Giữ lửa nghề truyền thống
Trong khuôn khổ Lễ hội Tết Việt được tổ chức thường niên tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, cùng với phố ông đồ nhộn nhịp, con đường mai rực rỡ, gian hàng tò he của nghệ nhân Lê Xuân Tùng là khu vực thu hút nhiều sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế bởi đây là khu vực đầy sáng tạo và đa dạng sắc màu. Từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, anh Tùng đã "hô biến" thứ bột không hình thù kia thành những sản phẩm nghệ thuật tò he đầy sáng tạo.
Trò chuyện với nghệ nhân Xuân Tùng, chúng tôi cảm mến ở anh không chỉ ở bàn tay tài hoa, mà còn câu chuyện “thổi hồn vào tò he” góp phần lưu giữ và quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng. Nghệ nhân Tùng cho biết, vốn sinh ra trong một gia đình đều là nghệ nhân nặn tò he, nghề này đã ngấm vào anh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 12 tuổi, Xuân Tùng đã nặn ra được tò he với đủ thứ hình thù ngộ nghĩnh và chính thức trở thành nghệ nhân tò he, có thể kiếm thu nhập cho gia đình.
Năm 17 tuổi, Xuân Tùng cùng anh trai vào TP.HCM lập nghiệp, tại nơi đất khách quê người, hai anh em phải bươn chải, làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Trải qua nhiều gian nan, Xuân Tùng cảm thấy tò he mới là con đường khởi nghiệp, anh bắt đầu trở lại với nghề.
Theo anh Tùng, nghề làm tò he không đòi hỏi vốn, mặt bằng, dụng cụ hành nghề đơn giản chỉ cần một tráp nhỏ bên trong là những cục bột đủ màu sắc, những que tre được vót cẩn thận tròn đều, cái lược nhỏ, cục sáp nến... Nhưng nghề này đòi hỏi sáng tạo rất cao, qua bàn tay người nặn những cục bột ấy thay hình đổi dạng tùy theo yêu cầu, sở thích của khách.
Hiện nay, tò he cũng như đồ chơi truyền thống nói chung đang phải cạnh tranh với đồ chơi hiện đại. Tuy nhiên, tò he luôn có sức hấp dẫn. Riêng việc đủ màu sắc, ngộ nghĩnh, đáng yêu không chỉ thu hút trẻ em mà cả người lớn. Cùng với đó, để bắt nhịp xu hướng, mỗi dịp lễ hay ngày đặc biệt, anh sẽ cho ra mắt những sản phẩm gắn liền với nét văn hóa đặc trưng như: Trung thu sẽ xuất hiện hình ảnh những nhân vật chị Hằng, chú Cuội mặc trang phục Việt Nam nhưng với khuôn mặt chibi, vào ngày Giáng sinh tác phẩm sẽ là ông già Noel đứng cạnh Elsa. Vậy nên, trải qua một thời gian dài, sức hấp dẫn của tò he vẫn không hề thuyên giảm.
“Mỗi cây tò he đều có một câu chuyện riêng, mang tính giáo dục. Những sản phẩm của tôi lồng ghép cả cái cũ và cái mới, những cái đã rất quen thuộc và những cái đang được ưa chuộng. Có như vậy, sản phẩm mới vừa có thể truyền đi thông điệp ý nghĩa, vừa thu hút được giới trẻ”, anh Xuân Tùng nói.
Anh Xuân Tùng cho biết thêm, thường trong dịp Tết, lễ, khách mua tò he cũng đông hơn, do đó, năm nào nghệ nhân nặn tò he cũng không được đón Tết bên cạnh gia đình. Cứ vào mỗi dịp Tết là phải chuẩn bi đồ đi xa nhà. "Cảm giác của chiều 29, 30 Tết, mọi người mọi nhà nhộn nhịp vui bên nhau, cũng có đôi lúc chúng tôi cảm thấy tủi. Nhất là cái thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt thích thú, hiếu kỳ của các em nhỏ quây quanh mình, đan xen là tiếng cười thích thú từ mọi người xung quanh, trong lòng chúng tôi dâng lên cảm giác vui đến lạ thường. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy chúng tôi kiên trì với nghề”, anh Tùng chia sẻ.
Đưa văn hóa Việt đến công chúng
Suốt hơn 20 năm kiên trì theo đuổi đam mê, Xuân Tùng đã nhiều lần biểu diễn nghệ thuật tò he trước mắt hàng nghìn khán giả, thành công để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đông đảo người hâm mộ cũng như giới chuyên môn. Năm 2014, nghệ nhân Xuân Tùng xuất sắc lọt top 49 chương trình Vietnam’s Got Talent và đưa nghệ thuật truyền thống chạm đến trái tim của vô số khán giả.
Nối tiếp thành công, Xuân Tùng tiếp tục sáng tạo, kết hợp tò he với nhiều chất liệu khác nhau cho ra các tác phẩm tò he đa dạng. Đầu năm 2020, hai anh em Xuân Tung - Xuân Tùng đã mang đến không ít bất ngờ khi dùng bột tò he kết hợp với xích và ốc vít vẽ nên bức tranh biểu tượng ba miền Bắc – Trung - Nam. Sau màn trình diễn độc đáo này, hai nghệ nhân vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục nghệ nhân đầu tiên dùng bột tò he kết hợp với xích và ốc vít để biểu diễn vẽ tranh trên sân khấu.
“Để đạt được kỷ lục, chúng tôi trải qua cũng không ít khó khăn, nghiên cứu, suy nghĩ những ý tưởng, nội dung biểu diễn để làm sao từ những chất liệu quen thuộc như bột tò he, ốc vít và mắt xích thành những tác phẩm nghệ thuật. Nó không đơn thuần là nặn những que tò he như xưa hay những sợi dây xích, những con ốc vít tưởng chừng như vô tri vô giác lại có thể được thổi hồn vào đó và trở thành những bức tranh nghệ thuật có sức hút với người nhìn”, anh Xuân Tùng nói.
Trong nhiều năm qua, nghệ nhân Lê Xuân Tùng luôn tích cực tham gia những chương trình quốc tế với mong muốn quảng bá nghệ thuật truyền thống tò he đến với không chỉ người trẻ Việt Nam mà còn sang các nước bạn. Chính vì thế, anh đã từng đến Đài Loan, New Zealand, Australia, Thái Lan… biểu diễn nặn tò he trước ánh mắt hiếu kỳ của người dân nơi đây. Mặc dù còn trẻ nhưng anh vẫn đang ngày ngày "thổi lửa" nghề với mong muốn giữ gìn làng nghề truyền thống mà ông cha ta để lại và lan truyền đến những thế hệ mai sau.
Bà Zendaya - một du khách nước ngoài đang thưởng thức những màn trình diễn nặn tò he điệu nghệ của nghệ nhân Lê Xuân Tùng - chia sẻ những cảm nhận của mình về nghệ thuật tò he: "Đây là một trong những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam. Lễ hội Tết Việt là cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch tuyệt vời. Tôi tin đất nước các bạn sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai".
“Tôi mong rằng ngành nghề truyền thống tò he, món đồ chơi dân gian của Việt Nam mình ngày càng được phát triển và nhân rộng hơn. Và những năm tiếp theo, chúng tôi được đem tò he đi giới thiệu nhiều nước hơn nữa trên thế giới để giới thiệu nét đẹp văn hóa của Việt Nam mình tới bạn bè các nước. Chúng tôi muốn nghề tò he không chỉ nằm trong ký ức của người Việt chúng ta mà còn có cả trong ký ức của bạn bè quốc tế.
Trong một bản nhạc của xã hội hiện đại, tò he như một nốt trầm giúp người ta sống chậm lại, suy ngẫm về quá khứ, về tuổi thơ... Tôi mong tò he sẽ mãi là một "món ăn tinh thần" được mọi người đón nhận”, anh Xuân Tùng chia sẻ.