| Hotline: 0983.970.780

Khi rừng là của dân không chỉ giữ được màu xanh, mà còn thực sự là 'vàng'!

Thứ Ba 19/09/2017 , 13:30 (GMT+7)

Rừng là vàng, thật vậy! Thực tế cho thấy, khi đất rừng được trao quyền làm chủ thực sự về cho dân, thì không chỉ tạo được chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ phát triển rừng, mà còn làm thay da đổi thịt đời sống của người làm nghề rừng.

Thực tiễn mà NNVN ghi nhận ở huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) là một ví dụ.
 

Khi rừng phòng hộ được... “tháo gông”!

Cũng như nhiều địa phương khác ở miền trung du phía Bắc, Tuyên Quang trước đây từng sở hữu một diện tích rừng khổng lồ với diện tích hàng trăm nghìn ha được quy hoạch là rừng phòng hộ. Trong đó, phần lớn rừng phòng hộ là rừng trồng thuộc nhiều dự án trồng rừng như 327, rừng 661, dự án RIDP (Dự án Đa dạng hóa thu nhập nông thôn)...

Rừng phòng hộ hồ Hoa Lũng (huyện Sơn Dương), một trong số ít diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng chưa được bàn giao cho dân

Bước đột phá quan trọng đến từ năm 2010, khi UBND tỉnh này quyết định quy hoạch lại, chuyển hơn 18 nghìn ha rừng phòng hộ (phần lớn là rừng trồng) sang rừng SX kèm theo đề án giao đất – giao rừng cho người dân. Trong đó, riêng huyện Sơn Dương đã có gần 2.700 ha được “trao trả”. Đến thời điểm này, đã có gần 1.700 ha trong số đó đã được UBND huyện Sơn Dương đo đạc cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài (các xã có diện tích lớn như Phú Lương 180ha, Đại Phú 170ha, Đông Lợi 265 ha...).

Với đối tượng ưu tiên hàng đầu được giao đất, giao rừng là những hộ gia đình, cá nhân đang nhận khoán trồng và bảo vệ rừng trồng dự án hoặc đã gắn bó lâu đời với khu rừng cụ thể ở địa phương, đến nay, những diện tích rừng sau khi được cởi bỏ chiếc áo “rừng phòng hộ”, đã thực sự giải được cơn khát đất rừng của người dân, bước đầu giúp họ yên tâm bám rừng...

Chiều muộn, ông Nguyễn Xuân Trác, trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Nam (huyện Sơn Dương) dẫn tôi luồn qua những cánh rừng keo ngút ngàn ở xã Đại Phú (huyện Sơn Dương).

Ông kể rằng trước năm 2012, khi tỉnh Tuyên Quang chưa có chính sách đưa rừng phòng hộ về cho dân, Sơn Dương luôn là một điểm nóng về phá rừng. Trạm kiểm lâm Sơn Nam lúc ấy quản lí ngót nghét 13 nghìn ha rừng, trong đó cực nhất là trên 3.000 ha rừng phòng hộ thuộc 7 xã trong huyện. Có năm, xe chở gỗ lậu bị bắt giữ về xếp đống ở trạm kiểm lâm. Tình hình căng tới nỗi Hạt Kiểm lâm Sơn Dương luôn phải tăng cường thêm về trạm Sơn Nam hàng chục cán bộ. Bây giờ thì khác, từ đầu năm 2017 tới nay, trạm mới chỉ xử lí vỏn vẹn 2 vụ vi phạm lâm luật. Cả trạm bây giờ chỉ còn phải giữ lại 2 cán bộ, gồm một trạm trưởng và một kiểm lâm viên... Sự thay đổi ấy chủ yếu nhờ “cái mác” rừng phòng hộ trước đây giờ đã được gỡ ra và giao về cho dân trồng rừng SX.
 

“Gã gàn” thành tỉ phú

Dẫn chúng tôi lên cánh rừng keo tốt bời bời rộng gần 25 ha đã 5 năm tuổi, ông Phạm Đức Thắng (thôn Thái Sơn Tây, xã Đại Phú), chủ nhân của khu rừng vui như tỏa nắng. Ông Thắng kể từ năm 1993, khi chương trình trồng rừng 327 về tới xã Đại Phú, bảng hiệu tuyên truyền kêu gọi trồng rừng san sát ngay cổng làng. Nhưng ở cái thời hôm nay lo cơm cho ngày mai còn chưa xong, trong thôn chẳng mấy ai quan tâm chuyện trồng rừng. Duy chỉ có gia đình ông bị người ta gọi là “gàn” khi một mình nhận trồng, chăm sóc bảo vệ tới 25ha rừng.

13-50-11_dscf4730
Tỉ phú rừng Phạm Đức Thắng, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (bên phải) và cánh rừng 25 ha đã được làm chủ

Diện tích rừng ấy cả gia đình ông đã phải ròng rã trồng suốt từ năm 1995 tới năm 2001 mới xong. Cánh rừng 25 ha được trồng hỗn độn nào keo, trám, lát hoa, nhưng duy chỉ có cây keo là vượt lên được. Rừng tốt đấy, nhưng người trồng, giữ rừng như ông Thắng thì đằng đẵng gần 20 năm trời cứ như đi trên dây, bởi nó là rừng phòng hộ. Cho tới năm 2012, những đồi keo có tuổi đời đã ngót nghét 20 năm tuổi, thân vừa cả người ôm, nhưng chủ nhân của nó cũng chẳng thể đụng vào. Trong khi đó, nạn chặt trộm xẩy ra liên miên. Mà toàn người làng cả, có bắt được thì họ cãi cùn rằng, tôi chặt trộm... rừng nhà nước, chứ có phải rừng nhà anh đâu!

