| Hotline: 0983.970.780

Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ: Cần tin vào dân khi giao đất rừng lâu dài

Thứ Sáu 22/09/2017 , 08:32 (GMT+7)

Nghiên cứu rất kỹ những vấn đề Báo NNVN đặt ra trong loạt bài về đất rừng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ kiến giải: Nhu cầu đất sản xuất lâm nghiệp của người dân miền rừng đúng là nóng bỏng.

12-52-12_le_huy_ngo
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ

Cần phải trả đất cho dân và không thể để tồn tại nghịch lý khi một diện tích lớn đất lâm nghiệp đang nằm trong các BQL rừng, công ty lâm nghiệp (tiền thân là các nông lâm trường)… Nhưng làm thế nào để giải bài toán đất rừng? Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, vấn đề này không hề đơn giản.
 

Không ai làm tốt hơn dân

Vì sao dân không có đất? Còn nhớ thời tôi làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ròng rã 5 năm trời trả lời trước Quốc hội, 3 lần giao lại đất cho nông dân. Thủ tướng Phan Văn Khải giai đoạn đó nhiều lần khẳng định: Không thể để cho đồng bào các dân tộc không đủ đất sản xuất. Tuy nhiên, đất đai luôn là vấn đề phức tạp, nếu không giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa người và đất thì không thể giải được bài toán này- Ông Lê Huy Ngọ mở đầu.

Thưa ông, các con số thống kê chỉ ra rằng, diện tích đất lâm nghiệp của chúng ta rất lớn và việc người dân thiếu đất sản xuất là một nghịch lý. Vậy mấu chốt của nghịch lý này là ở đâu?

Theo thống kê, năm 2000 diện tích đất rừng của chúng ta là 17 triệu ha, trong đó Nhà nước quản lý 14 triệu ha, khu vực ngoài nhà nước 3,4 triệu. Đến năm 2010, diện tích còn 15,3 triệu ha khu vực nhà nước quản lý còn 9,3 triệu ha, nhưng riêng phần diện tích các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp quản lý lại tăng lên 6 triệu ha. Diện tích các công ty lâm nghiệp chỉ còn 1,9 triệu ha.

Điều này có nghĩa là các chính sách của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay vẫn luôn tập trung tìm mọi cách để có đất cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, những chính sách của chúng ta có thể chưa trúng bản chất của vấn đề.

Trước hết, cần phải khẳng định đất rừng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Ổn định sản xuất đất rừng luôn đòi hỏi sự lâu dài. Chính vì vậy, cần phải có qui hoạch lâu dài và có tầm nhìn chiến lược, sự phân chia vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế của dân, vừa đảm bảo được các vấn đề lợi ích của đất nước.

Nên nhớ rằng đa phần đa nông dân sống ở miền rừng, dựa vào rừng là người đồng bào các dân tộc. Đời sống của họ còn đang rất khó khăn. Chúng ta không thể đòi hỏi người dân giữ rừng, giữ đất rừng khi đời sống hàng ngày của họ không được đảm bảo. Thử nhìn xem những người nhiều đất rừng nhất hiện nay là ai? Đó là những người lợi dụng sự khó khăn của dân để mua đi bán lại đất mà người dân đã được giao.

Đó là thực trạng của việc có đất rồi lại mất đất. Vì sao đồng bào phải bán? Vì họ phải lo miếng ăn từng ngày. Đấy là chưa kể một diện tích đất rừng khá lớn của chúng ta để cho đồng bào tự do quảng canh du canh, du cư. Trồng ngô, trồng sắn, gieo lúa trên đất dốc thì chỉ được 3 năm là đất xói mòn tàng kiệt. Nhưng người dân không có cách nào khác. Cái khó nhất của họ là vấn đề lương thực. Sắn 6 tháng ăn, ngô còn nhanh hơn, chỉ 4 tháng. Trong khi một chu kỳ rừng kéo dài ít nhất cũng 7-9 năm. Người dân quý đất không? Quý lắm chứ. Nhưng họ cần tiền mua gạo để sống ngày mai.

Chúng ta giao đất, giao rừng cho dân nhưng không đi liền với tổ chức và hỗ trợ phương thức sản xuất mới. Trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả nhất trên đất rừng mà dân đã được giao? Người dân miền rừng vẫn đang phải tự loay hoay với vấn đề cuộc sống từng ngày.
 

Chính sách và nguyện vọng của người dân chưa gặp nhau

Nhà nước đã có nhiều chính sách về đất lâm nghiệp, nhưng, như ông nói,có vẻ như các chính sách vẫn còn chưa sát với thực tiễn, chưa đi được đến cùng để giải quyết những bức xúc trước mắt và phát triển lâm nghiệp bền vững, thưa ông?

