Ngày 8/3/2020, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một ca ngộ độc nặng methanol sau khi uống cồn sát trùng.
Trước đó, bệnh nhân Lương Văn Ng. được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Hải Dương trong tình trạng hôn mê cùng chai cồn sát trùng 90 độ đã dùng hết.
Xét nghiệm máu bệnh nhân cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol 491,79 mg/dL, nồng độ ethanol âm tính. Bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, chụp cắt lớp não có tổn thương nhân bèo và phù não. Xét nghiệm chai cồn gia đình mang tới cho thấy, nồng độ methanol là 81,88% và nồng độ ethanol chỉ có 1,01%.
Đây chỉ là một trong số hàng chục ca ngộ độc methanol mà Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng năm.
Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, không chỉ với những người dùng cồn thay rượu mà còn cả với các cơ sở y tế không kiểm soát chặt chẽ, để cồn giả len lỏi vào được quá trình điều trị.
Nguy cơ kép
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho rằng, việc pha cồn ra để uống là hoàn toàn sai lầm, dù đó có là cồn y tế ethanol chuẩn đi nữa, cũng có thể gây ra bỏng, loét hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa, chưa kể đến việc dùng phải methanol.
Không chỉ xuất hiện trong các chai cồn sát trùng giả, methanol hiện nay còn có trong các loại rượu trôi nổi, không nhãn mác. Nhấn mạnh vấn đề này, BS cho biết, nguồn gốc của methanol trong cuộc sống hiện nay là từ sản xuất công nghiệp với nguyên liệu chính là từ gỗ hoặc các nguyên liệu tương tự. Với việc nấu rượu từ ngũ cốc như cách làm truyền thống tạo ra sản phẩm chính là ethanol và nước, không phải là con đường gây ngộ độc methanol hiện nay.
Do đó, việc methanol có trong rượu cho thấy người bán đã nhẫn tâm mua cồn công nghiệp về pha để bán cho người tiêu dùng, bất chấp những nguy hiểm của chúng với sức khỏe.
Với methanol, sau khi uống phải sẽ chuyển hóa thành axit formic, tấn công các cơ quan gây mù mắt, tổn thương não, máu nhiễm axit, tụt huyết áp và hôn mê. Hiện nay, tỷ lệ tử vong với các bệnh nhân ngộ độc methanol ở các cơ sở y tế tuyến dưới có thể lên đến 50%, ngay cả ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng là 30%, đa phần là do vào viện khi đã quá muộn.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn nữa mà BS Nguyên muốn đề cập, đó là trong y khoa, methanol không được công nhận là chất sát trùng. Việc methanol “đội lốt” cồn sát trùng, len lỏi vào quá trình điều trị của các cơ sở y tế có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Thứ nhất, khi dùng sát trùng trên da, niêm mạc người, kể cả da lành, methanol hoàn toàn có thể hấp thu qua da, khi dùng trên diện rộng có thể hấp thu nhiều tới mức gây ngộ độc cho người được chăm sóc y tế. Thứ hai, nguy hiểm hơn đó là không đảm bảo sát trùng, tiêu diệt mầm bệnh, không thể bảo vệ người bệnh trong những công đoạn cần sát trùng.
BS Nguyên ví dụ: “Nếu dùng phải cồn sát trùng giả thì từ lấy máu, tiêm truyền, sát khuẩn tay, cho đến các thủ thuật, phẫu thuật, ví dụ phẫu thuật tim, phổi, bụng... sẽ không đảm bảo được sát trùng, dẫn đến nguy cơ đưa thêm vi trùng vào bệnh nhân, nhiễm trùng bệnh viện lan rộng, nhiễm khuẩn sau mổ cho bệnh nhân, đe dọa đến tính mạng”.
Rồi hiện nay, nhà nhà người người, mọi cơ sở y tế cần các loại cồn sát trùng tay khi đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, vậy nếu các sản phẩm cồn nguy hiểm này được bán tràn lan thì hậu quả chúng ta đều có thể thấy.
Theo Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, điều này cho thấy nạn cồn sát trùng giả đang trở thành mối lo ngại với cả ngành y tế và đe dọa đến tất cả các đối tượng cần được chăm sóc y tế.
Xử lý thế nào?
Hiện nay, các bệnh viện, cơ sở y tế lớn đều có quy trình chọn mua các vật tư y tế nên có thể khó có hiện tượng methanol “đội lốt” cồn sát trùng len lỏi vào được.
Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn đối mặt với nguy cơ để lọt các sản phẩm nguy hiểm này và sử dụng cho các bệnh nhân của mình. Mặt hàng này vẫn trôi nổi ở các nhà thuốc, người dân dễ dàng mua phải, vừa có nguy cơ ngộ độc khi uống vừa gây nguy hiểm khi dùng để sát trùng nhưng không có tác dụng.
Về giải pháp, BS Nguyên cho biết có thể có nhiều cách, nhưng cơ bản là làm thế nào không để các loại cồn công nghiệp bị tuồn ra ngoài, các sản phẩm cồn công nghiệp cần được quản lý chặt chẽ, đánh dấu nhận dạng cho ai cũng có thể biết đó là độc để biết mà tránh, và có vào tay kẻ xấu thì họ cũng không thể sử dụng được làm cồn sát trùng rởm hoặc rượu rởm.
Một phương án đơn giản nhưng rất hiệu quả mà các nước phát triển đã làm, đó là nhuộm màu cho cồn công nghiệp methanol. Khi đó, mọi loại cồn công nghiệp đều có màu xanh dễ nhận biết, không thể dùng để làm giả được cồn sát trùng hay pha với rượu. Nhờ có nhận dạng như vậy nên ít có nhầm lẫn gây ngộ độc, nếu có ai chót uống thì cũng biết là uống phải chất độc và được đưa nay đến viện thì chữa rất hiệu quả, hồi phục toàn toàn.
Trong khi đó, ở Việt Nam, do cồn công nghiệp methanol đội lốt trong rượu rởm, cồn sát trùng rởm nên người uống không biết đó là độc, đến 1 - 2 ngày sau (tới 48 giờ sau uống) mới thấy biểu hiện, khi mắt đã mờ, não đã tổn thương, làm giảm khả năng cứu chữa, thậm chí không cứu được, tử vong hoặc mù, hôn mê vĩnh viễn.
Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, các cơ sở y tế, nhà thuốc cần siết chặt hơn quá trình lựa chọn khi mua về sử dụng, cần kiểm tra, kiểm định không để mua phải các sản phẩm có methanol.
Với người dân, trước hết nên hạn chế uống rượu tối đa, cần nâng cao hiểu biết, sử dụng các loại cồn, rượu có nguồn gốc, nhãn mác cụ thể, rõ ràng và khi mua bán phải có hóa đơn, chứng từ, để có thể truy xuất nguồn gốc, truy cứu trách nhiệm người bán, người sản xuất khi có vấn đề.
Ngoài nguồn gốc, loại sản phẩm và độ tin cậy của chúng, nếu trước mặt bạn có hai chai cồn hoặc hai chai rượu không nhãn mác, không có cách nào phân biệt được giữa cồn công nghiệp methanol và ethanol.
Cồn công nghiệp methanol thậm chí hơi ngọt, dễ uống hơn rượu ethanol, khi uống ban đầu cũng “say” giống như rượu ethanol, có điều giai đoạn tiếp theo, thậm chí 24 - 48 giờ sau mới xuất hiện các tác dụng gây độc thật sự trên cơ thể.
Nếu trong trường hợp phát hiện ngộ độc methanol, bệnh nhân đến viện càng sớm thì khả năng cứu sống càng cao.
“Trong những giờ đầu tiên, lý tưởng là trong khoảng 6 giờ đầu, nếu được đưa đến cơ sở y tế cứu chữa kịp thời thì gần như sẽ cứu được mạng sống”, BS Nguyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mọi giải pháp trên đây đều chỉ là xử lỷ ở phần ngọn của vấn đề. Do methanol chỉ có nguồn gốc từ nhập khẩu hoặc sản xuất lớn trên quy mô công nghiệp nên việc chất này xuất hiện trong các loại rượu và cồn sát trùng nguy hiểm như trên là do có khoảng trống trong quá trình quản lý các hóa chất độc hại.
Để xử lý được gốc rễ của vấn nạn này, cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, kiểm soát chặt chẽ methanol từ khi nó chưa bị phù phép thành các sản phẩn cồn sát trùng hay rượu giả.
Thông tin chai cồn bệnh nhân Lương Văn Ng. uống
Thông tin trên nhãn mác: CỒN 90°, Công ty THNN Đầu tư Thương mại Dược Hải Nam. Địa chỉ: số 158, Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội, ĐT 0985448383, 0969172828.
Công dụng: Tiệt trùng dụng cụ.
Ngày sản xuất 01/02/2020.
HSD: 03 năm.
Barcode: 8938519370685.