Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp (DTGNN), Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường ĐH Cần Thơ, cho biết đã lai tạo ra giống lúa than giàu dinh dưỡng.
Giống lúa này là kết quả lai từ giống lúa Khẩu Lệch gốc ở miền Trung nước ta và giống lúa BN-2 của bộ môn DTGNN. Lúa cứng cây, thời gian sinh trưởng ngắn 80-90 ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt, năng suất 6-7 tấn/ha. Đặc biệt giống lúa này có hạt dài, sau khi tách vỏ trấu cho ra hạt gạo màu nâu đen.
Theo kết quả phân tích của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM, so sánh với giống lúa Jasmine có hàm lượng sắt (Fe) là 4,8mg/kg, Can-xi (Ca) 50,4mg/kg, Vitamine B1, B6: không phát hiện…, trong khi giống lúa than có hàm lượng Fe 26,4mg/kg, Ca 135,7mg/kg và Vitamine B1 0,49mg/kg, Vitamine B6 0,52mg/kg.
Những yếu tố này cho thấy hạt gạo than hấp dẫn tựa như thuốc bổ. Được biết trước đó, Phòng NN- PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có tiến hành khảo nghiệm giống lúa than đặc sản (do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cung cấp từ năm 2003) để chuẩn bị sản xuất đại trà.