| Hotline: 0983.970.780

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh với việc bình thường hóa quan hệ hữu nghị Việt - Trung

Thứ Sáu 03/05/2019 , 07:15 (GMT+7)

Kể từ khi chiến tranh biên giới nổ ra (17/2/1979), đến cuối tháng 7/1991, Bộ Chính trị cử Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể về việc bình thường hóa quan hệ hai nước Việt - Trung.

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Trong hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015) đã kể lại cụ thể sự việc này.

Cuộc hội kiến chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991, phía Trung Quốc do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm trưởng đoàn.

“Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng bí thư Giang Trạch Dân và tôi, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Đồng chí Giang Trạch Dân nêu một vấn đề khá “hóc búa”:

- Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung - Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.

15-45-29_le_duc_nh_-_ts_1988
Bộ trưởng Lê Đức Anh thị sát tại quần đảo Trường Sa (5/1988) đứng bên phải là Đô đốc Giáp Văn Cương

Nghe vậy tôi liền nói:

- Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương, có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể.

Nghe vậy, đồng chí Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười thôi. Rồi ông bảo:

- Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!

Hồi ký của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đánh giá: Nói chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hóa quan hệ để ổn định và phát triển.
 

Con chim chích tuy nhỏ nhưng gan mật đều có

Hồi ký của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng nhắc đến một số đoạn trong lời phát biểu của hai trưởng đoàn tại cuộc hội đàm này.

Đồng chí Giang Trạch Dân nói:

- Hôm qua tôi đã đọc thư đồng chí Đỗ Mười gửi cho chúng tôi. Hôm nay tôi xin nói thẳng thắn. Sáng nay tôi gặp đồng chí Lý Bằng, đồng chí Kiều Thạch và nhiều đồng chí ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác, chúng tôi đã bàn với nhau và chúng tôi hoan nghênh đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc năm nay.

Tổng bí thư Giang Trạch Dân cũng cho biết, ông giữ chức Tổng bí thư từ ngày 24/6/1989, từ đó đến nay, ông không ngờ tình hình Đông Âu biến động và Liên Xô rối ren đến như vậy.

Bình luận về những chia sẻ của Tổng bí thư Giang Trạch Dân, đồng chí Lê Đức Anh nói: “Lần đầu tiên được gặp đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân, tôi thấy rất thân tình”. Còn đồng chí Giang Trạch Dân nói về Bộ trưởng Lê Đức Anh: “Đồng chí lớn tuổi hơn tôi, làm việc lâu năm hơn tôi, kinh nghiệm phong phú hơn tôi”.

- Chúng tôi ở nước nhỏ, tầm nhìn hạn chế trong phạm vi độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia - Tôi khiêm tốn nói.

Đồng chí Giang Trạch Dân cười, vui vẻ nói:

- Trung Quốc có câu nói "Con chim chích tuy nhỏ, nhưng gan mật đều có". Tôi chủ trương bố trí cho cán bộ công tác cơ sở rồi mới điều lên trên, như vậy mới tốt... Chúng tôi phải quyết tâm phát triển kinh tế. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do một mình chúng tôi quyết định được. Chúng tôi phải hết sức cố gắng. Trời không chiều ý người nên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, như thế tốt hơn chỉ nghĩ tới một mặt.
 

Bình thường hóa quan hệ Việt - Trung

Ngày 3/8/1991, tại cuộc họp Bộ Chính trị, sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh báo cáo kết quả chuyến đi Trung Quốc, các thành viên dự họp phát biểu sôi nổi và thống nhất đánh giá chuyến đi đạt kết quả tốt.

15-45-29_le_duc_nh_-_trung_quoc_1993
Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã sang thăm chính thức CHND Trung Hoa (11/1993)

Tiếp đó là những cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy.

Tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5 đến 10/11/1991. Sau lễ đón tiếp và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Trung - Việt. Tháng 11/1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã sang thăm chính thức CHND Trung Hoa.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.