Thực tế thì chúng ta đã nhiều lần quy hoạch rừng, quy hoạch đất rừng với mục tiêu liên kết: Giữ được rừng sẽ giữ được dân. Nhưng vì chính sách chưa đủ nên rừng cũng chưa giữ được trọn vẹn còn dân thì vẫn khó khăn.

Đa phần cuộc sống của người dân miền núi còn khó khăn do lợi ích kinh tế từ rừng mang lại chưa tương xứng

Các việc giao đất của ta thường chỉ đến công đoạn bàn giao và xem như xong nhiệm vụ. Đúng. Đất đai là nhu cầu bức thiết của người dân. Nhưng chỉ giao đất thôi thì chưa thể giải quyết được vấn đề. Người dân không chỉ cần đất, thứ cần hơn nữa là phương thức canh tác có hiệu quả lâu dài, cần được tạo điều kiện để phát triển sản xuất có thu nhập lâu dài bền vững.

Quá trình chuyển đổi đất lâm nghiệp từ Nhà nước quản lý sang giao cho dân sản xuất là một quá trình gay gắt. Lãnh đạo các địa phương thấy dân khổ, dân bức xúc nhu cầu cầu đất đai thì kêu nhưng đất lâm nghiệp là một đặc thù. Người miền xuôi được giao đất nông nghiệp, giao ruộng để sản xuất ổn định lâu dài, khi chuyển nhượng có thể định giá tài sản, nhưng thử hỏi, có ai giao đất rừng, đất lâm nghiệp lâu dài với tư cách là tài sản cho dân miền rừng chưa? Chúng ta luôn nghĩ chỉ có Nhà nước mới có thể quản lý được. Suy nghĩ này không sai vì Nhà nước có đầy đủ ban bệ để quản lý, nhưng căn cứ thực tế có thể khẳng định: Nếu chúng ta tin ở dân, có chính sách đúng đắn tổ chức sản xuất và tạo điều kiện cho dân kinh doanh rừng, bảo vệ rừng thì chắc chắn dân làm được. Tôi đảm bảo thế.

Chúng ta đồng ý rằng đất rừng là đất của Nhà nước. Nhưng để sử dụng như thế nào cho hiệu quả thì cần phải có vai trò của người dân. Dân họ sống dựa vào rừng, chết cũng nằm lại với rừng nên họ có trách nhiệm với rừng hơn. Thực tế có thể thấy, rừng về tay dân tốt như thế nào. Còn rừng keo, rừng bạch đàn của nhiều doanh nghiệp lại cằn cỗi heo hắt thế nào?

Như ông nói, nếu tin dân cộng với chính sách đúng đắn, chắc chắn dân sẽ làm được. Vậy phải chăng, trong bối cảnh này, người nông dân miền rừng chưa thực sự có quyền quyết định trên mảnh đất của họ?

Những năm 1975-1976, khi ấy tôi là Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú. Nhà nước xây dựng Nhà máy Giấy Bãi Bằng với công suất khoảng chừng 5 vạn tấn, đòi hỏi nhu cầu 25 vạn tấn nguyên liệu để hoạt động hết công suất.

Với suy nghĩ lúc bây giờ chúng ta rất tự tin rằng, chỉ có con đường phát huy sức mạnh của Nhà nước. 18 lâm trường được thành lập trải khắp các tỉnh Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Yên Bái. Hàng ngàn, hàng vạn công nhân tập trung khai thác rừng tự nhiên, trồng thay thế rừng mới nhưng rốt cuộc chỉ đáp ứng chưa được 1/3 công suất. Sản lượng tối đa chỉ từ 1,5-2 vạn tấn. Giấy nguyên liệu thiếu do không đủ khả năng để sản xuất giấy.

Nhưng có một nghịch lý là Nhà máy thiếu nguyên liệu nhưng rừng vườn của nhân dân thì xanh ngút ngàn khắp vùng trung du. Nhà nào cũng có vườn rừng. Họ sống gắn bó với rừng.

Còn nhớ lúc bấy giờ, khi đồng chí Đỗ Mười đã chỉ đạo phải tìm phương án đảm bảo công suất cho nhà máy, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất 3 phương án: Một là phải áp dụng phương thức sản xuất tổng hợp, mở rộng thêm các loại cây trồng địa phương như diễn,luồng.... Hai là lâm trường liên kết với dân. Ba là mở rừng cho dân giữ rừng và giao đất cho dân trồng rừng.

Bằng việc mở rừng cho dân sản xuất, hỗ trợ giống, KHKT giúp cho người dân chủ động sản xuất và đặt vai trò của họ ngang với vai trò của lâm trường, thu mua gỗ nguyên liệu của dân bằng giá thị trường, thành tựu đạt được là sản xuất tăng gấp 4-5 lần. Núi rừng được phủ xanh. Nguyên liệu được đáp ứng. Và kết quả đạt được là một trong những thành tựu đổi mới sản xuất ở vùng trung du miền núi.

Thực tế hiện nay, người dân bức thiết về đất sản xuất, Nhà nước bức thiết về vấn đề giữ rừng, nhưng hai “đường thẳng” này lại chưa gặp được nhau. Nhà nước có thể vẫn hỗ trợ tiền, hỗ trợ gạo cho người miền rừng nhưng chỉ thế thôi thì không thể giải quyết căn cơ mối quan hệ giữa người và đất.

Chúng ta hô hào người dân giữ rừng nhưng mức sống của họ quá thấp thì giữ làm sao được. Chúng ta kỳ vọng người dân trồng rừng liên kết khi lợi ích của họ được chia mức ít ỏi. Họ sống miền rừng mà que củi, cây gỗ trong rừng phòng hộ đến kỳ khai thác phải xin hết cấp này đến cấp khác.

Câu chuyện mất rừng phòng hộ ở Bình Định vừa rồi là một bài học đau đớn. Dân biết tình trạng phá rừng không? Họ nắm từng chân tơ kẽ tóc ấy. Có điều họ không nói, vì nói cũng chả ích lợi gì. Chính vì vậy muốn người dân sát cánh giữ đất, giữ rừng thì không được tham, phải phân chia quyền lợi sao cho xứng đáng với vai trò, công sức của họ. Không ai giữ rừng tốt hơn nhân dân đâu.
 

3 giải pháp để dân sống được nhờ rừng

Thưa ông, bằng thực tế ở địa phương và nhiều năm giữ vai trò Tư lệnh ngành Nông nghiệp, ông có giải pháp gì với thực trạng đất lâm nghiệp hiện nay?

Trước hay sau gì thì người nông dân vẫn phải làm chủ nền nông nghiệp. Có một điều không phải bàn cãi là kinh tế rừng những năm gần đây đang phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng ngành nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tổng giá trị sản xuất tăng trên 4%, giá trị xuất khẩu đã hơn 6 tỷ đô la. Đã xuất hiện nhiều mô hình nông lâm kết hợp có thu nhập cao, xuất hiện các mô hình kinh doanh rừng thu nhập lớn… Xuất hiện các hộ nông dân kinh doanh rừng, sản xuất rừng cho thu nhập khá. Xuất hiện các loại hình mới như trang trại nghề rừng. Nơi các chủ rừng tự đánh đường vào, có ô tô, có thuê cán bộ kỹ thuật và thuê người phát triển sản xuất… và thu nhập tiền tỷ.

Tỉ phú rừng Phạm Đức Thắng, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (bên phải) và cánh rừng 25 ha đã được làm chủ

Điều đó có nghĩa là người dân hoàn toàn có thể giàu được nhờ rừng.

Muốn đạt được mục tiêu đó, thứ nhất, mỗi hộ dân ngoài việc cần thiết có đất để sản xuất phù hợp với khả năng của từng loại hộ thì cần phải được tổ chức sản xuất hỗ trợ KHKT để sản xuất cây gì, con gì có hiệu quả kinh tế lớn nhất, phù hợp nhất với lợi thế họ đang có.

Thứ hai, việc giao đất, giao rừng phải đi đôi với quản lý đất rừng. Lâu nay chúng ta mới chỉ nói đến quản lý rừng chứ chưa đề cập nhiều đến quản lý đất rừng. Người dân không thể tự quản lý đất đất rừng khi vẫn còn mập mèm về ranh giới trên thực địa. Nói cách khác, sau khi quy hoạch xong rồi, giao đất xong rồi thì Nhà nước phải cụ thể quyền sử dụng đất lâu dài cho người dân. Phải giao bằng bản đồ, mốc giới, bằng sổ đỏ chứ không phải bằng nghị quyết giao trên giấy để rồi người sử dụng đất rơi vào tình trạng hoang mang không biết địa giới được giao và khi nào đất bị thu hồi.

Thứ ba, cần phải có tổ chức sản xuất phù hợp với nghề rừng. Phải xác định rừng là cây lâu dài, thu nhập lâu dài nên đòi hỏi phương thức sản xuất tổng hợp, phù hợp. Cần phải mở cửa về đất đai bằng việc giao đất lâu dài và ổn định, nhưng không cào bằng. Ai có điều kiện, ai đủ khả năng thì sẽ được tạo điều kiện giữ rừng, trồng rừng.

Ngoài ra cần phải tạo điều kiện về tín dụng nông nghiệp, cần hình thành nên các tổ hợp tác để hỗ trợ nhau, để đưa KHKT vào sản xuất, để cạnh tranh thị trường…

Và cuối cùng, cần phải có chính sách thích hợp bảo vệ quyền lợi chính đáng, đúng với công sức người dân tham gia giữ rừng, phát triển rừng phòng hộ và sử dụng đất rừng được giao. Bởi, chính sách như hiện nay, công lao người dân với rừng còn rẻ quá.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất