| Hotline: 0983.970.780

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ ra đi và một âu lo để lại

Thứ Ba 22/03/2022 , 16:56 (GMT+7)

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, vừa qua đời ngày 20/3 ở tuổi 90, để lại một âu lo cho nền điện ảnh.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (1932-2022) qua nét ký họa chân dung.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (1932-2022) qua nét ký họa chân dung.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 1/9/1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là con trai út của nhà nho Hoàng Tích Phụng gắn bó với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ có những người anh rất nổi tiếng như họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà báo Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh...

Hoàng Tích Chỉ vào đời bằng vai trò một chiến sĩ trinh sát của Ty Liêm phóng Bắc Ninh. Mãi đến tuổi 30, Hoàng Tích Chỉ mới theo học lớp biên kịch của Trường Điện ảnh Việt Nam khóa 1961-1963. Tác phẩm đầu tay của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là kịch bản phim “Trên vĩ tuyến 17”, do đạo diễn Lý Thái Bảo – Nhất Hiên dàn dựng.

“Trên vĩ tuyến 17” cùng với “Làng nổi”, “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh và “Lá cờ chuẩn” là bốn bộ phim được sản xuất năm 1965 trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Điều ấy cũng khẳng định, dù vào nghề muộn, nhưng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã góp sức trong 20 bộ phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Hành trình sáng tạo của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ tiếp tục được ghi dấu với những kịch bản điện ảnh khác như “Biển gọi” được đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi – Nguyễn Ngọc Trung dàn dựng năm 1967, “Đứa con người hàng xóm” được đạo diễn Hà Trọng dàn dựng năm 1980, “Cuộc chia tay mùa hạ” được đạo diễn Ngọc Trang dàn dựng năm 1981, “Đêm cuối năm” được đạo diễn Châu Huế dàn dựng năm 1983...

Đặc biệt, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã có sự gặp gỡ tri âm trong điện ảnh với đạo diễn Hải Ninh (1931-2013) để có được những bộ phim rung động công chúng, như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” sản xuất năm 1972, “Em bé Hà Nội” sản xuất năm 1974, “Mối tình đầu” sản xuất năm 1977, “Đất mẹ” sản xuất năm 1980...

Đạo diễn Hải Ninh nói về nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: “Với riêng câu chuyện hợp tác giữa tôi và Hoàng Tích Chỉ, thì tôi coi đó là sự hợp tác lý tưởng trong sáng tác giữa biên kịch và đạo diễn. Sự nghiệp của chúng tôi “dính liền” với nhau qua nhiều tác phẩm, đều là tác phẩm mang lại danh tiếng cho cả hai người. Vì thế chưa bao giờ, và không bao giờ tôi đánh giá khác đi vai trò của Hoàng Tích Chỉ trong thành công của những tác phẩm đó. Điều đáng nói là trong cuộc đồng hành chung, chúng tôi đã cùng truyền lửa cho nhau, cùng trải nghiệm, cùng giúp nhau nuôi giữ cảm hứng trong hành trình sáng tạo của mình. Đây là bài học lớn đối với người làm nghề. Tôi tin rằng nếu biên kịch và đạo diễn “tìm thấy nhau” trong cuộc đồng sáng tạo thì chắc chắn những tác phẩm điện ảnh tốt sẽ được hình thành”.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ thuộc thế hệ biên kịch tiên phong của điện ảnh cách mạng Việt Nam, cùng với Cao Đình Báu, Văn Thảo Nguyên, Bành Châu, Đào Hồng Cẩm, Nông Ích Đạt, Vũ Lê Mai, Bành Bảo, Phan Vũ... Năm 2012, Hoàng Tích Chỉ trở thành nhà biên kịch đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

'Em bé Hà Nội' là bộ phim hợp tác giữa Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh.

"Em bé Hà Nội" là bộ phim hợp tác giữa Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cũng từng thử sức làm đạo diễn, và ông dàn dựng một số bộ phim tài liệu như “Đôi dòng ký ức”, “Đô đốc và dòng sông”, hoặc “Đi tìm người chiến sĩ đặc công rừng Sác”. Thế nhưng, tài năng nổi bật của Hoàng Tích Chỉ vẫn nằm ở lĩnh vực biên kịch.

Chính Hoàng Tích Chỉ đã chứng minh, biên kịch điện ảnh là một nghề chuyên nghiệp, và nhà biên kịch cũng cần là một nhà văn trực tiếp dấn thân vào đời sống chứ không chỉ dựa vào sự tưởng tượng. Để hoàn thiện kịch bản “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã 3 lần đi thực tế ở tuyến lửa Vĩnh Linh.  

Bây giờ, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã rời xa dương gian. Khoảng trống mà Hoàng Tích Chỉ để lại là nỗi âu lo về tầm vóc của những nhà biên kịch. Để có sự nghiệp như Hoàng Tích Chỉ, thì không thể xem kịch bản điện ảnh là một thứ văn học hạng hai. Kịch bản điện ảnh cũng tương tự kịch bản sân khấu, phải được xem như một văn bản nghệ thuật, mà người viết phải có bản lĩnh sáng tạo đích thực của một nhà văn.

Nền điện ảnh Việt Nam thời hội nhập cứ triền miên kêu khó kêu khổ, vì khủng hoảng thiếu kịch bản. Phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình đua nhau vay mượn kịch bản nước ngoài, để thúc đẩy dòng phim remake vừa rất hào hứng vừa đầy mặc cảm. Nguyên nhân rất đơn giản, giới điện ảnh và giới văn chương càng ngày càng xa cách. Chúng ta hiếm hoi nhà biên kịch có tư chất nhà văn như Hoàng Tích Chỉ, và chúng ta không có sự mời gọi nhà văn tham gia vào điện ảnh.

Giai đoạn vun đắp nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, hàng loạt nhà văn đã có mặt trong đội ngũ biên kịch như Kim Lân, Tô Hoài, Mai Ngữ, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Dương Linh, Lê Văn Thảo, Lê Tri Kỷ, Phù Thăng... Và nếu làm cuộc điểm danh những bộ phim được khán giả yêu thích, thì không khó để nhận ra những tác phẩm do nhà văn làm biên kịch như “Người về đồng cói” của Lê Lựu, “Kỷ niệm vùng ven” của Chu Lai, “Giữa hai làn nước” của Trần Thanh Giao, “Tự thú trước bình minh” của Nguyễn Khắc Phục, “Đám cưới chạy tang” của Xích Điểu, “Miền đất không cô đơn” của Dương Thu Hương, “Những ngôi sao biển” của Vũ Bão, “Lối rẽ trái trên đường mòn” của Nguyễn Mạnh Tuấn, “Bãi biển đời người” của Nguyễn Đình Chính, “Hà Nội mùa chim làm tổ” của Hoàng Minh Tường...

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ không còn nữa. Phía sau ông là câu hỏi, làm sao thúc giục nhà văn quay lại say mê với công việc biên kịch, để điện ảnh có “bột” xứng đáng mà gột nên “hồ” chất lượng?     

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm