| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Người tiêu dùng thông minh giữa mê trận thực phẩm

Thứ Năm 18/08/2022 , 10:37 (GMT+7)

Nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được người tiêu dùng quan tâm, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn?

Không chủ quan

Lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lấy mẫu ngẫu nhiên giám sát an toàn thực phẩm tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) cho 10 triệu dân, Chính phủ đã cho phép TP.HCM thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) kết hợp lực lượng từ 3 Sở (NN-PTNT, Y tế, Công Thương), là cơ quan đầu mối, chủ trì tổng hợp, tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM về công tác đảm bảo ATTP.

Trong báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm BQL ATTP TP.HCM, nhiều người lo ngại về số liệu liên quan đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả tại 3 chợ đầu mối, nơi cung cấp 70% thực phẩm cho người dân TP.HCM. Cụ thể, cơ quan này đã lấy 1.420 mẫu rau, trái cây, thủy sản, thịt tại ba chợ đầu mối. Trong đó, 271/570 mẫu (chiếm tỉ lệ 47,54%) phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhóm mặt hàng rau, trái cây. Đối với hải sản đánh bắt, về kim loại nặng có 42/100 mẫu (tỉ lệ 42%) phát hiện nhiễm cadimi vượt mức cho phép, trong đó 36 mẫu mực và 6 mẫu bạch tuộc. Đối với thủy sản nuôi, tồn dư kháng sinh cấm sử dụng ciprofloxacin 37/100 mẫu (chiếm tỉ lệ 37%); enrofloxacin 49/100 mẫu; trifluralin 5/100 mẫu.

Tuy nhiên, trước vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban BQL ATTP TP.HCM phân tích rằng, trong số các mẫu rau, trái cây đã lấy mẫu thì có 20 mẫu vượt giới hạn cho phép và 58 mẫu không nằm trong danh mục. “Tỷ lệ mẫu không đạt chuẩn là hơn 13%. Riêng 100 mẫu thủy sản đánh bắt, có hai mẫu bạch tuộc tồn dư chất cấm. Tuy nhiên, không có mẫu nào tồn dư kim loại nặng vượt chuẩn như báo cáo ban đầu. Đây là nhầm lẫn trong quy định mức giới hạn cho phép khi báo cáo. Mực và bạch tuộc thuộc nhóm nhuyễn thể nên có giới hạn riêng”, bà Lan phân tích.

Test nhanh mẫu thịt tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Test nhanh mẫu thịt tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Lan cũng cho biết, sau khi báo cáo được công bố, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu rà soát thông tin, tính toán lại tỉ lệ mẫu vi phạm, đặc biệt lưu ý tỉ lệ mẫu rau, trái cây vượt mức quy định ATTP tại Thông tư 50/2016/TT-BYT; mẫu mực, bạch tuộc vượt mức dư lượng tối đa cho phép cadimi theo Quy chuẩn Việt Nam 8-2:2011/BYT.

“Chiếu theo quy định chuẩn thì không có mẫu nào phát hiện kim loại nặng vượt chuẩn. Còn 95/100 mẫu thủy sản nuôi phát hiện tồn dư kháng sinh cấm sử dụng và 4/650 mẫu thịt tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cho phép đều đúng.

Các mẫu này được lấy trong năm 2018-2019 và 6 tháng đầu 2022. Chi phí để làm kiểm nghiệm rất lớn,  một mẫu kiểm nghiệm tốn hàng triệu đồng, bằng cả một lô rau nên khi kiểm nghiệm chúng tôi phải sàng lọc, chỉ chọn mẫu nguy cơ cao.

Kết quả này rất nhỏ bé và con số chưa mang tính thống kê, bởi với số lượng hàng mỗi đêm về các chợ đầu mối là rất nhiều. Nếu chỉ dựa trên vài nghìn mẫu chưa thể rút ra kết luận chung. Quan trọng là kết quả này nhắc nhở chúng ta không chủ quan”, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM khẳng định.

Để giám sát nhiều hơn, kéo giảm tỉ lệ vi phạm ATTP trong thời gian tới, bà Lan cho rằng, nên kiểm nghiệm theo tỷ lệ thực phẩm về TP.HCM để giám sát tốt hơn. “Chúng tôi tiếp tục cùng các sở ngành tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm để răn đe. 

