| Hotline: 0983.970.780

Người trồng ổi mong được hỗ trợ giống, phân bón, hóa chất xử lý đất

Thứ Hai 23/09/2024 , 06:38 (GMT+7)

QUẢNG NINH Nông dân trồng ổi ở xã Sơn Dương (TP Hạ Long, Quảng Ninh) mong được hỗ trợ giống, phân bón, hóa chất xử lý đất để từng bước cải tạo đất, khôi phục sản xuất.

Vườn ổi gãy đổ, bật gốc sau bão số 3. Ảnh: Thanh Phương.

Vườn ổi gãy đổ, bật gốc sau bão số 3. Ảnh: Thanh Phương.

Quay trở lại thăm vườn sau cơn bão dữ, những hộ dân trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long, Quảng Ninh) không khỏi xót xa khi vườn cây giờ đây xơ xác, trơ trụi. Những gốc ổi bị bật gốc, nằm trơ trọi, cành lá héo úa, những quả ổi non bọc trong bao xốp rụng trắng cả vườn.

Bà Phan Thị Hướng (thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương) chia sẻ, cả vườn ổi giờ chỉ còn lác đác vài cây sống, còn đâu nằm đổ rạp xuống đất. “Bao năm qua cả gia đình chỉ biết sống dựa vào cây ổi. Trận bão khiến cả vườn ổi tan hoang, tiêu điều, đa số cây đều chung tình trạng bật gốc. Những cây này chỉ có thể đem vứt đi, không thể trồng lại được”, bà Hướng nghẹn ngào.

Dù đã tìm nhiều cách nhưng các diện tích ổi đã bị chết sau bão, không thể khôi phục. Ảnh: Thanh Phương.

Dù đã tìm nhiều cách nhưng các diện tích ổi đã bị chết sau bão, không thể khôi phục. Ảnh: Thanh Phương.

Ngay sau bão, đối với những cây bị đổ nghiêng, mặc dù đã được dựng lại nhưng khả năng phục hồi rất kém. Bà Tạ Thị Mùi có hơn 1ha trồng ổi, trong đó 3 sào đã bị gió quật nghiêng ngả. Bà cho biết: “Gia đình đã cố nâng cây lên nhưng mấy ngày sau lại héo hết, không mọc lại được vì bộ rễ đã bị đứt do gió giật mạnh. Cùng với đó, do bị ngâm trong nước quá lâu, sức khỏe cây cũng yếu đi, rất khó có thể chăm lại như lúc đầu”.

Không thể khắc phục được, nhiều hộ dân đành chấp nhận nhổ bỏ ổi, chờ khi chất lượng đất ổn định trở lại mới tính tiếp đến việc trồng mới. Thế nhưng để có thể trồng cây mới, nhiều bậc cao niên trong thôn cho biết kinh nghiệm cần phải trồng rau màu để phục hồi lại đất, sau đó mới có thể trồng lại cây ổi, không thì trồng cây sẽ khó chăm.

Theo kinh nghiệm của người dân, các diện tích ổi bị thiệt hại cần phải chuyển sang trồng màu để cải tạo đất, sau đó mới có thể trồng lại. Ảnh: Thanh Phương.

Theo kinh nghiệm của người dân, các diện tích ổi bị thiệt hại cần phải chuyển sang trồng màu để cải tạo đất, sau đó mới có thể trồng lại. Ảnh: Thanh Phương.

Ông Ân Văn Kim, hộ dân tiên phong trồng ổi tại xã Sơn Dương chia sẻ: “Do bị ngập nước dài ngày, quả ổi bị hỏng hết, không thể tận thu được. Phải qua đầu năm sau thì may chăng cây ổi mới có thể phục hồi để cho thu hoạch. Cơn bão số 3 đã khiến gia đình tôi bị thiệt hại khoảng 800 gốc ổi”.

Sau bão lũ, người trồng ổi ở xã Sơn Dương đã khẩn trương dọn dẹp, cải tạo lại vườn. Đối với những cây còn khỏe, tập trung chăm bón và kiểm tra những quả non trong bọc xốp, kịp thời loại bỏ những quả đã bị hỏng, ngấm bùn để cây tập trung nguồn dinh dưỡng cho ra mầm mới.

Đại đa số hộ dân nơi đây mong muốn được chính quyền, các cấp ngành tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn giống, phân bón và nguồn vốn để tái sản xuất.

Nông dân trồng ổi mong được hỗ trợ giống, phân bón và vay vốn để tái đầu tư khôi phục sản xuất. Ảnh: Thanh Phương.

Nông dân trồng ổi mong được hỗ trợ giống, phân bón và vay vốn để tái đầu tư khôi phục sản xuất. Ảnh: Thanh Phương.

Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh thông tin: Trên cơ sở thiệt hại, Chi cục đã chủ động tham mưu Sở NN-PTNT chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và các địa phương khắc phục hậu quả. Trong đó tham mưu văn bản hướng dẫn các địa phương xử lý, trước mắt đối với cây trồng, cây ăn quả, rau màu… bị thiệt hại; cùng với đó, lliên hệ với cục chuyên ngành để báo cáo Bộ NN-PTNT đề xuất hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là hóa chất xử lý đất trồng cây bị ngập lụt sau bão lũ.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng tham mưu, đề xuất đề án phát triển nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật để khắc phục hậu quả thiên tai giai đoạn 2025 - 2030...

Bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp Quảng Ninh, trong đó có lĩnh vực trồng trọt. Theo thống kê, tổng diện tích cây trồng bị giảm năng suất là trên 7.000ha, diện tích mất trắng khoảng 600ha, dự báo năng suất, sản lượng giảm khoảng trên 5.000 tấn trong năm 2024.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.