| Hotline: 0983.970.780

Nguồn nước - Tầm quan trọng sống còn

Thứ Sáu 01/05/2020 , 07:36 (GMT+7)

TS Đặng Kiều Nhân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL đã trao đổi với Báo NNVN, tường tận về vấn đề nguồn nước với tầm quan trọng sống còn trong tương lai.

TS Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

TS Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Thủy lợi - Dấu ấn kiến tạo

Qua hai mùa hạn - mặn đỉnh điểm 2016 và lịch sử năm 2020, ông nhận định gì về câu chuyện thời sự hôm nay và tương lai?

Hệ sinh thái tự nhiên, sinh kế của đa số cư dân và rộng hơn, kinh tế - xã hội của ĐBSCL cho đến nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước của sông Mekong và nước mưa. Theo tôi, nói đồng bằng này có tài nguyên thiên nhiên là “trù phú”, nguồn nước “vô tận” tùy vào hoàn cảnh về nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội, không phải trong phạm vi đồng bằng này mà còn cả lưu vực sông từ trên đầu nguồn trở xuống.   

“Hạn – mặn” là hiện tượng tự nhiên ở ĐBSCL diễn ra theo quy luật. Cư dân địa phương đã thích nghi với nhịp tự nhiên đó. Khi nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của lưu vực nói chung và đồng bằng nói riêng, và thời tiết thay đổi bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) như các dự đoán, thì “hạn – mặn” không còn theo nhịp cũ. Các chuyên gia gọi đây là “tình trạng bình thường mới”, sự thay đổi xảy ra thường xuyên hơn và tốt nhất cần phải thích nghi để chung sống.

Quá trình kiến tạo ĐBSCL có sự tác động công sức con người rất lớn. Một thời đất trồng lúa mở rộng, tạo lập kỳ tích và không thể phủ nhận vai trò của những công trình thủy lợi ở hai khu trữ nước tự nhiên lớn nhất vùng là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Dõi theo tiến trình này, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL ghi nhận quá trình tác động hai mặt: Ưu điểm và bất lợi như thế nào?

Liên quan đến phát triển hai tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, tôi nghĩ nên nói là công trình “tưới, tiêu, rửa phèn và quản lý lũ”, nghĩa là vừa phát triển sản xuất lúa, vừa đảm bảo an toàn và phát triển cuộc sống cư dân địa phương. Các nghiên cứu từ Trường Đại học Cần Thơ cũng như các Trường, Viện khác cho đến nay thống nhất các ưu và nhược điểm sau:

Về ưu điểm, nhờ các công trình thủy lợi đã thúc đẩy sản lượng lúa của ĐBSCL tăng đáng kể, bởi vì diện tích đất lúa của hai tiểu vùng này chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất lúa của cả đồng bằng. Phát triển SX lúa, cùng với phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu khác như giao thông, điện, trường học, y tế, chợ và hoạt động kinh tế công nghiệp, thương mại làm thay đổi đời sống cư dân và điều kiện kinh tế - xã hội của vùng. Nếu so sánh những năm đầu thập niên 1990 so với vài năm gần đây thì thấy rất rõ sự thay đổi đó.

Tuy nhiên, nhược điểm dần dần rõ hơn về môi trường sinh thái tự nhiên. Độ phì nhiêu đất giảm do ít phù sa tự nhiên bồi lắng, trong khi trồng lúa và các loại cây trồng khác gần như liên tục quanh năm; nguồn nước mặt bị ô nhiễm do dư lượng hóa chất và rác thải nông nghiệp cũng như rác thải sinh hoạt; cá thiên nhiên và nguồn lợi thủy sinh khác giảm. Các nhược điểm này gây ra nhiều lệ lụy khác về kinh tế (năng suất cây trồng giảm, đầu tư phân bón và thuốc BVTV gia tăng, giảm chất lượng nông sản), môi trường (ô nhiễm đất và nước, giảm đa dạng sinh học và mất hệ sinh thái tự nhiên bản địa đặc trưng) và xã hội (sức khỏe, giảm cơ hội thu nhập cho nhóm cư dân sống nhờ vào khai thác tài nguyên thiên nhiên). Ngoài ra, quản lý nước và phát triển hai tiểu vùng này như thế cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tài nguyên nước mặt của tiểu vùng phía dưới.

Mọi giải pháp phát triển luôn có sự thỏa hiệp (được và mất), tùy thuộc vào mục tiêu và hoàn cảnh. Cách đây ba năm, tôi có dịp nói chuyện với vài cư dân ở hai tiểu vùng này. Họ nói rằng, trước đây khi mà đời sống còn khó khăn thì không thích “lũ lớn” bởi vì muốn an toàn. Tuy nhiên, bây giờ khi mà nhà cửa và tiện nghi sinh hoạt gia đình tốt hơn, thu nhập và cuộc sống cũng như hệ thống hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội khác cải tiến thì trông có lũ để có môi trường sinh thái tốt lên, hiệu quả SX nông nghiệp cao hơn. Thành ra, vấn đề thay đổi là theo hoàn cảnh và mục tiêu của xã hội.     

Nghiên cứu giải pháp công trình là cần thiết để giữ ngọt cho ĐBSCL, tuy nhiên cần xem đầu tư quy mô hay cấp độ giới hạn nào là vừa. Trên thực tế dự án thủy lợi nội vùng nào được đánh giá phát huy hiệu quả cao?

Hệ thống sông rạch và kênh chằng chịt là một đặc trưng của đồng bằng không có nơi nào ở Việt Nam có. Đây là yếu tố quan trọng định hình phân bố dân cư, giao thông, thoát úng, rửa phèn để SX nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác. Hệ thống đó có quy luật tự nhiên và nhờ đó đồng bằng này mới phát triển.

Tài nguyên nước ngọt trên mặt đất ở ĐBSCL thay đổi theo mùa, thừa trong giữa mùa mưa (nước nổi) và thiếu trong mùa khô. Hơn nữa, tài nguyên nước này được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau. Cho nên nói giữ nước ngọt thì chỉ có trữ nước ngọt trong mùa mưa để sử dụng khi cần thiết trong các tháng mùa khô bằng các hệ thống chứa tự nhiên. Vấn đề trữ nước ngọt để làm gì, ở đâu, lúc nào, phạm vi nào, bằng giải pháp nào và có hiệu quả kinh tế so sánh không, ai lợi và ai mất cần những nghiên cứu sâu. 

Ví như tháng rồi, vài nơi ở tiểu vùng trên của Cần Thơ và An Giang xuống giống vụ lúa HT, nước ngập ruộng trắng xóa, trong khi tiểu vùng dưới cư dân thiếu nước ngọt để sinh hoạt và nông dân phải mua nước ngọt với giá tới 100.000 – 200.000/m3 để tưới cây ăn trái. Vậy có hai câu hỏi đặt ra là: Một - ở phạm vi tiểu vùng và vùng, sử dụng nước ngọt ở đâu có hiệu quả hơn và chia sẻ lợi ích như thế nào? Hai - ở quy mô hộ hoặc cộng đồng, có cách nào sử dụng nước ngọt với chi phí thấp hơn thế. Đây là bài toán về quản lý nước cho ĐBSCL khi mà tài nguyên nước ngọt càng ngày càng hiếm. 

Sẽ thật khó trả lời được hệ thống thủy lợi nội vùng nào có hiệu quả cao bởi vì hệ thống thủy lợi phải phục vụ đa mục tiêu, cho nhiều nhóm đối tượng có liên quan và thời điểm khác nhau chứ không phải lợi ích kinh tế thấy được. Năm 2011, có một nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các hệ thống thủy lợi ở phía Nam sông Hậu và Bắc Vàm Nao. Kết quả thấy rằng đa số hệ thống thủy lợi khi đưa vào vận hành phục vụ chủ yếu SX nông nghiệp (phần lớn cây trồng), có nhóm hưởng lợi nhiều và nhóm hưởng ít hoặc thiệt (thường hộ nghèo, ít đất). Một hệ thống có hiệu quả khi mà hệ thống đó hoàn chỉnh đến cấp nội đồng và được vận hành chủ động liên hoàn. Có trường hợp, chỉ đầu tư hệ thống chính và tốn rất nhiều tiền nhưng hệ thống nội đồng chưa hoàn chỉnh nên hiệu quả sử dụng đầu tư thấp, lãng phí. Có trường hợp hệ thống thủy lợi là cản trở của giao thông thủy, vốn phổ biến và lợi thế của đồng bằng này. Theo tôi biết, hệ thống thủy lợi Bắc Vàm Nao là hệ thống hoàn chỉnh và quản lý hiệu quả so với nhiều hệ thống khác.

Sử dụng nước ngọt có hiệu quả

ĐBSCL từng có những năm, mùa nước nổi mênh mang. Ảnh: Hữu Đức.

ĐBSCL từng có những năm, mùa nước nổi mênh mang. Ảnh: Hữu Đức.

SX nông - thủy sản hàng hóa đóng vai trò chủ lực của ĐBSCL. Trước dự báo những tác động bất lợi do BĐKH và hệ thống đập thủy điện dựng lên chặn dòng chính sông Mekong, đã có nhiều khuyến cáo lẫn cảnh báo các bước chuẩn bị ngay từ bây giờ cần “giữ ngọt”. Theo ông đâu là giải pháp giữ ngọt khả thi? Nếu có, cần lộ trình lâu dài thế nào?

Giải quyết việc này, quan điểm chỉ đạo đã được nhắc trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nếu nói phát triển kinh tế nông nghiệp (bao gồm thủy sản) ở đồng bằng theo lợi thế sinh thái thì phải xác định rõ đối tượng ưu tiên ở từng tiểu vùng sinh thái nước ngọt, lợ và mặn; đồng thời quan hệ hỗ tương về sử dụng nước giữa các tiểu vùng này theo mùa. Vấn đề không phải là “giữ nước ngọt” bằng mọi giá mà quản lý và sử dụng nước ngọt có hiệu quả ở các cấp độ khác nhau từ hộ, cộng đồng, tiểu vùng và đồng bằng. Làm như vậy phải có tiến trình thực hiện dần từng bước vì tùy thuộc vào mục tiêu ưu tiên sử dụng nước, phát triển của khoa học - công nghệ, vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, yếu tố bất định của BĐKH và lưu lượng của sông Mekong đến đồng bằng.

Trước mắt, ở cấp hộ và cộng đồng, nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện tại, áp dụng khoa học – công nghệ để sử dụng nước ngọt có hiệu quả nhất và ứng phó với tình huống ngắn hạn cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các hoạt động kinh tế khác. Giải pháp khoa học - công nghệ sử dụng nước có hiệu quả trong nông nghiệp phải gắn với mùa vụ, giống, kỹ thuật canh tác, cần tổ chức triển khai ở quy mô cộng đồng. Làm được như thế, cần đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh như đầu tư các ô thủy lợi (200 – 500ha) đã có ở vài nơi. Kết hợp quản lý nước gắn với chuỗi giá trị nông sản khép kín. Tuy nhiên, khó cho địa phương là không có kinh phí để đầu tư kết cấu hạ tầng cho nhiều ô thủy lợi như thế.

Khi các giải pháp ở cấp hộ và cộng đồng không còn hiệu quả thì tính tới giải pháp ở cấp tiểu vùng về bố trí lại kiểu sử dụng đất và nước, áp dụng khoa học – công nghệ và nâng cấp kết cấu hạ tầng quản lý nước tiểu vùng, trong mối quan hệ với các tiểu vùng lân cận để tránh mâu thuẫn về sử dụng nước. Cuối cùng, giải pháp cho cả đồng bằng, tiểu vùng nào sử dụng nước ngọt, lợ và mặn cho đối tượng kinh tế gì để có hiệu quả cao nhất ở phạm vi vùng và chia sẻ lợi ích sử dụng nước như thế nào giữa các tiểu vùng. 

Nhìn lại thực tiễn đời sống SX của cư dân ĐBSCL, các mô hình trữ ngọt, giữ ngọt xưa - nay có gì khác nhau? 

Tôi thấy khi ứng phó với hạn – mặn năm 2016 và năm nay, đối với nước sinh hoạt người ta bắt đầu suy nghĩ lại và áp dụng cách làm như 30 - 40 năm về trước (sử dụng ao giữ nước ngọt cộng đồng để sinh hoạt, sử dụng lu, hồ trữ nước mưa, “đổi nước” sử dụng xe hoặc ghe). Khác là các ao tự nhiên hiện nay không còn nữa, đầu tư ao nhân tạo tốn kinh phí lớn và cần tính toán kỹ có hiệu quả không vì tùy thuộc vào địa chất (thấm và phèn).

Đối với SX nông nghiệp, người ta cũng nghĩ tới các giải pháp thay đổi cây trồng, vật nuôi chịu được hạn – mặn và kỹ thuật canh tác thích ứng. Khoa học – công nghệ hiện nay ngày càng phát triển. Vấn đề quan trọng là các bên liên quan có chịu và có năng lực để sẵn sàng thay đổi thích ứng hay không. Một hệ thống sinh thái SX ngọt thường ổn định và dễ quản lý hơn lợ hoặc mặn nên thường khó thay đổi mặc dù lợi thế sử dụng nước lợ hoặc mặn nhiều hơn nước ngọt.

Cách thích ứng tùy theo tiến trình, phạm vi và thời gian như đã nói trên là giải pháp cho ĐBSCL. Cần khẳng định là sử dụng nước ngọt có hiệu quả chứ không phải là “giữ nước ngọt” bằng mọi giá, tốn kém. Tăng cường năng lực cấp hộ và cộng đồng cư dân và sự tham gia của doanh nghiệp để linh động ứng phó với khan hiếm nước ngọt và hiểm họa hạn - mặn là rất quan trọng vì năng lực của Nhà nước có giới hạn.

Xin cảm ơn ông!

  • Tags:
Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.