| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ "khai tử" hàng loạt DN nông nghiệp

Thứ Tư 28/03/2012 , 09:53 (GMT+7)

Tại Hội nghị Diễn đàn DN nông nghiệp do Bộ NN-PTNT tổ chức, gần 300 DN tham dự, phát biểu như kêu trời bởi cực khó tiếp cận nguồn vốn.

Tại Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua - 27/3, gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp tham dự, phát biểu như kêu trời bởi cực khó tiếp cận nguồn vốn.

Quá khó tiếp cận vốn 

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp (nông lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản), ông Phạm Xuân Hoàn, Phó trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT cho biết, tính đến cuối năm 2009, nước ta có 8.749 doanh nghiệp nông nghiệp (DN NN) đang hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm trên 3,5% tổng số DN cả nước), trên 98% DN NN là nhỏ và vừa. Hiện có trên 380.000 lao động đang làm trong các DN NN (chiếm trên 4% tổng số lao động trong các DN của tất cả ngành kinh tế). “Thuận lợi thì ít nhưng khó khăn thì nhiều” - ông Hoàn nói tiếp.

Đó là DN NN đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đặc biệt nguồn lực tài chính rất yếu so với yêu cầu. Phần lớn DN NN có trình độ khoa học, công nghệ lạc hậu, tay nghề công nhân thấp kéo theo chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cũng thấp theo. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp ít có khả năng cạnh tranh so với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh yếu kém về chất lượng sản phẩm hàng hóa thì việc thiếu hụt về công nghệ thông tin và khả năng ngoại ngữ cũng là nguyên nhân quan trọng thể hiện DN NN chưa thật sự có đủ sức mạnh trước yêu cầu cấp bách của hội nhập. Họ cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, mở rộng đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Rồi cũng vì các DN NN này chủ yếu là sản xuất kiểu nhỏ lẻ, phân tán và manh mún, cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn yếu kém nên cũng ít “ông chủ” lớn muốn đầu tư.

Đại diện ngành nông nghiệp thừa nhận nguyên nhân của những bất cập trên xuất phát từ công tác quản lý của nhà nước đối với các DN NN chưa hoàn thiện. Những cán bộ quản lý đó lại có trình độ chuyên môn, am hiểu về quản lý hạn chế. Đặc biệt, qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, nhiều Sở NN-PTNT cho rằng đây là việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư nên chưa quan tâm đúng mức. Đó cũng là lý do tại sao phần lớn các Sở chưa nắm được tình hình hoạt động DN NN ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh mình. 

Khó tiếp cận vốn, không ít DN thủy sản đang rất khó khăn

Cần chuyển đổi Cty TNHH 1 thành viên

Chuỗi khó khăn mà các DN đang phải đương đầu càng đậm nét hơn khi ông Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện NC Ngô, kiêm Chủ tịch Cty TNHH 1TV Tư vấn và Đầu tư phát triển Ngô cho hay, Cty đang phát huy rất tốt trong việc chuyển giao giống mới, trung bình mỗi năm Cty bán được từ 3.000-3.500 tấn ngô. Giá cả lại “mềm”, ổn định (chỉ bằng 60% so với Cty nước ngoài) nên đã được nhiều Cty liên doanh nước ngoài lựa chọn làm đối tác. Tuy nhiên, thuận lợi đó đang ngày càng bị siết chặt khi Cty vẫn đang phải cõng chiếc áo “nhà nước” là Cty TNHH 1 thành viên và hoạt động theo quy chế của Viện.

Để được phát triển mạnh mẽ hơn, ông Triệu kiến nghị Bộ cho phép năm 2013 chuyển đổi thành Cty cổ phần để có thêm điều kiện gắn kết được nhiều nhà nghiên cứu, khoa học và rạch ròi về kinh tế. Qua đó mới có sức cạnh tranh cao và có mức tăng trưởng ổn định. “Nhà nước hãy yên tâm bởi khi cổ phần, tài sản, đất đai nhà nước sẽ không mất đi. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền thuê đất hàng năm” - ông Triệu khẳng định thêm. Đồng tình với việc nên chuyển các Cty TNHH 1 thành viên sang Cty cổ phần, ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho rằng, chỉ khi quản lý và sử dụng chính đồng tiền mình đầu tư thì mới có trách nhiệm phát triển.

Đại diện cho hơn 40 DN hoạt động về mía đường, ông Phạm Ngọc Thao, Hiệp hội mía đường VN cho hay, 6 tháng trở lại đây, 1/3 DN mía đường đang có nguy cơ bị thua lỗ bởi cán cân cung - cầu đã lệch, cung đã vượt cầu. Nhiều nhà máy đã phải bán sản phẩm dưới giá thành. Lo ngại hơn cả là hiện còn 420.000 tấn đường đang tồn kho mà chưa có đơn hàng nào bán cả và hàng chục triệu nông dân đang quay lưng lại với cây mía. Còn ông Trần Mạnh Báo, PCT Hiệp hộp thương mại giống cây trồng VN thì cho rằng: Đa số DN giống cây trồng là nhỏ và vừa, trình độ lạc hậu, marketing rất yếu. Vì vậy, mong nhà nước có chính sách đào tạo cán bộ nông nghiệp. Đề nghị cần tiến hành chương trình xây dựng Luật cây trồng để xiết chặt quản lý. Hiện có tỉnh bé tẹo mà có tới hàng chục, thậm chí cả trăm DN mọc ra kinh doanh giống gây nên tình trạng rất lộn xộn.

Ngân hàng không thiếu vốn với DN làm ăn thật

Theo báo cáo của Phòng thương mại công nghiệp VN, cuối năm 2011 có 79.000 DN trong tổng số 620.000 DN của cả nước ngừng hoạt động, trong đó DN ngành nông nghiệp chiếm nhiều.

Đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước VN khẳng định bơm tiền ra chỉ là kỹ thuật. Thế nhưng, mặc dù không thiếu vốn nhưng tại sao bây giờ hệ thống các Ngân hàng hạn chế cho DN NN vay bởi đang có quá nhiều Cty "ma" (có Cty thành lập tới 30 Cty con) để nhằm thế chấp ngân hàng nhiều hơn. Đặc biệt, hiện nay DN NN bị mất điểm quá vì có nhiều DN thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long nợ ngân hàng quá nhiều. Vì vậy, hệ thống ngân hàng càng thận trọng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng cho DN vay nhiều tiền (thậm chí cao hơn vốn tự có) nếu như đánh giá được uy tín, khả năng, kế hoạch kinh doanh, sản xuất của Cty đó.

Đại diện cho Bộ NN-PTNT, ông Phạm Xuân Hoàn cho hay, năm 2011-2015 sẽ tiến hành khảo sát thực địa DN để nắm bắt tình hình và đề xuất kịp thời các chính sách, biện pháp hỗ trợ DN phát triển. Bộ sẽ đẩy mạnh nhiều chương trình như đào tạo nguồn nhân lực cho DN NN, hỗ trợ cho DN thuộc đối tượng khó khăn. Đồng thời miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Bộ sẽ tác động tiếp để ngân hàng cho DN vay tiền với lãi suất ưu đãi để hoạt động, trong đó ưu tiên DN nông nghiệp, nông thôn; những DN làm ăn kém hiệu quả thật sự thì cho phá sản luôn.

Xem thêm
Tôm hùm sống và cua sống nhiều ‘cửa sáng’ tại thị trường Trung Quốc

Nhập khẩu cua sống của Trung Quốc tăng 26% lên mức ấn tượng 1,63 tỷ USD trong năm 2023; trong khi đó nhập khẩu tôm hùm sống cũng tăng vọt 29%, đạt 790 triệu USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.