| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo liệt sỹ đầu tiên của báo chí cách mạng

Thứ Tư 26/07/2017 , 08:10 (GMT+7)

Sáng 5/3/2014, lễ gắn biển tên cho phố Trần Kim Xuyến đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Thủ đô chính thức có một tuyến đường mang tên nhà báo liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng, người lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam.

Người xây dựng Thông tấn xã Việt Nam

Ông Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh (Nghệ An) với tấm bằng Thành chung loại ưu, ông được bổ làm phán sự ở tỉnh Bắc Giang. Chính tại Bắc Giang, ông bắt đầu hoạt động trong Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào Hướng đạo sinh…

16-00-38_ky_3_-_trn_kim_xuyen
Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921 - 1947)

Năm 1943, Trần Kim Xuyến về Hà Nội hoạt động. Năm sau, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thành công, ông Nguyễn Hữu Đang - Trưởng Ban tổ chức Ngày Độc lập đã giao nhiệm vụ cho ông Trần Kim Xuyến cùng các ông Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi phụ trách việc thông tin, làm các khẩu hiệu bằng tiếng Việt, Anh, Pháp dán trên băng rôn đỏ treo ở khu vực lễ đài vườn hoa Ba Đình chuẩn bị lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

Sau đó, ông Trần Kim Xuyến được tín nhiệm cử giữ chức vụ Ðổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã nay là Thông tấn xã Việt Nam. Ông Trần Kim Xuyến và các ông Trần Lâm, Chu Văn Tích, còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định tham gia thành lập Đài Phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng  nói Việt Nam). Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan ông Trần Kim Xuyến phụ trách ngay từ ngày 15/9/1945 đã phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. 

Tiếp đó, Việt Nam Thông tấn xã đã phát nhiều tài liệu tuyên truyền hướng dẫn nhân dân hưởng ứng tham gia phong trào Tăng gia sản xuất diệt giặc đói; tham gia “Tuần lễ vàng”, công trái quốc gia, ủng hộ ngân quỹ cho Chính phủ; tham gia phong trào Bình dân học vụ xóa mù chữ diệt giặc dốt; tham gia phong trào Nam tiến chi viện cho Nam Bộ chống giặc ngoại xâm; ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh xây dựng chính quyền nhân dân. Những bản tin của Việt Nam Thông tấn xã còn góp phần giúp cho nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu đúng và ủng hộ nền độc lập, tự do của Việt Nam vừa giành được.
 

Liệt sỹ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày 19/12/1946, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Kim Xuyến tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam ra hậu phương. Đồng thời di chuyển Đài TNVN từ Hà Nội về chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông). Ngày 3/3/1947, phát hiện có đài phát sóng ở chùa Trầm, thực dân Pháp tấn công vào đây. Trước cuộc tiến công truy quét của giặc, ông Trần Kim Xuyến đã ở lại chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Dù cho máy bay và xe tăng địch ào ạt, ông vẫn bình tĩnh chỉ đạo cất tài liệu an toàn. Nhiệm vụ vừa hoàn thành,  ông bị trúng đạn liên thanh của thực dân Pháp, hy sinh khi mới 26 tuổi tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Trần Kim Xuyến là nhà báo Việt Nam đầu tiên, cán bộ Thông tấn đầu tiên hy sinh trong kháng chiến.

16-00-38_ky_3_-_duong_trn_kim_xuyen
Lễ gắn biển đường Trần Kim Xuyến tại Hà Nội (2014)

Bộ Nội vụ ghi rõ công lao của ông trong Giấy truy tặng ngày 19/3/1947 như sau: Trần Kim Xuyến là một cán bộ mẫn cán, nhiều năng lực và sáng kiến, có công lớn trong tổ chức Nha Thông tin Việt Nam. Ông đã nêu gương can đảm, tận tâm mà hy sinh…, xứng đáng làm gương cho tất cả mọi người.

Để ghi nhớ công lao của nhà báo Trần Kim Xuyến, ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông và nhấn mạnh công trạng: “Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội, mặc dầu chịu sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó, đã có công lớn xây dựng Nha Thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam”.

Tháng 12/1953, kì họp thứ ba Quốc hội khóa I họp tại chiến khu Việt Bắc. Kì họp dành thời gian để tưởng niệm các đại biểu Quốc hội đã vì nước hi sinh: Lý Chính Thắng (Sài Gòn - Chợ Lớn), luật sư Thái Văn Lung (Gia Định), bác sĩ Nguyễn Văn Luyện (Hà Nội), Lê Thế Hiếu (Quảng Trị), Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố (Nam Định), Trần Kim Xuyến (Bắc Giang)...

Trong ngày gắn biển tên đường phố Trần Kim Xuyến tại Thủ đô Hà Nội, nhà báo Đỗ Phượng (nguyên Tổng giám đốc TTXVN) chia sẻ: “Trong cuộc đời làm nghề, tôi có vinh dự được 2 lần chứng kiến lễ đặt tên phố mang tên các nhà báo của TTXVN. Lần đầu tiên diễn ra cách đây vài năm, tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi Hội đồng nhân dân thành phố quyết định đặt cho một con phố ở quận Bình Thạnh cái tên Bùi Đình Túy - nhà báo liệt sĩ của TTXVN từng hi sinh trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ”.

Năm 2012, TTXVN đã lập Quỹ học bổng Trần Kim Xuyến đều đặn trao tặng hang năm động viên các em học sinh trên quê hương xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2013, Nhà lưu niệm nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến  đã khánh thành tại quê hương ông. Nơi đây trưng bày những hiện vật, tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời hoạt động của ông góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ.

 

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.