Thế rồi rừng cũng không phụ người. Năm 2012, khi tỉnh Tuyên Quang có chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ là rừng trồng của dự án 327 sang rừng SX, đồng thời giao đất cho người dân, những hộ dân như ông Thắng vui muốn phát khóc. Cả khu rừng 25 ha được thanh lý, sau khi trừ các khoản thu theo quy định cho nhà nước hơn 770 triệu đồng, phần ông thu về trên 1,3 tỉ đồng.

Thừa thắng xông lên, ngay sau khi được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2013, ông trích ra hơn 100 triệu đồng để đầu tư trồng mới 25 ha rừng. Chẳng còn phấn khởi nào bằng khi đất đã do mình làm chủ nên 25ha rừng, cả gia đình ông đổ ra trồng vèo chỉ trong vụ xuân năm 2013 đã xong. Năm đầu, ông còn tận dụng trồng sắn khi rừng chưa khép tán, thu hơn 100 triệu đồng.. Cái gì của mình cũng khác. Chuyện trồng rừng bón phân, vun gốc tưởng như xưa kia là chuyện nực cười thì giờ, hộ nào trồng rừng cũng 300g phân NPK/gốc, đều chằn chặn nên rừng chỉ sau một năm đã khép tán kín đất. Bây giờ, cánh rừng 25 ha của ông Thắng đã tới tuổi thứ 5 sắp có thể khai thác với tiền tỉ cầm chắc trong tay. Cái mà ông Thắng vui nhất trong đời gắn với nghề rừng, đó là đất rừng đã được cấp sổ đỏ. Gia đình có 5 người con, ông chia tách cho mỗi người mỗi sổ đỏ riêng xem như món quà thừa kế. Có tiền bán rừng, nay lại sắp có rừng tiền tỉ sắp thu hoạch, 5 người con ông đều đã có nhà cao cửa rộng nhất nhì thôn.

“Đấy anh xem, rừng trồng bây giờ lại chẳng phòng hộ hơn trước kia. Bởi chỉ một năm sau khi trồng là tán đã kín mít. Cứ ra suối thì biết, giữa mùa mưa mà cứ trong leo lẻo, chứ đâu phải chưa mưa đã ngập làng ngập xóm như trước kia. Chuyện chặt trộm rừng thì giờ mất một cây cũng khó. Bởi ngày nào mà nhà tôi chẳng có mặt ở rừng, ai còn dám đụng vào!” – ông Thắng giãi bày.

Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đại Phú không khỏi phấn khởi cho biết: Từ năm 2013 đến nay, Đại Phú đã có gần 4.00 ha rừng phòng hộ thuộc các dự án RIDP, 327, 661 được chuyển về thành rừng SX và cấp sổ đỏ cho hơn 350 hộ dân. Đây thực sự là cú hích quan trọng giúp người dân địa phương có đất rừng để SX, nhất là ở 2 thôn Hoa Lũng và Lũng Hoa vốn trước đây có diện tích rừng phòng hộ rất lớn. Có cung ắt có cầu, mới đây, một DN đầu tư dây chuyền SX dăm gỗ ngay trên địa bàn xã. Rừng bây giờ là tiền. Trước đây, chỉ có gỗ người ta mới mua thì giờ cũng cành củi cỡ cổ tay trở lên cũng được bán cân với giá 800 – 1.000 đ/kg để băm dăm gỗ. Nếu như trước đây, mỗi ha rừng tốt lắm chỉ tới 50-60 m3 gỗ/chu kỳ thì nay trung bình đạt 80 – 100 m3, thu về hàng trăm triệu đồng là chuyện thường.

Đến nay, riêng Trạm kiểm lâm Sơn Nam (huyện Sơn Dương) chỉ còn phải quản lí khoảng 1.000 ha rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng, hiện đã cơ bản được chuyển về cho dân SX, chỉ còn lại khoảng 300 ha. 300ha rừng phòng hộ này cũng là điều khiến ông Nguyễn Xuân Trác, trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Nam (huyện Sơn Dương), người đã gắn cả đời với nghiệp giữ rừng, nay đã xấp xỉ tuổi nghỉ hưu vẫn còn tâm tư nhất.

Ông bảo, cánh rừng hơn 300 ha ấy hiện chỉ phòng hộ cho một cái hồ thủy lợi bé xíu là hồ Hoa Lũng ở xã Đại Phú. Hồ chỉ rộng chừng vài mẫu, phục vụ tưới cho vài thôn ở xã này nhưng tuần nào ông và một cán bộ kiểm lâm của trạm Sơn Nam cũng phải cơm đùm cơm nắm đi tuần tra thâu đêm. Cánh rừng ấy đa số chỉ có cây keo, được trồng thuộc dự án 327 từ năm 1995, nay cây keo đã chết già, mục rỗng hết cả.

“Rừng phòng hộ là rừng tự nhiên thì mới phải giữ nghiêm ngặt, chứ phòng hộ mà là rừng trồng thì tốt nhất là thanh lý để giao đất cho dân họ trồng rừng mới, vừa có đất cho dâ SX, mà giá trị phòng hộ cũng chẳng kém gì. Bây giờ rừng trồng cũng chỉ hơn 1 năm là đã khép tán kín mít, cứ giữ khư khư cái mác phòng hộ, phỏng có ích gì?” – ông Trác kiến nghị...

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.