Theo đó, Sumitomo và Kao dự kiến sẽ chọn điểm đến đầu tiên là Thái Lan để đặt các nhà máy đầu tiên ở châu Á sản xuất hàng loạt nhiên liệu sinh học, đồng thời cam kết không làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực tại quốc gia Đông Nam Á.
Đại diện mảng kinh doanh của hãng Sumitomo Corp cho biết, công ty sẽ hỗ trợ phát triển dự án cùng với một công ty địa phương, sau khi đã ký một biên bản ghi nhớ với Global Green Chemicals, một công ty con của tập đoàn hóa dầu Thái Lan là PTT Global Chemical.
Hiện các đối tác vẫn đang thảo luận về việc sản xuất thương mại cồn sinh học làm từ bã mía, phụ phẩm còn lại sau khi mía đã được ép lấy nước.
Sumitomo Corp không phải là nhà đầu tư nước ngoài duy nhất đã nhìn thấy tiềm năng nhiên liệu sinh học ở Thái Lan. Nhà sản xuất hàng gia dụng Nhật Bản Kao, trước đó cũng đặt mục tiêu thử nghiệm sản xuất nhiên liệu sinh học tại quốc gia Đông Nam Á vào cuối thập kỷ này.
Ethanol sinh học, từng được những người ủng hộ coi là lộ trình hướng tới việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong nhiên liệu ô tô và nhiên liệu hàng không bền vững.
Trong khi đó, các nhà sản xuất nhựa hiện cũng đang ngày càng sử dụng nguồn cồn sinh học làm nguyên liệu thô thay vì phải dùng naphtha- một hỗn hợp hydrocarbon lỏng dễ cháy để hóa dầu.
Tuy nhiên hiện một số chuyên gia lương thực đã lên tiếng cảnh báo rằng, xu thế nông dân chuyển đổi đất nông nghiệp sang sản xuất những loại cây trồng làm nhiên liệu sinh học đang có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực toàn cầu. Theo đó, cái gọi là nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai, được làm từ nguyên liệu thô như bã mía, là một giải pháp tiềm năng cho vấn đề này.
Nhà máy ở Thái Lan của Sumitomo dự kiến sẽ được xây dựng sớm nhất vào năm 2025. Sản lượng sản xuất hiện vẫn chưa được xác định, và đại diện công ty cho biết kế hoạch dạng này là lần đầu tiên được công bố ở châu Á.
Sản lượng cồn sinh học trên toàn cầu hiện ước tính khoảng 100 triệu tấn một năm, trong đó hai quốc gia Mỹ và Brazil là những nhà sản xuất hàng đầu.
Phương pháp sản xuất cồn sinh học chủ đạo sử dụng nguồn thực phẩm bao gồm mía và ngô. Hiện giá cồn sinh học cũng đang bám sát đà tăng của các loại nhiên liệu khác, nhưng mặt khác nó cũng có tác động đến giá lương thực, thực phẩm thế giới. Theo Nikkei Asia, giá ngô giao dịch tương lai tăng không chỉ do cuộc xung đột Nga - Ukraine, điều đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc mà nó còn khiến giá nhiên liệu cao hơn.
Tập đoàn công nghiệp Kao, với các sản phẩm bao gồm bột giặt và xà phòng, hiện đang phát triển một phương pháp sản xuất cồn sinh học từ nguyên liệu còn sót lại sau khi tinh bột sắn được chiết xuất từ sắn. Công ty này đặt mục tiêu sẽ sớm có một nhà máy sản xuất trình diễn tại Thái Lan vào khoảng năm 2027.
Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai liên quan đến quy trình sản xuất phức tạp và tiêu tốn một lượng nguyên liệu lớn, gây ra trở ngại về chi phí tiềm năng cao hơn.
Thái Lan, nơi mà Sumitomo và Kao dự định đặt các cơ sở sản xuất cồn sinh học thế hệ thứ hai, là một trong những nhà sản xuất đường mía và sắn hàng đầu thế giới. Điều này có nghĩa là nguồn cung cấp nguyên liệu đã sẵn sàng.
Một nhà kinh doanh ngũ cốc tại Nhật Bản cho biết, nhiều nông dân địa phương đã bắt đầu bán nông sản của họ làm ra để dùng cho mục đích nhiên liệu, bởi đang có giá cao hơn so với mục đích làm thức ăn chăn nuôi. Phía những người ủng hộ xu thế mới thì nói rằng, chất thải và phụ phẩm thực vật không ăn được, ví dụ như bã mía, lá và thân cây sau khi thu hoạch có rất ít rủi ro cho việc cung cấp thực phẩm.