| Hotline: 0983.970.780

'Nhà khoa học' chân đất lai tạo 50 giống lúa… chỉ để tặng Nhà nước

Thứ Tư 01/07/2020 , 09:05 (GMT+7)

Ông là Hoa Sĩ Hiền, 52 tuổi, đã dành 20 năm trời để nghiên cứu lai tạo ra 50 giống lúa. Ông cho biết, cuối đời sẽ hiến tặng hết cho Nhà nước.

Hôm gặp chúng tôi, Hoa Sĩ Hiền khua tay không nói ngay đến giống lúa chịu mặn 5 đến 7 phần ngàn đang nổi như cồn do ông lai tạo. Ông Hiền hỏi chúng tôi: “Vì sao đường điện cao thế Bắc Nam ta làm được, chẳng lẽ đường ống dẫn nước từ thượng nguồn về các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… ta làm không được? Nghe báo đài nói, hàng nghìn ha lúa, vườn cây chết khô vì hạn hán, xâm nhập mặn, nghe mà đau lòng”.

Anh Hoa Sĩ Hiền giành 4 công đất (tương đương 4.000 m2) chỉ để trồng thưc nghiệm lai tạo lúa giống. Và sau hơn 20 năm, đến nay anh sở hữu 50 giống lúa có những đặc điểm vượt trội. Ảnh: HHA.

Anh Hoa Sĩ Hiền giành 4 công đất (tương đương 4.000 m2) chỉ để trồng thưc nghiệm lai tạo lúa giống. Và sau hơn 20 năm, đến nay anh sở hữu 50 giống lúa có những đặc điểm vượt trội. Ảnh: HHA.

Nhai đất là biết độ mặn

Hoa Sĩ Hiền là một nông dân chính hiệu. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tân Châu, An Giang. Năm nay ông 52 tuổi nhưng đã có trên 20 năm “ăn bờ, ngủ bụi” với nghề lai tạo lúa giống. Nhờ đó, ông đang sở hữu 50 giống lúa mang những đặc tính ưu Việt khó mà tìm một nông dân thứ hai có “kho lúa” giống đồ sộ như ông.

Ông Sĩ Hiền ngồi trầm ngâm bên bộ bàn ghế kịch cợm được lắp ghép từ những loại gỗ tạp trong vườn thành bộ bàn ghế chẳng giống ai. Rồi ông kể lại câu chuyện làm ra giống lúa TC7 khó khăn trăm bề như thế nào.

Năm 2009, Hoa Sĩ Hiền nghe đài báo nói bà con ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang khổ sở vì lúa bị nhiễm mặn chết. Ông tức tốc lên đường, lội ra đồng, chứng kiến bà con đòi chết lên chết xuống vì lúa bị mặn chết hết. Nhiều người nói với ông sẽ bỏ xứ đi. Nghe buồn não nuột. Ông Hiền trăn trở và quyết tâm lai tạo cho được giống lúa chịu mặn để cứu bà con.

Ban đầu khi không có dụng cụ đo độ mặn, anh Sĩ Hiền ngoài việc ngửi đất, thậm chí còn cho đất vào miệng nhai thử để biết độ mặn. HHA.

Ban đầu khi không có dụng cụ đo độ mặn, anh Sĩ Hiền ngoài việc ngửi đất, thậm chí còn cho đất vào miệng nhai thử để biết độ mặn. HHA.

Mặc cho cái nắng như đổ lửa, ông lang thang trên những cánh đồng, tìm những bụi lúa tốt nhất còn sót lại sau trận nước mặn xâm nhập, mang về thử nghiệm. Nhưng vùng đất Tân Châu quanh năm nước ngọt lấy đâu ra nước mặn trồng lúa? Nghe tin có mấy người trong xóm đi Phú Quốc (Kiên Giang), ông Hiền mon men tìm tới, nhờ lấy nước mặn giùm.

Từ 4 lít nước mặn đầu tiên, thử nghiệm vài lần đã hết ráo. Ông Hiền ra chợ mua muối để tạo nước mặn. Nhiều người thấy lạ, hỏi ông mua muối để làm gì? Ông Hiền trả lời cắc cớ mua muối về bón lúa. Sau câu trả lời đùa vui của ông, mấy bà tiểu thương ở chợ gọi ông là “nhà khoa học khùng” cho đến bây giờ.

Khoảng 7-8 năm về trước, anh từng được ra Hà Nội nhận giải thưởng nông dân học tập noi theo gương Bác và được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) trao tặng bức tranh này. HHA.

Khoảng 7-8 năm về trước, anh từng được ra Hà Nội nhận giải thưởng nông dân học tập noi theo gương Bác và được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) trao tặng bức tranh này. HHA.