Theo tôi, nếu các tỉnh, thành đều có những tổng hợp kết quả giám sát như TP.HCM làm để thống kê toàn diện, qua đó có thể thấy nhiều vấn đề. Ví dụ, thủy sản xuất phát từ vùng nào hay bị nhiễm độc chất nào, để xem lại tận nguồn rồi quay lại cảnh báo người nông dân, ngư dân. Từ đó, đảm bảo ATVSTP ngay từ nguồn”, bà Lan nói.

Ở góc độ Sở NN-PTNT TP.HCM, đơn vị này cho biết, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ NN-PTNT, UBND TP.HCM phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, Sở đã thực hiện nhiều nội dung tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm tại vùng sản xuất, sơ chế, giết mổ, trạm đầu mối giao thông; kết nối sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm chất lượng, ATTP, góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đảm bảo an ATTP, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Thành phố.

Người tiêu dùng lựa chọn trái cây tươi tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người tiêu dùng lựa chọn trái cây tươi tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chủ động lựa chọn thực phẩm an toàn

Để lựa chọn trái cây an toàn, Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, chuyên gia dinh dưỡng văn hóa ẩm thực khuyến cáo, không chọn quả quá đẹp, quá bóng bẩy khác thường, mùi hăng hăng khác lạ. Nên chọn quả còn xác phấn bên ngoài, quả tươi tự nhiên và đúng mùa.

Đối với trái cây tươi mua về, nếu còn lớp phấn bên ngoài thì không nên rửa, nếu không có lớp phấn bên ngoài thì rửa qua, ngâm trong nước ấm khoảng 15-20 phút, sau đó rửa dưới vòi nước chảy, để khô tự nhiên rồi bao bọc bằng khăn ăn/giấy ăn ấy và cho ngăn mát tủ lạnh. “Khi bọc như vậy, quá trình hô hấp nó vẫn đang diễn ra và sinh ra nhiệt, nếu bọc kín bằng nilon thì nhiệt không thoát được, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, phá hủy thực phẩm”, Thạc sĩ Minh Thủy nói.

Thạc sĩ Minh Thủy khuyến cáo, người tiêu dùng nên sử dụng trái cây tươi ngay khi mua về thì tốt hơn, đảm bảo chất dinh dưỡng còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nếu phải dùng trái cây đã được bảo quản, sau khi gọt vỏ nên ngâm vào chút nước pha với chanh để không bị thâm đen, giữ được vitaminC có trong trái cây; sau đó vớt ra để trong tủ lạnh sẽ giúp trái cây ăn có độ giòn. “Trái cây Việt Nam thường hay chấm muối khi ăn dù là ngọt đi chăng nữa, chấm chút xíu muối thôi sẽ trở nên đậm đà hơn. Nhiều người thắc mắc muốn ngọt thì phải cho đường chứ sao cho muối, nhưng thực ra đây là tính âm - dương của người Á Đông, nó hỗ trợ lẫn nhau và giúp khi ăn có vị đậm đà hơn”, Thạc sĩ Minh Thủy cho hay.

Người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn thực phẩm tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn thực phẩm tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Rau mua về cũng phải làm sạch, nhặt bỏ những phần lá hư không ăn được, sau đó rửa sạch, để khô, bao gói trong giấy hút ẩm để trong ngăn mát tủ lạnh trong 5-7 ngày.

Đối với thịt, hải sản tốt nhất là bảo quản lạnh, lạnh đông hoặc là sơ chế xong, giết mổ xong sử dụng ngay. Môi trường lạnh trong siêu thị tốt hơn ngoài chợ, mặt khác, siêu thị có đội ngũ kiểm tra nghiêm ngặt hơn về liều lượng hóa chất sử dụng trong thực phẩm, vì vậy nhiều người có thói quen mua thực phẩm tại các hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng thực phẩm sạch để đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, chất lượng thực phẩm nông lâm thủy sản trong những năm qua đang được nâng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ NN-PTNT đã tổ chức lấy 843 mẫu thủy sản giám sát vệ sinh, ATTP thì chỉ phát hiện 12 mẫu vi phạm, chiếm 1,4%, giảm so với cùng kỳ 2021 là 2,3%. Tại các địa phương cũng thực hiện lấy 8.492 mẫu nông lâm thủy sản, phát hiện 346 mẫu vi phạm, chiếm 4,07%; giảm so với 5,65% cùng kỳ năm 2021.

Nguyễn Thủy

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.