vị khách lạ như tôi.

Sau khi chào hỏi, tôi đi thẳng vào vấn đề:

Cách đây đúng 1 năm 3 tháng, TS đã làm giới khoa học “kinh động”, khi dùng một hóa chất bí mật cho vào bình đựng nước để giải phóng hydro, sau đó cho đi qua một bộ phận tách electron để tạo ra nguồn điện, bật cháy sáng bóng đèn. TS cũng tuyên bố sẽ sớm cho ra đời chiếc máy phát điện đầu tiên trên thế giới chạy bằng nước. Giờ chiếc máy đó đã ra đời chưa?

Có rồi chứ, nó đây này (TS Khê chỉ vào chiếc máy phát điện to cỡ gấp 3 lần chiếc CPU máy tính để dưới bàn làm việc). Chiếc máy phát điện 2.000W này là do một kỹ sư cơ khí trong nước phối hợp với tôi chế tạo và đã được triển lãm bên Nhật Bản. Tuy nhiên, nó khá cồng kềnh (nặng trên 50 kg) và các bộ phận ở dạng cơ là chính, đòi hỏi nhiều thao tác như phải đổ nước, cho hóa chất trực tiếp…, gây phiền toái và chưa cho hiệu quả cao. Tôi muốn có một chiếc máy phát điện hoàn toàn tự động, khách hàng không phải bỏ tay thao tác quá nhiều nên đến giờ vẫn chưa tuyên bố rộng rãi. Cái khó lớn nhất hiện nay là cơ khí trong nước chưa làm được, tôi buộc phải liên kết với nước ngoài. Khoảng tháng 8 năm nay, đơn vị bên Mỹ sẽ sang ký kết giấy tờ hợp tác và khoảng 6 tháng sau sẽ cho ra đời chiếc máy phát điện tự động hoàn toàn.


TS Nguyễn Chánh Khê bên chiếc máy phát điện chạy bằng nước thô sơ ban đầu

THAY ĐỔI CỤC DIỆN NĂNG LƯỢNG TOÀN CẦU?

Sau buổi giới thiệu phát minh kinh ngạc đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đây là sự thật thì nó sẽ thay đổi cục diện năng lượng toàn cầu. TS có nghĩ như vậy không?

Lúc đầu tôi không có chủ ý chế ra hóa chất “bí mật” để tạo điện, nhưng tình cờ trong một lần thí nghiệm, khi cho hóa chất này vào nước, lập tức nó phát khí hydro cuồn cuộn lên. Đây là một chất mới thị trường thế giới chưa có và đang được tôi đưa đi đăng ký phát minh. Loại hóa chất này chế bằng công nghệ nano nên công suất rất cao, trong khi giá thành sản xuất lại rất rẻ. Ưu điểm nữa là có thể dùng mọi loại nước để cho tạo phản ứng hóa học.

Ví dụ tôi đang đi trên đường, thấy một dòng sông thì có thể xuống đó múc nước lên, cho hóa chất vào để sinh điện sử dụng ngay. Ngoài việc tạo ra điện thì phương pháp này còn tạo ra nguồn nước sạch. Vì thế, sau khi hoàn thiện chiếc máy phát điện tự động hoàn toàn, ý tưởng tiếp theo của tôi là tạo ra chiếc máy phát điện kiêm lọc nước để cho người uống. Chắc chắn tương lai nó sẽ rất hữu ích cho các chiến sĩ nơi hải đảo, người dân vùng sâu, vùng xa chưa có điện và nước sạch. Còn bảo rằng nó có làm thay đổi cục diện năng lượng hay không, thì hãy chờ chiếc máy phát điện mẫu ra cuối năm nay hoặc đầu năm sau (hợp tác với đối tác Mỹ, Nhật). Anh biết đấy, 50 năm nữa nhân loại làm gì còn xăng dầu để dùng nữa, hãy chờ xem…

TS nói có rất nhiều nhà khoa học nghi ngờ, thậm chí phản bác lại phát minh này. Tại sao vậy?

Nó xuất phát từ bí quyết dùng chất biến từ khí thành ra điện của tôi đang được giữ bí mật, không thể cho ai coi được hết. Các thầy không hiểu chất đó là chất gì! Các thầy chủ yếu giảng bài trên giảng đường, không hay thí nghiệm nên nhiều khi nói… lý thuyết suông! Tôi không đem lý thuyết sách vở ra để tranh luận, tôi đem kinh nghiệm thực tiễn ra để nói và thực hiện. Tôi sẽ quyết tâm hoàn thiện chiếc máy phát điện tự động thật sớm để chứng minh điều mình nói. Chiếc máy này sẽ có 12 đơn vị để phát khí hydro tạo ra điện phát liên tục 6 đến 10 tiếng đồng hồ. Lượng điện này sau đó sẽ được tích tụ trong một tụ điện (giống như bình ắc quy) sau đó lúc nào cần thì mang ra sử dụng.