Câu chuyện nước mặn không lo nữa, nhưng làm sao để biết đất bị nhiễm mặn bao nhiêu phần trăm? “Khi ruộng còn nước chỉ cần lấy nước cho vào miệng là tôi biết được độ mặn bao nhiêu. Nhưng khi lúa chín, ruộng hết nước cũng như việc xác định đất đó có độ mặn bao nhiêu, cây lúa sống được thì tôi phải lấy đất cho vào miệng nhai thử. Với cách bất đắc dĩ này tôi biết được độ mặn bao nhiêu để tính toán cho vụ sau. Cứ thế, giống lúa TC7 ra đời và chịu mặn được từ 5-7 phần ngàn”, ông Sĩ Hiền kể.

Tháng 1/2019, Cục Trồng trọt công nhận TC7 và cho sản xuất thử ở ĐBSCL và khi trận hạn mặn lịch sử cách nay 4 năm lập lại ở vùng sông nước mênh mông như miền Tây, nhiều nông dân ở tận Cà Mau, Kiên Giang gọi điện báo tin lúa khỏe, trúng mùa, không chết vì nước mặn nữa.

Tiền giải thưởng, bằng khen, anh Hoa Sĩ Hiền dành hết cho việc mua lúa giống hoặc dụng cụ nghiên cứu, lai tạo giống…

Tiền giải thưởng, bằng khen, anh Hoa Sĩ Hiền dành hết cho việc mua lúa giống hoặc dụng cụ nghiên cứu, lai tạo giống…

Lai tạo 50 giống lúa chỉ dành tặng Nhà nước

Ngồi bên bộ bàn ghế cù lần như dáng dấp của ông, ông Sĩ Hiền ăn ngon lành trái chuối xiêm nhưng không kể được cơ duyên nào ông đến với nghề lai tạo lúa giống. Ông chỉ nhớ là những năm 1999-2000, lúa giống cực kỳ xa xỉ và hiếm vô cùng. Mặc dù có “giá” như vậy, nhưng năm nào sâu bệnh nhiều là mất trắng.

Năm 2000, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp thực hiện Chương trình "Xã hội hóa giống lúa" ở tỉnh An Giang. Hoa Sĩ Hiền cùng một số nông dân ưu tú ở địa phương hăng hái “nhập ngũ”. Nhờ đó, ông Hiền có cơ hội tham gia nhiều lớp tập huấn về lai chọn giống lúa và kỹ thuật canh tác mới.

Anh Hoa Sĩ Hiền đang giành công sức bổ sung thêm những đặc tính tốt về ngoại hình cho giống lúa Hương Thơm Tân Châu để sớm đưa hạt gạo này đi thi quốc tế về gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: HHA.

Anh Hoa Sĩ Hiền đang giành công sức bổ sung thêm những đặc tính tốt về ngoại hình cho giống lúa Hương Thơm Tân Châu để sớm đưa hạt gạo này đi thi quốc tế về gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: HHA.

Với tính cần cù, chịu khó của con nhà nông và tính tỉ mỉ, kiên trì của anh thợ sửa đồng đồ có trình độ lớp 6, chỉ sau 4 năm “xuất ngũ” ở thao trường lai tạo lúa giống, ông Hiền đã lai tạo thành công 4 giống lúa TC1, TC2, TC3, TC4 cho gạo mềm ngon, năng suất cao với khả năng chống rầy nâu, đạo ôn mà không cần dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Những năm đó, ông Hiền nhận được nhiều bằng khen, từ cấp tỉnh đến Trung ương.

Có thể nói, từ khi 4 đứa con tinh thần của ông ra đời, Hoa Sĩ Hiền như một hiền sĩ lui về ở ẩn, chăm nom, cày cấy trên mảnh ruộng 4.000 m2 mà hiện nay ông gọi là “Viện nghiên cứu” tại xã Tân An (một cái nhà rộng khoảng 16m2). Còn 18.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp mà ông tích cóp mua được, ông Hiền nhường hết cho vợ để trồng lúa nuôi 3 đứa con ăn học.

Vì đam mê nghiên cứu lai tạo lúa giống, anh chấp nhận cuộc sống thiếu thốn và 20 năm qua mảnh ruộng 4.000 m2 của anh, chưa hề mang về cho vợ 1.000 đồng nào. Ảnh: HHA.

Vì đam mê nghiên cứu lai tạo lúa giống, anh chấp nhận cuộc sống thiếu thốn và 20 năm qua mảnh ruộng 4.000 m2 của anh, chưa hề mang về cho vợ 1.000 đồng nào. Ảnh: HHA.

“Đến giờ này, ngoài sự giúp đỡ của cán bộ ngành nông nghiệp An Giang, tôi tạo ra được 50 giống lúa như ý tôi là có sự đồng cảm, chia sẻ của vợ, con tôi rất nhiều. Vì suốt 20 năm qua, trên mảnh ruộng 4.000 m này, tôi chưa hề mang về 1.000 đồng nào cho vợ con. Còn tiền thưởng, tôi cũng dành mua dụng cụ nghiên cứu lúa giống, chưa mua được cho vợ con một bộ quần áo mới nào”, ông Hoa Sĩ Hiền thố lộ.

Ông kể, cách đây khoảng 8 năm, có ít nhất 2 công ty nông nghiệp lớn đến mời ông về làm cố vấn kỹ thuật, chuyên lai tạo giống lúa với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng nhưng Hoa Sĩ Hiền không đặt bút ký. Vì ông không muốn những đứa con tinh thần của mình bị tư nhân hóa, trôi nổi theo cơ chế thị trường nên ông tiếp tục bám ruộng, lai tạo giống theo niềm đam mê của mình.

Anh Hứa Long Sơn, Phó Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu, nói: “50 giống lúa  anh Hiền đang sở hữu đã nói lên công sức, niềm đam mê và sự am hiểu kỹ thuật lai tạo giống của anh như thế nào về ngành lúa giống. Mặc dù kiến thức của anh rộng, sâu về khoa học đất về kỹ thuật lai tạo giống, chu trình sinh trưởng của cây… Nhưng lúc nào anh cũng khiêm tốn, sẵn sàng chia sẻ cho cán bộ, bà con nông dân”.

Hàng ngày với bộ quần áo nhà nông, “nhà khoa học” chân đất Hoa Sĩ Hiền đều đặn đạp xe cọc cạch đến “Viện nghiên cứu” chia sẻ những kiến thức cho các bạn sinh viên ĐH An Giang đến thực tập. Hết lớp này đi, lớp khác đến, tính đến nay có trên 500 cử nhân ĐH An Giang từng “lên bờ xuống ruộng” với ông đã ra trường. Trong đó, có nhiều em bây giờ là thạc sĩ, tiến sĩ ngành nông nghiệp.

“Khi trồng lúa hay trồng cây ăn trái, liều lượng phân hữu cơ, vô cơ và vi sinh rất quan trọng. Cái nào nhiều quá sẽ có tiêu cực và ngành nông nghiệp của chúng ta đã có thời gian dài lạm dụng phân vô cơ quá nhiều. Vì thế đã đến lúc, chúng ta phải biết chăm sóc lại môi trường đất, nước. Đất, nước đã “sổ mũi” rồi, chúng ta phải điều trị ngay, vì đây mới là căn cơ. Còn những nghiên cứu của tôi, tạo ra giống lúa chịu phèn, chịu mặn 5-7 phần ngàn trả là gì đâu, vì ngoài kia nước mặn còn mặn lắm”. Hoa Sĩ Hiền chia sẻ.

Ông còn nói, tất cả giống lúa được ông lai tạo ra đã được Viện nghiên cứu ĐBSCL, ĐH Cần Thơ bảo quản trong kho lạnh. Hiện ông dành nhiều thời gian viết lại chu trình, cách thức lai tạo giống cũng như lịch sử của những giống lúa của ông lai tạo ra đời thế nào… Để một ngày ông về với đất, ông hiến tặng hết cho Nhà nước.

Hoa Sĩ Hiền có được ý niệm cao đẹp đó là từ sự chăm học, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Bác Hồ mặc áo nâu, mang dép lê, sống nhà sàn vách lá… nhưng cả cuộc đời vì nước vì dân. Bởi vậy, tôi làm ra 50 giống lúa khi tiếng súng không còn chỉ là điều tầm thường nên phải còn học nữa, học theo gương Bác”, Hoa Sĩ Hiền, bộc bạch.

'Nhà khoa học' chân đất Hoa Sĩ Hiền làm ra bao giống lúa chỉ để cuối đời dành tặng hết cho Nhà nước.

“Nhà khoa học” chân đất Hoa Sĩ Hiền làm ra bao giống lúa chỉ để cuối đời dành tặng hết cho Nhà nước.

Trước khi chúng tôi ra về, Hoa Sĩ Hiền mang một túi lúa thơm, có hạt dài miên man ra cho anh em chúng tôi xem. Ông khoe, đây là giống lúa Hương thơm Tân Châu. Những ưu điểm như gạo mềm dẻo, thơm cơm đều có trong giống lúa này. Chỉ còn ngoại hình cây lúa chưa đẹp mắt nên ông đang tiếp tục lai tạo để hoàn thiện giống lúa này, sớm mang ra đấu trường quốc tế thi gạo ngon nhất thế giới.

Hoa Sĩ Hiền, nói: “Nếu giống lúa này thành công và đạt giải gạo ngon nhất thế giới, ông sẽ dành tặng cho Nhà nước”.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.