Theo thiết kế, chiếc máy phát điện bằng nước không ồn và không hôi, hai đặc điểm này cũng đủ để thắng chiếc máy phát điện chạy bằng dầu hay xăng cực ồn và ô nhiễm. Với gia đình, nó có thể giúp chạy quạt, tivi, tủ lạnh, đèn điện, nồi cơm điện, máy lạnh… Đối với lĩnh vực giao thông, công thức của tôi có thể giúp thay thế pin chạy cho xe hơi. Hiện xe chạy điện chỉ đi được khoảng 100 dặm là hết pin; còn công thức nước và hóa chất phản ứng sinh điện này có thể cung cấp liên tục nguồn điện cho xe chạy.

TS hợp tác với nước ngoài, nhỡ may lộ hết bí mật công nghệ thì sao?

Vật liệu để chế tạo các bo mạch điện tử tinh vi ở Mỹ và Nhật có sẵn và làm rất thuận tiện, còn ở VN thì không. Bây giờ phải chịu thôi, nhưng hãy nhìn thị trường của công nghệ lưu trữ năng lượng lên tới 200 tỷ USD, nếu thành công VN sẽ được hưởng thành quả rất lớn.

DÙNG NÔNG SẢN BIẾN THÀNH VẬT LIỆU ĐIỆN TỬ!

Nghe nói TS còn nghiên cứu dùng gạo, cà phê, bã mía… để chế tạo vật liệu dẫn điện công nghệ cao, thực hư thế nào?

Tôi từ nhỏ 4 tuổi đã mồ côi mẹ vì thế ba rất cưng, hay cho đi xem phim Ấn Độ. Phim của Ấn hay có chiếc đũa thần biến hóa ra cái này, cái kia. Tôi coi nhiều nên cũng luôn mơ tưởng việc mình làm sẽ biến hóa kỳ ảo như thế. Và khi lớn lên làm nghiên cứu khoa học, hầu hết các ý tưởng của tôi đều đạt được! (TS Nguyễn Chánh Khê)

Tôi học tiến sĩ ở bên Nhật. Sống ở Nhật 14 năm và ở Mỹ 17 năm, đến năm 50 tuổi (năm 2002) tôi về Việt Nam để làm việc và sinh sống (hiện có 2 quốc tịch Việt Nam và Mỹ). Tai sao tôi về Việt Nam? Tôi muốn thử nghiệm xem khả năng của mình có thể biến những cái xung quanh tại Việt Nam thành điều gì đó độc đáo nhất thế giới hay không? Ví dụ như chiếc máy phát điện bằng nước; dùng phế phẩm nông nghiệp như khoai, gạo, trấu, cà phê, bã mía…, biến chúng thành những vật liệu dẫn điện, vật liệu điện tử bằng công nghệ nano.

Dù gạo và cà phê đều là chất cách điện, nhưng tôi đã tìm ra cách để biến chất cách điện thành vật liệu dẫn điện. Cụ thể là lấy gạo, cà phê cộng với một chất xúc tác cho vào lò phản ứng nano để cho ra than ống nano hoặc than phẳng dẫn điện rất tốt. Vật liệu này có thể ứng dụng làm điện cực trong cho pin mặt trời, trạm cảm biến và ứng dụng vào lĩnh vực điện tử. Hiện nó đã được một Cty bên Nhật đặt hàng để làm theo hướng ứng dụng của họ. Tôi tự hào rằng đã sử dụng những nguyên liệu nông sản tại đất nước Việt Nam, biến chúng thành những máy móc, vật liệu mới khiến thế giới phải… giật mình!

Tiến sĩ thấy điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam giờ ra sao?

Ở Việt Nam giờ cũng tốt lên nhiều, nhà nước cấp cho 190 tỷ để xây dựng phòng nghiên cứu tại khu công nghệ cao TP.HCM, tôi được tha hồ “quậy”. Nói thật, giờ tôi chẳng cần đi làm cũng đủ tiền sống hết đời, nhưng đam mê khoa học không cho phép điều đó. Tôi có 2 mục tiêu là làm gì đó để đóng góp cho đất nước và cống hiến cho nhân loại, tôi hạnh phúc vì đóng góp cho mọi người bằng năng lực phát minh công nghệ mới.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

Ngoài công việc, tiến sĩ và gia đình thường có thú vui giải trí gì?

Năm nay tôi 61 tuổi, về hưu rồi, nhưng hàng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu. Mỗi ngày với tôi là một chuỗi thú vị vì những ý tưởng, mơ ước của mình ngày càng đến gần mục tiêu hơn. Tôi không có gia đình mà đang sống độc thân. Mấy chục năm nay có lấy vợ, sinh con gì đâu (cười)?! Cái phòng thí nghiệm là nơi thú vị nhất của tôi đấy. Trước, tôi có nhà biệt thự ở khu Thảo Điền, quận 2 nhưng do cây cỏ nhiều nên thi thoảng lại có rắn bò vào nhà, sợ quá bán luôn, lên khu căn hộ Hoàng Anh Gia Lai gần đó sống. Niềm vui của tôi là đi bộ tập thể dục buổi sáng, nấu ăn, tha thẩn ngắm cảnh thiên nhiên, cây cỏ, sông nước và làm từ thiện giúp trẻ mồ côi tại các mái ấm. Thế là đủ để tôi lấy lại sức khỏe, tinh thần tiếp tục nghiên cứu và cống hiến cho khoa học rồi…

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất